Những người vợ liệt sĩ Gạc Ma 30 năm thờ chồng nuôi con

09:01 | 14/03/2018;
30 năm sau trận hải chiến Gạc Ma, những người vợ liệt sỹ của trận hải chiến Gạc Ma năm ấy chịu cảnh góa bụa, ở vậy nuôi con đến bây giờ.

Trận hải chiến năm 1988 bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa, 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh.  Họ ra đi khi tuổi đời mới 18, đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất của đời người. Chỉ có một số ít người đã lập gia đình. 30 năm trôi qua, những người vợ liệt sỹ của trận hải chiến Gạc Ma năm ấy chịu cảnh góa bụa, ở vậy nuôi con đến bây giờ.

Vào Đà Nẵng tham gia Chương trình giao lưu nghệ thuật “Biển gọi” tri ân các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma lần này, chị Trần Thị Ninh, quê xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, vợ liệt sĩ Phan Huy Sơn như sống lại tuổi đôi mươi của 30 năm về trước.

Chị Ninh kể chuyện đời mình như một thước phim chắp nối. Năm 1981, chị kết hôn với anh Phan Huy Sơn. Đến năm 1984, anh chị có người con trai đầu lòng là Phan Huy Hà. Niềm vui ngắn chẳng tày gang thì anh chị phát hiện cháu Hà bị thiểu năng trí tuệ. Chưa nguôi nỗi buồn, anh Sơn ra đảo Song Tử Tây làm nhiệm vụ.

Năm 1988, đơn vị cho anh Sơn về phép 4 tháng. Còn 15 ngày mới hết phép thì anh nhận được lệnh triệu tập khẩn đi tăng cường ra Gạc Ma. Anh Sơn lại ra đảo xa, không ngờ đây là lần chia tay cuối cùng với gia đình yêu quý. Anh và 63 đồng đội ngã xuống trong trận Gạc Ma bất tử.

2.jpg
Chị Trần Thị Ninh, vợ liệt sĩ Phan Huy Sơn. (Ảnh Báo Pháp luật)

 
Trước lúc hy sinh, anh cũng không biết vợ mình đã mang thai bé gái. Người vợ trẻ phải vượt lên nỗi đau mất chồng, gắng gượng chăm sóc con gái Phan Thị Trang. Chị Trần Thị Ninh nghẹn ngào nhớ lại: "Nhận được tin chị không muốn sống thật nhưng phải cố vươn lên, để cháu thứ hai mang thai không biết chào đời khỏe mạnh hay như anh Hà. Sau sinh ra cháu thứ hai bình thường, từ đó là nguồn động viên cho mình".

Khó có thể kể hết những nhọc nhằn của người vợ liệt sĩ trong suốt 30 năm một mình gồng gánh nuôi hai đứa con thơ. Hoàn cảnh gia đình ngày càng khó khăn, 3 mẹ con chị Ninh không có nổi căn nhà kín gió để ở. Một mình chị vừa bươn chải trên đồng ruộng kiếm sống, vừa nuôi con nhỏ. Đứa con lớn bị dị tật bẩm sinh càng thêm khổ. Đói khổ, thiếu thốn đủ đường, chị nhờ vả bà con, họ hàng giúp đỡ.

Bà Ngô Thị Như, ở gần nhà chị Ninh không thể quên những tháng ngày khốn khó của người hàng xóm: "Tôi giúp đỡ cho về ăn qua ngày đoạn tháng, khi chị có chị trả mà không có thì tôi nói cứ đưa về cho anh Hà ăn đi thôi. Tổ dân cư phụ nữ xã, phụ nữ xóm đến động viên giúp đỡ cái quần, cái áo, rồi gạo thóc thêm. Chị không có mô, cơ cực là khổ".

Năm 2006 với sự giúp đỡ của đồng đội, chị Trần Thị Ninh xây được căn nhà 3 gian, có nơi thờ cúng chồng. Người con gái của chị cũng tìm được việc làm, phụ giúp mẹ. Nhưng điều khổ tâm nhất với chị Ninh là người con trai đầu Phan Huy Hà, bệnh tình ngày càng trở nặng. Đã 34 tuổi nhưng anh Hà vẫn không biết nói, không tự chăm sóc được bản thân, ngay cả khi ăn cũng phải xay nhuyễn để đút từng thìa.

Thời gian gần đây, anh Hà đi lại khó khăn hơn, có khi tự ngã nhào nên lúc nào mẹ cũng phải theo sát. Ngày còn sống, mỗi bức thư anh Sơn gửi về đều dặn chị thay anh chăm sóc tốt cho con. Khó khăn đến mấy chị cũng không một phút lơ là việc chăm sóc con mình.

Cùng cảnh ngộ như chị Ninh, hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Tần, vợ liệt sĩ Vũ Phi Trừ cũng không kém phần vất vả. Bao năm nay, một mình chị tần tảo nuôi 2 con nhỏ. Liệt sĩ Vũ Phi Trừ, quê tỉnh Thanh Hóa là thuyền trưởng tàu hải quân HQ 604 - con tàu đã bị Trung Quốc bắn chìm trong trận chiến Gạc Ma. Anh đã dũng cảm hy sinh để lại vợ trẻ và 2 con thơ. Người vợ Nguyễn Thị Tần ở vậy thờ chồng, nuôi con khôn lớn.

 

1.jpg
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tặng quà gia đình liệt sĩ Vũ Phi Trừ.

 

Chị Tần kể, khi hay tin anh cùng đồng đội hy sinh, chị đã khóc rất nhiều, không ăn, không ngủ mấy ngày liền. Hồi đó, người con lớn Vũ Xuân Đăng mới 5 tuổi, đứa em thì vừa dứt sữa ít ngày. Đau khổ tận cùng nhưng chị Nguyễn Thị Tần cố gắng gượng dậy. Chị luôn dạy các con phải tiếp nối truyền thống gia đình, noi gương của bố và các chú, các bác.

Vũ Xuân Đăng xung phong vào Hải quân. Đứa con thứ hai nay là cán bộ Công ty Tân Cảng, Bộ Quốc Phòng - Chi nhánh tại Đà Nẵng. Năm 2016, Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trao tặng gia đình Liệt sĩ Vũ Phi Trừ căn hộ chung cư.

Hôm từ thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng nhận nhà, chị Nguyễn Thị Tần, vợ liệt sĩ Vũ Phi Trừ bồi hồi xúc động trước nghĩa cử và tình cảm của mọi người dành cho gia đình mình: "UBND thành phố tạo điều kiện cho các cháu công ăn việc làm rồi giờ có chỗ ở nữa thì thật sự trong đời tôi không bao giờ dám nghĩ tới. Nuôi các cháu lớn, cho các cháu ăn học muốn các cháu vào quân đội để các theo chân cha các cháu để giữ gìn biển đảo".

Sự kiện ngày 14/3/1988 còn được gọi là trận “Hải chiến Trường Sa 1988”. Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc dùng lực lượng quân sự đánh chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao của Việt Nam. Trong khi Trung Quốc có tàu chiến và vũ khí hiện đại thì lực lượng công binh Việt Nam chống trả chỉ có cuốc, xẻng… trong tay.

Họ đã anh dũng kết thành vòng tròn bất tử để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến không cân sức này. Họ ra đi để lại những người vợ trẻ, những đứa con thơ. Những người thân yêu của các liệt sĩ đã và đang sống trong vòng tay ấm áp và yêu thương của mọi người./.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn