Nguyên nhân phổ biến khiến nhiều người trẻ bị đột quỵ

11:57 | 17/11/2024;
Đột quỵ thường xảy ra ở người trên 60 tuổi, nhưng các nghiên cứu gần đây ghi nhận tỉ lệ đột quỵ ở người dưới 50 tuổi vào khoảng 10%-15%. Trẻ em từ 1-3 tháng tuổi cũng có thể bị đột quỵ.

Bộ Y tế ghi nhận mỗi năm có hơn 200 nghìn trường hợp bị đột quỵ nói chung. Trước đây, đột quỵ chủ yếu gặp ở người trên 60 tuổi, nhưng trong những năm gần đây, đột quỵ đang có khuynh hướng trẻ hóa, tỉ lệ người trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng. Lối sống thiếu khoa học là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ ở giới trẻ.

Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã cấp cứu nhiều trường hợp đột quỵ xảy ra ở người dưới 40 tuổi. Cách đây 2 tháng, anh T (36 tuổi) được đưa đến bệnh viện cấp cứu do đột ngột yếu nửa người bên phải. Được biết, anh có thói quen hút thuốc lá và uống bia nhiều, thường xuyên thức khuya đến 2, 3 giờ sáng để chơi game.

"Buổi sáng, anh T. đang ăn sáng và bấm điện thoại thì đột ngột không điều khiển được ngón tay phải, sau đó rơi điện thoại, khó gọi người trợ giúp vì nói không rõ", người nhà anh T. cho biết.

Khi được đưa vào bệnh viện, các bác sĩ tiến hành chụp cắt lớp vi tính não bộ và phát hiện bị tắc gần hoàn toàn động mạch não giữa trái (là một nhánh lớn cấp máu cho 1 vùng diện rộng của não). Khi đo điện tâm đồ thì phát hiện người bệnh có rung nhĩ - bệnh lý này thường gặp ở những người bị stress, thiếu ngủ, hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia.

Nguyên nhân phổ biến khiến nhiều người trẻ bị đột quỵ- Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Trường Duy (giữa) thăm khám cho người bệnh

ThS.BS. Nguyễn Trường Duy, Trung tâm Tim Mạch - Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), cho biết: "Sau khi được can thiệp hút huyết khối bằng dụng cụ, người bệnh đã hồi phục gần như hoàn toàn, không để lại di chứng. Đây là một trường hợp may mắn vì người bệnh nhập viện rất sớm, còn trong thời gian vàng để các bác sĩ có thể can thiệp cấp cứu". Bệnh nhân đột quỵ do tắc động mạch não có thể được điều trị tái thông mạch máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết (làm tan cục huyết khối) hoặc can thiệp hút huyết khối trong động mạch bị tắc với điều kiện bệnh nhân phải đến bệnh viện sớm, trong "khung giờ vàng" để có thể can thiệp cấp cứu mạch máu não.

Có câu "Người dại chờ bệnh, người khôn phòng bệnh", phòng ngừa đột quỵ ngay từ khi còn trẻ là điều cần thiết, vì một khi đột quỵ xảy ra sẽ đưa đến nhiều hệ lụy về sức khỏe và tàn phế, tăng thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội (phải có người chăm sóc) cũng như chi phí điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Trường Duy cho biết, đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng ngưng cung cấp máu cho một vùng não bộ do động mạch não bị tắc nghẽn hoặc vỡ. Trong đó nhồi máu não chiếm 95% trường hợp; vỡ động mạch não dẫn đến xuất huyết não chiếm 15% các trường hợp.

Đột quỵ thường xảy ra ở người trên 60 tuổi, nhưng các nghiên cứu gần đây ghi nhận tỉ lệ đột quỵ ở người dưới 50 tuổi vào khoảng 10-15%. Trẻ em từ 1-3 tháng tuổi vẫn có thể bị đột quỵ.

Đột quỵ ở người trẻ do nhiều nguyên nhân như vỡ dị dạng mạch máu não; tăng huyết áp; tắc mạch não do huyết khối từ tim (trên bệnh nhân rung nhĩ, hẹp van 2 lá, suy tim trái…) hoặc do các khối sùi osler trong bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng; tắc mạch não do xơ vữa trên người hút thuốc lá, béo phì, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu; tắc mạch não do bệnh lý máu dễ đông.

Bác sĩ Nguyễn Trường Duy đưa ra các dấu hiệu "cảnh báo" về hiện được có thể hoặc sắp bị đột quỵ: Bỗng nhiên bị mất thăng bằng, chao đảo, xây xẩm, dễ té, đột ngột hôn mê. Đột ngột mất thị lực hoặc nhìn mờ, nhìn một thành hai hoặc mắt nhắm không kín. Liệt mặt, miệng méo một bên. Yếu tay, chân, cử động khó. Nói khó, nói lắp, nói nhát gừng, khó hiểu lời nói của người khác đột ngột.

"Khi xuất hiện các triệu chứng gợi ý đột quỵ nêu trên, bệnh nhân cần phải được cấp cứu ngay tại cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không điều trị bằng các biện pháp truyền miệng hoặc mách bảo như vắt chanh vào miệng, đâm kim trích máu đầu ngón tay, cạo gió… Vì điều này sẽ kéo dài thời gian bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, tăng số lượng tế bào não bị chết dẫn đến di chứng rất nặng về sau. Trong đột quỵ: thời gian là vàng!", bác sĩ Nguyễn Trường Duy đặc biệt lưu ý. 

Để phòng đột quỵ khi còn trẻ, bác sĩ Nguyễn Trường Duy khuyến cáo giới trẻ cần có lối sống lành mạnh, nếu có bệnh lý thì cần điều trị tích cực. Người trẻ nên tập thể dục thường xuyên, ít nhất 15 phút/ngày và hầu hết các ngày trong tuần. Hạn chế ăn thức ăn có hàm lượng muối cao như mắm, khô, chao, chà bông, xúc xích, đồ hộp… và các loại thực phẩm siêu chế biến như thức ăn nhanh, mì ăn liền.

Cùng với đó, tăng khẩu phần rau, củ, quả, các loại hạt và trái cây tươi trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đây là các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng chống xơ vữa động mạch não, ngăn ngừa sự tích tụ mảng lipid trên thành mạch máu não, đồng thời góp phần giảm các hạt lipid đã bị oxy hóa.

Đặc biệt, trong thời đại "mì ăn liền" dễ tăng cân, béo phì như hiện nay, người trẻ cần duy trì cân nặng lý tưởng. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, ngủ đủ giấc, tốt nhất là 6-7 tiếng/ngày. Thiếu giờ ngủ hoặc ngủ quá nhiều đều làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Khi người bệnh đã có các bệnh lý dễ dẫn đến đột quỵ như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, loạn nhịp tim, suy tim… thì cần phải uống thuốc đều đặn, mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ và tái khám theo hẹn. Không nên tự ý ngưng thuốc hoặc uống thuốc kéo dài "vì cảm giác thấy khỏe trong người" mà không đến bệnh viện thăm khám định kỳ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn