Bé Thapa, 15 tuổi, thoi thóp nằm trên giường tại bệnh viện Safdarjung ở New Delhi, Ấn Độ. Mặt và đầu em băng bó kín, chỉ hở đôi mắt bầm tím và khóe miệng sưng tấy. Toàn thân chi chít những vết sẹo vì bỏng nặng, vành tai bị biến dạng…
Bệnh nhân nhỏ tuổi này gắng sức nói: “Bà chủ ngày nào cũng có thể vô cớ đánh đập cháu bằng cán chổi và gậy gộc. Nhiều lần bà dí đít chảo nóng rát vừa xào nấu thức ăn lên người cháu. Da đầu cháu bỏng rộp, bong tróc bởi nhiều lần bị bà chủ dùng chảo nóng chà xát”.
Trường hợp bị bạo hành dã man như Thapa ở New Delhi không phải là cá biệt. Hàng năm có hàng nghìn bé gái từ các bản làng hẻo lánh được lén lút đưa đến các thành phố lớn, nơi chúng bị bán làm người giúp việc, trở thành nạn nhân bị bạo hành và bóc lột sức lao động.
Chợ trời lao động
Shakurpur Basti nằm ở phía Tây New Delhi, luôn có trên 5 nghìn công ty môi giới người giúp việc hoạt động. Nhiều người sẽ bị sốc khi tìm hiểu hoạt động của các công ty môi giới người giúp việc tại đây. Các công ty này có mạng lưới đại lý tại các vùng nông thôn hẻo lánh, tỏa về các vùng quê, tìm những bé gái trong các gia đình cực nghèo, trao cho họ món tiền nhỏ, rồi mời chào bé gái lên thành phố với lời hứa có việc làm ổn định, tiền công cao.
Đến thành phố, đại lý bán cho công ty với giá khoảng 120 USD/bé gái. Rồi công ty môi giới bán cho các gia đình có nhu cầu cần người giúp việc với giá 600-700 USD.
Tại nhà chủ, các bé gái buộc phải làm việc 14-16 giờ/ngày và thực hiện tất cả công việc nhà, từ nấu ăn, lau dọn nhà cửa đến chăm sóc trẻ. Ngoài ngày 3 bữa ăn và quần áo mặc hàng ngày, người giúp việc nhỏ tuổi hầu như không có khoản thu nhập nào. Lương hàng tháng của các em thường được chuyển vào tài khoản công ty môi giới và chỉ được trao cho người lao động sau khi kết thúc hợp đồng.
Đa số các bé gái bị giam lỏng trong cái vòng tròn luẩn quẩn này. Chúng mù chữ, không biết quyền lợi của bản thân và không có khái niệm trở về nhà bằng cách nào. Những kẻ buôn người và các công ty môi giới tận dụng tình trạng không có khả năng tự vệ của nạn nhân để dịch chuyển chúng từ gia đình này sang gia đình khác.
Những câu chuyện đau lòng
Thiếu nữ 16 tuổi Manju thuật lại câu chuyện bọn buôn người đã đưa cô đến New Delhi bằng cách nào năm cô 12 tuổi.
Bố mẹ Manju đều là công nhân, có 5 con. Họ đã đồng ý gửi con gái lớn lên thành phố, như nhân viên đại lý môi giới địa phương quảng cáo sẽ nhận được công việc tốt. Thực tế, đại lý môi giới bán Manju cho một người đàn ông lớn tuổi hơn cả bố Manju để làm vợ lẽ.
Người đàn ông mua cô bé với giá 50 nghìn rupees (tương đương 800 USD) nhưng hợp đồng không thể thực hiện bởi đại diện công ty môi giới ở New Delhi đòi giá cao hơn. Đêm hôm đó, gã nhân viên đại lý đã cưỡng hiếp Manju để “bù đắp” cho khoản chi phí đi đường hắn bỏ ra.
Sáng hôm sau, Manju bị bán cho một gia đình ở New Delhi làm người giúp việc với giá 35 nghìn rupees (khoảng 560 USD). Sau 11 tháng, được gia đình chủ chấm dứt hợp đồng, cô yêu cầu công ty môi giới thanh toán tiền công trở về nhà nhưng không được thực hiện. Manju còn bị giam tại trụ sở công ty và thêm một lần bị cưỡng hiếp.
Gần 18 tháng sau, Manju may mắn được Bachpan Bachao Andolan, một tổ chức phi chính phủ đấu tranh chống nô lệ hiện đại, giải thoát.
Chị Vinita 21 tuổi đã mất hy vọng có ngày gặp lại gia đình. Chị bị lừa rời khỏi nông trường trồng chè ở vùng đông-bắc Ấn Độ và bị bán cho người đàn ông 50 tuổi làm vợ lẽ với giá 70 nghìn rupees (khoảng 1.200 USD). Khi nhóm cứu hộ và cảnh sát tìm thấy Vinita sau gần 1 năm làm kiếp nô lệ, chị thổn thức kể, những lần chị nỗ lực trốn chạy đều thất bại và bị đánh đập tàn nhẫn.
Mausami, một thiếu nữ 16 tuổi, đang mang thai 4 tháng khi lực lượng chức năng địa phương giải cứu cô khỏi gia đình chủ tàn bạo. Nhiều ngày Mausami bị giam lỏng trong phòng tối và bị lạm dụng tình dục.
Cô kể trong nước mắt, “thù lao” cho 14-16 giờ lao động/ngày là bị cưỡng đoạt thân thể và những trận đòn roi. Một năm sau, khi may mắn được trở về nhà tại ngôi làng nhỏ Lakhimpur, bang Assam, cả ngày Mausami không bước chân ra khỏi nhà. Cô sợ những lời nói, ánh mắt khinh bỉ của dân làng.
Không dễ hòa nhập cuộc sống mới
Đối với những nữ nô lệ thời @, việc tìm lại bản thân sau nỗi đau tinh thần và thể xác cùng những trải nghiệm khủng khiếp là chuyện cực khó. Khi trở về bản làng của mình, những nạn nhân khổ sở vì tình trạng miệt thị và thầm lặng tẩy chay của người dân địa phương.
Báo cáo Global Slavery Index năm 2013 về chỉ số mức độ nô lệ trên thế giới do Walk Free Foundation, một tổ chức đấu tranh chống nạn nô lệ hiện đại có trụ sở tại Australia, thực hiện cho thấy, một nửa số “nô lệ hiện đại” trên thế giới (khoảng 30 triệu người) là công dân Ấn Độ.