Nhà thơ Anh Thơ tên thật là Vương Kiều Ân, bút danh khác là Hồng Anh, Tuyết Anh, Hồng Minh quê ở Bắc Giang. Anh Thơ sáng tác sớm, năm 17 tuổi đã nhận giải khuyến khích của Tự lực Văn đoàn với tập Bức tranh quê . Sau đó bà tham gia viết bài cho báo Đông Tây và một vài báo khác. Giữa lúc phong trào "Thơ mới" đang diễn ra sôi nổi, bà đã tìm đến thơ và tự khẳng định giá trị của người phụ nữ trong xã hội đuơng thời. Thơ bà làm sống lại vẻ đẹp của làng quê và thiên nhiên đất nước.
Bà tham gia Việt Minh năm 1945, từng là Bí thư huyện Hội phụ nữ 4 huyện thời đó: Việt Yên, Lục Ngạn, Dắc Sơn, Hữu Lũng (tỉnh Bắc Giang khi ấy), Ủy viên thường vụ Tỉnh hội phụ nữ hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Thơ của bà lúc này nói lên tâm tình và hình ảnh người phụ nữ ở hậu phương, nhiều người đã anh dũng vượt lên đau xót và xa cách, gánh chịu những hy sinh thầm lặng, góp phần vào thắng lợi của dân tộc.
Thời kỳ chống Mỹ, thơ bà mở rộng đề tài và cảm xúc, tái hiện những nét đẹp của cuộc sống mới, chủ nghĩa yêu nước và anh hùng của con người Việt Nam. Bà là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957), ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa I và II).
Nữ sĩ Ngân Giang tên khai sinh là Đỗ Thị Quế, bút danh khác như: Hạnh Liên, Đỗ Quế Anh, Nguyệt Quyên. Bà xuất thân từ gia đình Nho học tại phố Hàng Trống, Hà Nội, (quê gốc ở Thường Tín, Hà Nội) có truyền thống văn học. Ông ngoại bà là hậu duệ của chúa Trịnh Sâm, ông nội là một nho sĩ nổi tiếng Bắc Hà, bạn thân của thi hào Nguyễn Du, cha bà cũng là người nổi tiếng. Mới lên 8 tuổi, bà đã có bài thơ đầu tiên tên "Vịnh Kiều" đăng trên báo Đông Pháp với bút danh Nguyệt Quyên. Năm 16 tuổi, bà in tập thơ đầu Giọt lệ xuân, bút danh Hạnh Liên, nhà xuất bản Tân Dân ấn hành.
Năm 20 tuổi, bà viết cho tờ Ngọ báo, Bắc Hà. Năm 21 tuổi, bà có thơ in chung trong cuốn Duyên văn. Khi 22 tuổi, bà rời Hà Nội vào Sài Gòn, viết cho Điện Tín nhật báo, và báo Mai. Sau đó, bà trở ra Hà Nội viết cho Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Đàn bà... Năm 1939, thi phẩm "Trưng nữ vương" ra mắt, gây tiếng vang trên thi đàn. Đầu năm 1944, bà tham gia mặt trận Việt Minh. Cũng trong năm này, bà cho in tập thơ Tiếng vọng sông Ngân.
Năm 1945, bà bị bắt và bị giam một tháng. Khi được tha, bà tham gia giành chính quyền rồi được cử làm Trưởng đoàn phụ nữ Cứu quốc Hà Nội, sau phụ trách Phòng Tuyên truyền đường lối chính sách của Mặt trận Việt Minh. Năm 1946, Ngân Giang phụ trách Ban Lễ tân Bộ Nội vụ. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bà ra chiến khu công tác tại Sở tuyên truyền liên khu I. Sau đó, bà quay về Hà Nội, làm thơ đăng trên các báo Hồ Gươm, Quê hương, Tia sáng, Giang sơn... ký bút danh Nàng không tên. Năm 1957, bà được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam, làm việc tại Hội. Bà vào Hợp tác xã thêu ren. Khi không còn đủ sức, bà mở quán bán hàng nước đến khi mất. Bà là mẹ của nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh.
Xuân Quỳnh tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh tại xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, Hà Nội. Bà xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa, Xuân Quỳnh được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành. Năm 1956, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa. Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài và dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới năm 1959 tại Vienna (Áo).
Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, làm việc tại báo Văn nghệ, Báo Phụ nữ Việt Nam. Xuân Quỳnh là hội viên từ năm 1967, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III. Năm 1973, Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang vũ (trước đó, Xuân Quỳnh kết hôn lần đầu với một nhạc công của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và đã ly hôn). Từ năm 1978, Xuân Quỳnh làm biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Xuân Quỳnh mất ngày 28/8/1988 trong một vụ tai nạn giao thông tại Hải Dương, cùng với chồng và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi. Bà là một nữ nhà báo, nhà thơ nổi tiếng với các bài thơ được rất nhiều người yêu thích như: Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, tiếng gà trưa, Tự hát... Bà được truy tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ chí Minh vì những thành tựu cho nền văn học Việt Nam với hai tập thơ: Lời ru trên mặt đất và Bầu trời trong quả trứng.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Bà làm thơ từ sớm, đầu thập niên 1960 đã có thơ đăng báo. Năm 1969, bài thơ Hương thầm của bà đoạt giải nhì cuộc thi thơ của báo Văn nghệ. Bà là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội trong giai đoạn 2001 - 2005. Ngoài làm thơ, bà còn viết báo, truyện ngắn, truyện cho thiếu nhi. Phan Thị Thanh Nhàn kết hôn với nhà thơ Thi Nhị (đã mất năm 1979). Hiện nay, bà đang sống cùng con gái tại Hà Nội.
Ngoài làm việc tại báo Người Hà Nội, bà viết nhiều bài thơ tình và các chủ đề khác. Cùng với năm tháng, thơ tình của bà từ nhẹ nhàng, hồn nhiên chuyển sang giàu trải nghiệm, trăn trở nhưng bao dung và độ lượng hơn. Phong cách nghệ thuật thơ Phan Thị Thanh Nhàn cảm xúc chân thành, ngôn ngữ thơ dung dị, gần gũi, vì thế chiếm được cảm tình của rất đông bạn đọc. Bài thơ Hương thầm của bà đã được nhạc sĩ Vũ hoàng phổ nhạc năm 1984 và càng trở nên nổi tiếng, lan toả vang xa hơn. Tác phẩm chính: Hương thầm (thơ, 1973); Chân dung người chiến thắng (thơ, 1977); Bài thơ cuộc đời (thơ, 1999); Thơ với tuổi thơ (thơ, 2002); Con muốn mặc áo đỏ đi chơi (thơ, 2016); Nhẫn cỏ (2021). Bà được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Bà làm việc tại Ty văn hóa Quảng Bình, năm 1978 đến 1983 học Trường viết văn Nguyễn Du. Sau đó bà làm phóng viên, biên tập viên tạp chí Sông Hương (của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên – Huế). Bà là ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa V. Hiện bà đang sống tại thành phố Huế, chồng bà - Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là một nhà văn, nhà thơ rất nổi tiếng.
Những tác phẩm chính: Khoảng trời - Hố Bom (thơ, 1972); Trái tim sinh nở (thơ, 1974); Bài thơ không năm tháng (thơ, 1983); Hái tuổi em đầy tay (thơ, 1989); Mẹ và con (thơ, 1994) Cốm non (thơ, 2005); Hồn đầy hoa cúc dại (thơ, 2007). Một tập thơ khác (56 bài) do bà tự tuyển chọn trong những tập thơ đã xuất bản của mình được Nhà xuất bản Curbstone dịch sang tiếng Anh và phát hành năm 2005.
Các nữ sĩ làm báo, làm thơ: Anh Thơ, Ngân Giang, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ... có người đã khuất bóng, có người đang bước tiếp con đường thơ ca lắm gian nan nhưng rất đỗi tự hào. Còn nhiều gương mặt nữ sĩ khác nữa đã và đang làm rạng danh truyền thống phụ nữ Việt trên mặt trận văn hóa tư tưởng như: Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Bông, Ý Nhi, Nguyễn Thị Mai… mà bài báo nhỏ này chưa có điều kiện nói lên hết được.
Phụ nữ Việt Nam ngày nay đã, đang và tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nói chung, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nói riêng để xứng đáng là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu anh hùng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn