Nguyễn Quỳnh Hoa (ngành Kỹ thuật Y Sinh, ĐH Bách Khoa Hà Nội) là một trong những "bóng hồng" hiếm hoi nghiên cứu vi mạch tại phòng lab (có 5 nữ/40 sinh viên). Lựa chọn lĩnh vực khó, Quỳnh Hoa cho biết, quá trình học và nghiên cứu thực sự nhiều gian nan với cô.
"Em từng bị sốc khi va phải ngay những môn đại cương "khó nhằn" trong 2 năm đầu. Đến những năm sau, việc tiếp cận kiến thức chuyên sâu và kỹ thuật phức tạp như thiết kế vi mạch hay lập trình phần mềm lại càng là thử thách lớn.
Nhiều lần em đã tự vấn, liệu mình có thực sự phù hợp với lĩnh vực này hay không? Mình có đang đi đúng hướng hay không? Sau cùng thì không có câu trả lời có hay không mà chỉ đơn giản là mình đi được và vẫn đang đi", Quỳnh Hoa chia sẻ.
Khi bước vào mảng điện tử, Quỳnh Hoa đã bị cuốn hút bởi sự kỳ diệu của công nghệ và cách mà nó có thể thay đổi thế giới. "Em nhớ rất rõ khoảnh khắc đầu tiên khi thiết kế, lắp ráp một mạch loa và thấy nó hoạt động. Cảm giác hào hứng đó khiến em nhận ra rằng mình thực sự đam mê lĩnh vực này và nó thôi thúc em muốn làm ra nhiều công cụ hữu ích cho đời sống", Quỳnh Hoa tâm sự.
Cô vừa nhận bằng tốt nghiệp Xuất sắc vào tháng 9, hiện Quỳnh Hoa đang làm nghiên cứu ở phòng lab và theo kế hoạch, tháng 2/2025 sẽ đi học cao học ở Hàn Quốc.
Chọn ngành công nghệ thông tin, Nguyễn Thị Hà Chi (ĐH Bách Khoa Hà Nội) ban đầu cũng cảm thấy sốc khi trong lớp chỉ có một mình cô là nữ. Thế nhưng, Hà Chi luôn tự tin về quyết định của mình.
Điện tử không chỉ là mạch điện và linh kiện, mà còn là một thế giới đầy sáng tạo, nơi mà chúng ta có thể tạo ra những điều mới mẻ và có ích cho xã hội. Đặc biệt là khi các bạn đã đam mê thì không có lý do gì để từ chối nó. Ngành điện tử không chỉ dành cho một nhóm người nào. Tất cả chúng ta đều có khả năng và tiềm năng để tỏa sáng, bất kể giới tính. Hãy tin vào bản thân và dám theo đuổi ước mơ của mình, vì chỉ cần có đam mê và nỗ lực, chúng ta có thể vượt qua mọi rào cản”.
Nguyễn Quỳnh Hoa (ngành Kỹ thuật Y Sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội)
"Em vẫn được khuyên là con gái thì học Sư phạm cho ổn định. Thế nhưng, em không muốn thế, không muốn vì để ổn định nên mới lựa chọn ngành đó. Em muốn học thêm những điều mới. Em muốn thử thách bản thân học tập trong một thế giới mà khoa học công nghệ đang ngày càng phát triển".
Hà Chi cho biết, trong môi trường học của em, nhiều người vẫn đánh giá cao năng lực về công nghệ của nam sinh hơn nữ sinh. Thế nhưng với sự nỗ lực không ngừng, đặc biệt là niềm đam mê dành cho ngành học của mình, Hà Chi đã chứng minh khả năng về công nghệ của bản thân.
"Học công nghệ thông tin đúng là rất khó nhưng điều đó không làm em nản. Em nghĩ còn khó là còn có thể tiến bộ, còn khó là còn có thể phát triển. Càng học em càng cảm thấy nó thú vị và càng học em càng thấy thích. Năm vừa qua, với GPA 4.0, em đã được nhận học bổng khuyến khích học tập loại A".
Theo Hà Chi, dù ngành công nghệ thông tin mà em đang theo học có ít nữ nhưng không vì thế mà các bạn không khẳng định được bản thân. Nhiều nữ sinh rất tài năng. Các em được truyền cảm hứng từ giảng viên - PGS.TS Nguyễn Phi Lê, gương mặt sáng giá trong giới nghiên cứu lĩnh vực internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.
"Thực sự ngành học không giới hạn giới tính, chỉ có mình tự giới hạn bản thân. Khi bước vào học công nghệ thông tin, bạn sẽ thấy ngành học, công việc không hề khô khan mà rất thú vị. Có thể bạn sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách nhưng sau mỗi thử thách, mình sẽ lại biết nhiều hơn.
Vậy nên hãy dũng cảm làm điều mình muốn", đó là điều mà Hà Chi muốn gửi gắm tới các bạn nữ đang dự định theo đuổi ngành công nghệ, kỹ thuật.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn