Những nữ sứ giả hòa bình ở “vùng đất lửa”

10:26 | 22/12/2020;
Các nữ quân nhân của Việt Nam được Liên hợp quốc (LHQ) đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Các chị là điểm sáng trong nhiều hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ tại các phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, nhất là trong công tác đối ngoại nhân dân.

Việt Nam là quốc gia từng trải qua nhiều đau thương của chiến tranh để giành lấy hòa bình và độc lập, vượt qua nhiều gian khó để tái thiết và phát triển thành công. Trong tiến trình lịch sử đó có sự hy sinh và đóng góp vô vùng to lớn của nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam coi thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường vai trò, đóng góp của phụ nữ trong xây dựng hòa bình là những ưu tiên chính sách quan trọng cả ở trong nước và trên trường quốc tế, đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương như LHQ và ASEAN.

Những nữ sứ giả hòa bình ở “vùng đất lửa” - Ảnh 1.

Trung úy Sa Minh Ngọc cùng các trẻ em Nam Sudan trong trại tị nạn Ảnh: Mỹ Hạnh

Tại LHQ, trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã cùng các nước xây dựng Nghị quyết số 1889 năm 2009 về phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn hậu xung đột và sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy vấn đề phụ nữ, hòa bình, an ninh trong nhiệm kỳ 2020-2021.

Việt Nam chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ năm 2014. Tháng 1/2018, Việt Nam cử nữ sĩ quan đầu tiên là thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga làm sĩ quan tham mưu tác chiến ở Phái bộ tại vùng đất xung đột Nam Sudan. Với sự nhiệt tình, ham học hỏi và không ngại khó, ngại khổ, kết thúc nhiệm kỳ công tác, thiếu tá Hằng Nga được Phái bộ LHQ tặng thưởng 2 Huy chương vì sự nghiệp hòa bình và ổn định của LHQ và được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc trên mọi mặt công tác. Không chỉ được ghi nhận về năng lực chuyên môn, nữ sĩ quan mũ nồi xanh đầu tiên của Việt Nam còn nhận được tình cảm yêu mến của những người dân châu Phi. Ngoài giờ làm việc, thiếu tá Hằng Nga dành phần lớn thời gian để tiếp xúc với người dân bản địa, giúp đỡ họ từ cách chăm sóc trẻ, an toàn vệ sinh bữa ăn, cách bảo vệ và chống lại dịch bệnh, sơ cứu cơ bản khi bị thương, đến hỗ trợ giáo viên địa phương dạy học sinh kỹ năng sống, đọc và viết tiếng Anh... Chị còn quyên góp nhiều đồ dùng, quần áo, sách báo... tặng trường học và gia đình người dân. Chị vận động, quyên góp được một khoản kinh phí đủ để tạo công việc cho 15 phụ nữ bản địa, giúp họ có thu nhập để tự chi trả những nhu cầu thiết yếu trong gia đình.

Những nữ sứ giả hòa bình ở “vùng đất lửa” - Ảnh 2.

Nữ sĩ quan Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ Ảnh: Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam

Tháng 10/2018, Việt Nam triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đến phái bộ UNMISS tại Bentiu, Nam Sudan. Trong đó có 10 nữ quân nhân trên tổng số 63 cán bộ, nhân viên y, bác sĩ, chiếm 17% - tỷ lệ nữ cao hơn mức kêu gọi của LHQ. Trong đợt này, trung úy Sa Minh Ngọc đã xuất sắc hoàn thành 14 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan. Chị cùng nhiều phụ nữ trong các phái bộ gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã đến cơ sở dạy trẻ em giữ vệ sinh, dạy người dân trồng rau, cung cấp sách, dịch vụ y tế, tập huấn chống bạo lực gia đình...

Tháng 11/2019, Việt Nam triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 và tiếp tục duy trì bảo đảm tỷ lệ nữ quân nhân tham gia như trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (10/63 đồng chí). Đối với hình thức cá nhân, Việt Nam hiện đang duy trì số lượng 3 nữ sĩ quan tham gia trên tổng số 16 đồng chí, chiếm tỷ lệ gần 19% và cũng cao hơn nhiều so với mức kêu gọi của LHQ.

Các nữ sĩ quan Việt Nam đảm nhận những nhiệm vụ như nam giới, kể cả tham mưu kế hoạch, quân y, đặc biệt Việt Nam đã cử nữ sĩ quan đầu tiên làm Quan sát viên quân sự là thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương. Theo yêu cầu của nhiệm vụ này, chị phải bám sát địa bàn, địa hình nơi Phái bộ đóng quân, trực tiếp thu thập thông tin cũng như phân tích, đánh giá tình hình để có báo cáo kịp thời. Một trong những thách thức lớn nhất đối với một quan sát viên quân sự như chị là phải ăn ngủ ngoài trời trong quá trình đi tuần tra, đặc biệt trong điều kiện khí hậu, tự nhiên vô cùng khắc nghiệt ở Nam Sudan.

Những chiến sĩ gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới đang trải qua thử thách của đại dịch Covid-19 bên cạnh những sứ mệnh hiện tại để duy trì hòa bình. Ở Cộng hòa Trung Phi, trung tá Nguyễn Thị Liên, sĩ quan tham mưu huấn luyện, đã chủ động thuê máy khâu, mua vật liệu để may tặng hơn 500 khẩu trang với mục đích phát miễn phí cho các đồng nghiệp tại Phái bộ Gìn giữ Hòa bình và người dân Thủ đô Bangui. Trung tá Liên đã được lãnh đạo phái bộ LHQ tặng giấy khen đột xuất ghi nhận nghĩa cử cao đẹp của chị.

Lực lượng của Việt Nam được cử tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình là phụ nữ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động quan trọng này.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn