Cố Lượng và chồng là Trần Nghi Phong - Bác sĩ phẫu thuật cùng bệnh viện, đã không ở nhà để chăm sóc con gái bé bỏng và đứa con trai 7 tuổi của họ. Cả hai đều làm việc trên tuyến đầu của cuộc chiến chống lại sự lây lan của dịch bệnh Covid đã cướp đi hơn 2.000 mạng sống trên khắp Trung Quốc.
Bệnh viện của chị Cố là một trong những bệnh viện được chỉ định tiếp nhận bệnh nhân nhiễm bệnh ở thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do sự thiếu hụt nhân viên y tế trong bệnh viện sau khi dịch bệnh bùng phát, chị quyết định kết thúc thời gian nghỉ thai sản trước thời hạn và trở lại làm việc. Là y tá trưởng của của khoa hồi sức cấp cứu, chị phải chịu trách nhiệm chung trong việc giám sát các khía cạnh trong chăm sóc tại đơn vị của mình, từ tiếp cận bệnh nhân và gia đình đến giao tiếp với bác sĩ, chuẩn bị vật tư y tế và bộ đồ bảo vệ cho họ. "Vì các bệnh nhân đang điều trị tại đây luôn trong tình trạng nguy kịch, chúng tôi phải sẵn sàng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp bất cứ lúc nào", chị Cố chia sẻ.
Chị Cố và các đồng nghiệp đã làm việc hơn 12 giờ mỗi ngày. Khi dịch bệnh quét qua thành phố, nhiều người đã hoảng loạn nhưng chị nói với đội điều dưỡng rằng họ cần phải bình tĩnh và kiên nhẫn mặc dù có nhiều áp lực về thể chất và tâm lý. "Chúng tôi không thể lùi bước vì bệnh nhân cần chúng tôi. Chúng tôi phải mạnh mẽ trong thời gian khó khăn này. Đó là trách nhiệm của chúng tôi", chị nói.
Tuy nhiên, là một người mẹ đang cho con bú, chị Cố chỉ có thể chia sẻ sự căng thẳng của mình với chồng. Chị cảm thấy buồn vì không thể nuôi con gái bằng sữa mẹ và phải uống thuốc cai sữa. Chị cũng nhớ con trai nhưng họ chỉ có thể thực hiện cuộc gọi thông qua WeChat. Mỗi ngày sau khi họ trở lại ký túc xá của bệnh viện, anh Trần và chị Cố dành thời gian nói chuyện với bố mẹ qua điện thoại, nói về con cái và thông báo với họ rằng cả hai đều khỏe mạnh và an toàn.
Làm việc giữa tâm dịch, căng thẳng và mệt mỏi, song chị Cố không hề bi quan. Chị cho biết, trong bệnh viện còn rất nhiều cặp vợ chồng khác, bố và con hay mẹ và con gái đang làm việc tại tuyến đầu của cuộc chiến chống lại COVID-19. Chị lạc quan nói: "Chúng tôi không đơn độc. Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của mọi người từ khắp nơi trên cả nước. Chúng tôi có niềm tin rằng chúng tôi có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Covid-19 và khoảng thời gian khó khăn này sẽ được rút ngắn".
Cũng giống như chị Cố, 7 y tá nữ đang công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền quận Giang Hạ, thành phố Vũ Hán đã ra quyết định cai sữa tập thể để đi chiến đấu. Họ được truyền thông Trung Quốc gọi là những "Người mẹ tuyệt vời nhất".
Trong khoảng thời gian đó, mỗi lần không chịu nổi tôi đều muốn về nhà thăm con. Nhưng khi bước về, tôi lại không dám lên nên chồng đã bế con ra ban công để tôi nhìn một lát. Tuy nhiên, con đã ngủ mất rồi, không thể gặp được...
Nữ y tá Phương Văn Quân
Chị Phương Văn Quân ( 30 tuổi) là một y tá với 5 năm kinh nghiệm làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền quận Giang Hạ. Chị vừa sinh con được 10 tháng. Ngày 25/1, khi dịch bệnh bùng phát, bệnh viện mà chị đang làm việc trở thành một trong những nơi điều trị chính cho các bệnh nhân viêm phổi. Chị chấp nhận bước vào làm việc tại khu cách ly. Vì tính chất công việc, chị Phương phải mặc quần áo bảo hộ trong 6, 7 giờ liên tục mỗi ngày, do đó đã không thể cho con bú được. Vì cuộc chiến chống lại Covid-19, chị đã cho con bú lần cuối cùng, sau đó uống thuốc cai sữa. Chị cho biết, trong đêm đầu tiên cai sữa, con chị không chịu uống sữa ngoài và khóc suốt đêm đến 2, 3 giờ sáng mới ngủ thiếp đi. Từ khi tham gia chiến dịch này, đã nhiều ngày chị không gặp con.
Ngày 20/2, tổng số ca nhiễm virus corona (Covid-19) trên toàn thế giới là 75.660 người, còn số ca hồi phục là 16.452. Đã có thêm 110 ca tử vong do Covid-19, khiến tổng số người chết toàn cầu do đại dịch này tăng lên thành 2.122 người. Các ca tử vong mới ghi nhận này đều ở Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, y tá Lưu Phượng Mai (43 tuổi) là mẹ của 2 đứa trẻ, đứa nhỏ nhất chỉ mới 7 tháng tuổi. Đối mặt với sự lan rộng của dịch bệnh, khi chị cai sữa để trực chiến, ngực chị thường xuyên sưng to, đau nhức. Chị chỉ biết chịu đau đến khi hết ca làm việc, cởi bỏ trang phục bảo hộ và vào toilet dùng tay nặn sữa ra. Chị chỉ biết gọi điện và ngắm con qua video call. Chị luôn cảm thấy có lỗi với con nhưng trước một dịch bệnh nguy hiểm như thế này, chị buộc phải đặt gia đình nhỏ sang 1 bên để chăm sóc cộng đồng. Mẹ chồng của một bệnh nhân xúc động chia sẻ với các phóng viên: "Những người mẹ đang trong thời kỳ cho con bú cần phải có một dũng khí rất lớn mới có thể ra quyết định cai sữa. Cảm ơn những gì mà họ đã hy sinh. Họ là những người mẹ tuyệt vời nhất trong tim chúng tôi".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn