Ở TP.Trà Vinh, bãi rác lớn nhất thành phố được xem là “đất mưu sinh” cho hàng chục hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người đã tìm tới bãi rác để lượm nhặt ve chai, góp nhặt để bán mỗi ngày, trang trải cho cuộc sống.
Họ tiến hành đào bới, nhặt ve chai trong bãi rác với thu nhập từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng mỗi ngày. Một số người dựng chòi tạm bợ ngay tại bãi rác để thuận tiện cho công việc. Cuộc sống của những người dân ở đây cứ thế lay lắt trôi qua từng ngày trong sự đói nghèo và bệnh tật. Sống trong môi trường ô nhiễm, vây quanh bởi núi rác thải, nhiều người mắc phải các bệnh về hô hấp nhưng cũng gắng gượng đi làm. Đối với họ, sống được ngày nào hay ngày đó. Một bữa cơm no cũng đủ giúp họ cảm thấy ấm lòng.Gắn bó với công việc đã gần 5 năm, cô Nguyễn Thị Hoàng cho biết dù rất vất vả nhưng do không nghề nghiệp ổn định nên cô phải bám víu vào bãi rác để nuôi hai con nhỏ. Cô bộc bạch: “Bây giờ nhặt rác không còn như lúc trước, mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn do rác người ta đã phân loại sẵn rồi mới chở ra bãi. Vì không có tiền nên cô phải cho hai đứa con nghỉ học, ba mẹ con đành ra bãi rác để kiếm sống qua ngàyNhững em nhỏ dù đã đến tuổi đi học nhưng có em phải nghỉ học giữa chừng để theo bố mẹ ra bãi rác để nhặt rác. Chúng lớn lên trong cảnh nghèo đói, hằng ngày phải phụ giúp bố mẹ nhặt rác, cái ăn, cái mặc còn lo không nổi thì sao mà đi học chữ.Em Trần Thanh Sang (con cô Hoàng), chỉ mới 9 tuổi nhưng đã theo mẹ ra bãi rác. Niềm vui mỗi ngày của em là làm sao kiếm được thật nhiều rác để đưa cho mẹ bán lấy tiền. Em đào bới trong đống rác, tìm lấy những thứ đồ chơi cũ đã hỏng để làm niềm vui cho chính mình. Em tâm sự: “Con muốn được đi học lắm nhưng mẹ không có tiền. Con phải phụ mẹ nhặt rác. Mấy đứa bạn của con ở đây cũng vậy, chúng con thèm đi học lắm”.