Sinh ra và lớn lên tại xã Trường Trung, song chị Nguyễn Thị Lý lại chọn mảnh đất Trường Sơn, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) làm nơi an cư, lập nghiệp. Với nghề kinh doanh vật liệu xây dựng tổng hợp, khi mới kinh doanh, gia đình chị gặp nhiều khó khăn, do điều kiện kinh tế của người dân thời điểm đó đa phần chỉ phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên chưa có khả năng xây dựng nhà ở. Sau khi quen với thị trường và có thêm nhiều mối làm ăn mới, công việc kinh doanh thuận lợi hơn, kinh tế gia đình khấm khá dần lên.
Những tưởng cuộc sống mỉm cười với gia đình chị nhưng rồi tai ương lại dồn dập đổ về. Năm 2007, chồng chị ra đi đột ngột vì tai nạn giao thông, năm 2013 con trai út của chị cũng mãi mãi ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo. Mất mát quá lớn, bản thân hoàn toàn suy sụp, có lúc chị Lý đã định buông xuôi tất cả. Nhưng nhờ sự quan tâm, an ủi, động viên của anh em, họ hàng, xóm giềng, Chi hội phụ nữ, chị đã cố gắng vượt lên nỗi đau, lo làm ăn để chăm lo cho con cái.
"Ban đầu việc làm ăn lại cũng gặp không ít khó khăn nhưng tôi dồn sức lực làm bằng được và hiện tại đã tạo điều kiện cho 4 lao động có việc làm thường xuyên", chị Nguyễn Thị Lý, Chi hội phụ nữ thôn Yên Minh, xã Trường Sơn (Nông Cống), kể.
Ngoài chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bản thân chị Lý luôn tích cực tham gia các phong trào của địa phương, của Hội tổ chức. Chị luôn tâm niệm, mong muốn được giúp đỡ những người còn khó khăn, những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Chị đã hỗ trợ 10 hộ khó khăn trong thôn, xã mỗi hộ từ 10 đến 15 triệu đồng tiền vật liệu xây dựng để làm nhà; mỗi năm tặng 5 suất học bổng cho học sinh vượt khó...
Tháng 10/2009, nghe trên phương tiện thông tin đại chúng, nhân dân miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ, chị đã cùng anh em trong gia đình mua 80 chăn bông, 80 cái màn, 100kg gạo và 30 thùng quần áo, thuê xe chở vào xã Liên Ninh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh để hỗ trợ bà con... Sau chuyến đi đó, chị Lý càng quyết tâm làm nhiều việc thiện hơn. Tính từ năm 2015 đến nay, chị cùng bạn bè làm từ thiện tặng quà tổng trị giá hơn 200 triệu đồng và hàng chục thùng quần áo, đồ dùng.
Cũng đi lên từ khó khăn, chị Nông Thị Hương, ở thôn Thị Tứ, xã Đồng Tiến (Triệu Sơn, Thanh Hóa) cùng chồng chọn học nghề may nhằm thoát nghèo. Sau thời gian học nghề, vợ chồng chị Hương đã tích góp, vay mượn được một khoản tiền mua chiếc máy khâu về may tại nhà. Ban đầu mới làm nghề nên ít khách, chị Hương miệt mài từng đường kim, mũi chỉ với mong muốn sẽ sống được bằng nghề và dần dần được nhiều người đến may.
Kết duyên với chồng cũng thuộc hộ nghèo nên vợ chồng chị lập nghiệp khá vất vả nhưng bù lại cả hai đều rất chịu khó và có nghị lực. Chồng chị thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ để vợ chuyên tâm làm nghề, do đó công việc mỗi ngày một khá lên và đã xây được nhà khang trang. Thật không may, giữa lúc công việc đang có hướng phát triển thì chồng chị đột ngột qua đời, khi con gái thứ 2 vừa hơn 2 tuổi.
Quá đau buồn, chị Hương dừng làm việc 6 tháng, tâm trí không tập trung. Nhiều hội viên, phụ nữ trong xã, người thân đã động viên chị Hương sớm lấy lại tinh thần để làm chỗ dựa cho các con. Được sự động viên, chị Hương dần vượt qua nỗi đau, cố gắng làm ăn. Những nỗ lực của chị Hương đã được đền đáp xứng đáng sau nhiều năm. Hiện chị là chủ của hai cơ sở may với 26 lao động.
Năm 2019 chị đăng ký thành lập Công ty TNHH MTV Hương Huyền. Mỗi tháng, công ty sản xuất khoảng 10.000 sản phẩm, chủ yếu là đồng phục học sinh. Thu nhập sau khi trừ chi phí còn lãi từ 300 đến 400 triệu đồng.
Trong đợt phòng chống dịch Covid-19, công ty của chị Hương đã may 2.000 chiếc khẩu trang vải tặng học sinh các trường. Hai con gái của chị đều chăm ngoan, học giỏi và luôn là động lực để chị vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn