Người phụ nữ da đen đầu tiên lãnh đạo nhóm giải quyết khủng hoảng quốc tế
Tháng 12/2021, Comfort Ero trở thành nữ Chủ tịch, Giám đốc điều hành mới của International Crisis Group (ICG) - Một tổ chức phi chính phủ ngăn ngừa xung đột có trụ sở tại Brussels (Bỉ) kể từ khi ICG được thành lập năm 1995. Ero, người Anh gốc Nigeria, đã quen với những khó khăn to lớn liên quan đến chiến tranh trong cuộc chiến Biafran năm 1967 ở Nigeria. Trước khi gia nhập ICG năm 2011 với tư cách là giám đốc chương trình châu Phi, bà đã làm việc tại Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) ở Liberia với tư cách là nhân viên chính trị và cố vấn chính sách của tổng thư ký LHQ.
"Tôi luôn quan tâm đến các quy tắc chi phối các quốc gia và các cuộc chơi mà các quốc gia tham gia. Tôi lớn lên dưới thời đại của Margaret Thatcher, thời đại của Reagan và Gorbachev. Tôi đã viết một trong những luận văn của mình vào thời điểm sụp đổ của Chiến tranh Lạnh. Tất cả những điều này đã củng cố mối quan tâm của tôi đối với các mối quan hệ quốc tế, cộng đồng các quốc gia và cách chúng ta ứng phó với những biến động lớn. Tôi không bao giờ mất hy vọng và không thể để thất bại", bà chia sẻ.
Tổ chức ICG hiện theo dõi hơn 70 tình huống chính trị mong manh, đồng thời thúc giục hành động khẩn cấp. Bà phải tìm ra những con đường dẫn đến hòa bình trong thời điểm có nhiều biến động trên toàn cầu. Bà đã tham dự Hội nghị An ninh Munich và điều trần trước Thượng viện Mỹ về tình hình bạo lực leo thang ở Sudan, cũng như Ủy ban An ninh và Chính trị của Liên minh châu Âu (EU) về các quốc gia đối mặt với xung đột chết người năm 2022. Bà còn lo lắng về cuộc chiến tàn khốc ở Ethiopia, tình hình nhân đạo ở Afghanistan và sự cạnh tranh Mỹ-Trung. Bà đã tổ chức các cuộc gặp song phương với các bộ trưởng ngoại giao, các nhà lãnh đạo lớn của tổ chức phi lợi nhuận và chia sẻ sân khấu với Bill Gates.
Những lo ngại trước mắt của bà Ero là cuộc chiến ở Ukraine sẽ dẫn đến khủng hoảng nhân đạo, giá lúa mì tăng vọt có thể gây bất ổn cho các nước khác như Afghanistan và Yemen. Bà Ero kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc giục tất cả các bên ngừng các hành động bạo lực, đồng thời nghiêm túc xem xét lại toàn bộ nền tảng của tiến trình hòa bình.
Một mối đe dọa khác là biến đổi khí hậu. Đó là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến tất cả những quốc gia giàu, nghèo, thu nhập trung bình, thu nhập thấp, theo những cách khác nhau. Sau đó là đại dịch Covid-19 khiến tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy, ở mọi cấp độ, sự đa dạng trong các vấn đề giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình có sự tham gia của phụ nữ vào các tiến trình hòa bình, cơ hội đạt được thỏa thuận sẽ cao hơn nhiều và khi phụ nữ tham gia có ý nghĩa vào các tiến trình đó, khả năng thỏa thuận thất bại giảm 35%. Tuy nhiên, đại diện nữ vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp. Từ năm 1992 đến 2019, trung bình phụ nữ tham gia 13% số nhà đàm phán, 6% số người hòa giải và 6% số người ký kết trong các tiến trình hòa bình lớn trên thế giới. Những con số đó còn quá thấp trong khi LHQ đánh giá rằng, phụ nữ có nhiều khả năng đảm nhận công việc xây dựng hòa bình ở cộng đồng địa phương hơn nam giới.
Xây dựng hòa bình ở địa phương
Bà Njomo Omam Esther là người sáng lập Lực lượng Đặc nhiệm Phụ nữ Tây Nam/Tây Bắc - Một tổ chức xây dựng hòa bình cho phụ nữ ở Cameroon. Cuộc khủng hoảng ở hai khu vực nói tiếng Anh của Cameroon bắt đầu từ năm 2017 sau khi các cuộc biểu tình nhằm duy trì hệ thống giáo dục và luật pháp của họ bùng nổ thành cuộc nổi dậy có vũ trang. Cho đến nay, cuộc xung đột đã khiến khoảng 6.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác phải di dời. Hầu hết những người phải di tản là phụ nữ và trẻ em gái. Nạn hiếp dâm và bạo lực tình dục rất phổ biến ở nước này. Các tiến trình hòa bình chính thức vẫn chưa diễn ra nhưng bà Esther đã không lãng phí thời gian đàm phán với những người ly khai để giảm bớt một cuộc tẩy chay trường học kéo dài, để trẻ em trở lại lớp học.
Bà cũng đã giúp các cựu chiến binh tái hòa nhập và trở lại cuộc sống bình thường sau khi hạ vũ khí và làm trung gian giữa những kẻ ly khai đối địch. Nhưng đây là công việc hết sức nguy hiểm. "Tôi đã bị hành hung, đe doạ, nhân viên của tôi bị bắt cóc và văn phòng của tôi bị lục soát. Tất cả những điều này đã xảy ra vì chúng tôi muốn nói với các bên xung đột một cách hòa bình rằng cần phải đối thoại…", bà Esther nói.
Còn bà Fawzia Koofi là một nhà vận động nổi tiếng cho quyền phụ nữ, người đã sống sót sau hai lần bị Taliban ám sát. Bà Fawzia Koofi là nữ phó chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Afghanistan. Hiện bà Koofi đang ở châu Âu. Bà đi khỏi Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền vào năm ngoái. Năm 2020, bà là 1 trong 4 phụ nữ đại diện cho Chính phủ Afghanistan trong các cuộc đàm phán với Taliban. Khi đàm phán với Taliban, bà đã đề cập trực diện vấn đề quyền phụ nữ. Bà Fawzia Koofi nhấn mạnh sự tiến bộ dành cho phụ nữ Afghanistan chỉ có thể có được khi mọi người dám dũng cảm chống lại xã hội bảo thủ.
"Tôi muốn nhìn thấy phụ nữ nhận lấy trách nhiệm giữ gìn an ninh mặc dù phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Tôi không hề lo sợ. Với tôi, điều quan trọng là phải kiên định bởi mình đang đại diện cho phụ nữ Afghanistan. Tôi nói với phía Taliban rằng Afghanistan được đại diện bởi nhiều quan điểm đa dạng và đất nước này không còn bị bó buộc bởi một hệ tư tưởng duy nhất. Một số thành viên Taliban lúc đó đã nhìn chằm chằm vào tôi", bà Fawzia Koofi chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn