Bà Susan B. Anthony (1820-1906) là một nhà cải cách xã hội người Mỹ và nhà hoạt động vì quyền bầu cử phụ nữ. Bà đã đi khắp nơi để ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ, đòi quyền bầu cử của phụ nữ. Năm 1863, bà cùng Elizabeth Cady Stanton thành lập Liên đoàn Quốc gia Trung thành Phụ nữ, thu thập gần 400.000 chữ ký ủng hộ.
Năm 1866, họ khởi xướng Hiệp hội Quyền bình đẳng Mỹ, vận động quyền bình đẳng cho cả phụ nữ và người Mỹ gốc Phi. Năm 1868, họ bắt đầu xuất bản một tờ báo mang tên Cách mạng (The Revolution). Năm 1869, họ thành lập Hiệp hội Quyền bầu cử phụ nữ quốc gia.
Năm 1878, Anthony và Stanton đệ trình lên Quốc hội một sửa đổi Hiến pháp về quyền bỏ phiếu của phụ nữ. Tu chính Hiến pháp số 19 cho phép phụ nữ đi bầu cử được thông qua ngày 20/8/1920 với tên gọi "Tu chính Anthony" để tưởng nhớ bà Susan B. Anthony, một phụ nữ đã cống hiến cả cuộc đời vì quyền bầu cử cho phụ nữ tại Mỹ.
Sirimavo Bandaranaike (sinh năm 1916) trở thành nữ lãnh đạo chính phủ đầu tiên trong lịch sử thế giới hiện đại khi được bầu làm Thủ tướng Sri Lanka vào năm 1960 với 3 nhiệm kỳ: 1960-1965; 1970-1977 và 1994-2000. Tổng số thời gian bà làm Thủ tướng là 17 năm 208 ngày.
Bà được đánh giá là một chính trị gia, nhà ngoại giao tài giỏi. Bà đã cố gắng cải tổ thuộc địa Ceylon cũ của Anh thành một nước cộng hòa bằng việc quốc hữu hóa các tổ chức trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, giáo dục, công nghiệp, truyền thông và thương mại.
Ngoài ra, những hoạt động xã hội của bà tập trung vào việc nâng cao đời sống của phụ nữ và trẻ em gái ở những vùng nông thôn của Sri Lanka. Trên diễn đàn quốc tế, bà đóng vai trò nổi bật với tư cách là một nhà đàm phán, một nhà lãnh đạo trong các quốc gia không liên kết.
Trong thông điệp chúc mừng năm mới 2024, Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II (sinh năm 1940) đã tuyên bố thoái vị, nhường ngôi cho con trai cả Thái tử Frederik. Bà trị vì hơn 50 năm từ khi Vua cha Frederick IX qua đời năm 1972.
Trong suốt hơn nửa thế kỷ trị vì, Nữ hoàng Đan Mạch nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, hầu như bà không can thiệp vào các vấn đề chính trị hay vướng phải bê bối nào.
Bà đã giúp nền quân chủ trở thành yếu tố quan trọng trong xã hội Đan Mạch, đồng thời khiến người dân ngày càng thêm tin yêu, tôn trọng.
Bà đã lãnh đạo đất nước qua các cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1980; trong cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2008 đến năm 2015; trong thời kỳ bùng phát đại dịch Covid-19.
Bà có thể tự hào vì vương quốc của mình, với nền kinh tế hỗn hợp và hệ thống phúc lợi quốc gia lớn, luôn là mảnh đất xếp hạng nhất thế giới về bình đẳng thu nhập, có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới và cũng là nước yên bình hàng đầu thế giới.
Bà Wangari Maathai (1940-2011) hoạt động trong lĩnh vực môi trường, đấu tranh vì nhân quyền và thúc đẩy vai trò phụ nữ. Tên tuổi bà gây chú ý kể từ năm 1977 khi bà khai sinh "Phong trào vành đai xanh", phát động toàn xã hội tham gia trồng cây. Năm 1986, phong trào đã vượt ra khỏi biên giới Kenya, trở thành một mạng lưới trồng cây khắp châu Phi.
Sau nhiều năm hoạt động, người ta ước tính tổng cộng có 30 triệu cây xanh được "Phong trào vành đai xanh" trồng ở châu Phi. Năm 1991, bà được trao Giải môi trường Goldman, giải Dự án chống đói của châu Phi.
Năm 2004, bà được trao giải "Nobel hòa bình" vì những nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững, dân chủ và hòa bình. Bà là phụ nữ đầu tiên từ châu Phi nhận vinh dự này. Bà Maathai cho biết, nguồn cảm hứng trong công việc của bà xuất phát từ hình ảnh thời ấu thơ chứng kiến người ta đốt rừng để lấy đất xây nhà máy, phá hủy sự đa dạng sinh học.
Nỗ lực đấu tranh nhằm bảo vệ môi trường và quyền phụ nữ của Maathai đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Tạp chí Time trong năm 2005 đã vinh danh bà là 1 trong 100 người ảnh hưởng nhất thế giới. Tạp chí Forbes cũng xếp tên bà trong danh sách thường niên "100 phụ nữ quyền lực nhất" năm 2005. Đến tháng 4/2006, nước Pháp trao tặng bà Huân chương Bắc đẩu bội tinh.
Câu chuyện về sự thành công của bà Kamala Harris (sinh năm 1964) đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ da màu đa chủng tộc. Trong suốt sự nghiệp của mình, Kamala là người hết lòng ủng hộ những người không có tiếng nói và chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội.
Ở cương vị Phó Tổng thống, bà tiến hành thực hiện nhiều chính sách cải thiện giáo dục, kinh tế, y tế. Bà cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden đề ra những chương trình nghị sự dành cho phụ nữ gồm: Đảm bảo công việc cho phụ nữ, chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong y tế với nữ giới, bảo vệ và trao quyền cho phụ nữ.
Bà sử dụng ngân sách liên bang để đầu tư cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, miễn học phí các trường cao đẳng và đại học công lập cho mọi gia đình có thu nhập dưới 125.000 USD.
Khi còn là Tổng chưởng lý California, bà Kamala đã truy tố các băng đảng xuyên quốc gia khai thác, lạm dụng phụ nữ và trẻ em, các băng nhóm tội phạm buôn bán súng và ma túy. Bà thành lập Văn phòng Trẻ em California Justice nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều có thể thực hiện quyền học tập của mình. Bà Kamala cũng có vai trò nổi bật trong phong trào #MeToo (Tôi cũng vậy).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn