Từ ngày 10 đến 12/6/1976, Hội nghị Thống nhất tổ chức phụ nữ hai miền Nam Bắc được triệu tập tại TP.HCM. Trong 3 ngày làm việc, Hội nghị đã quyết định những vấn đề quan trọng sau:
+ Tên Hội: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
+ Cơ quan lãnh đạo Trung ương Hội là hợp nhất hai Ban Chấp hành Trung ương hai miền, gồm 114 ủy viên; Ban Thường vụ Trung ương Hội gồm 30 ủy viên; Bà Nguyễn Thị Thập làm Chủ tịch danh dự; Bà Hà Thị Quế làm Chủ tịch Hội; Bà Nguyễn Thị Định làm Phó Chủ tịch thứ nhất và Phó chủ tịch gồm các bà: Lê Thị Xuyến, Nguyễn Thị Được, Hà Giang, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Minh Nhã, Nguyễn Thị Bình, Vũ Thị Chín, Phan Thanh Vân.
+ Điều lệ Hội: Trước mắt vẫn sử dụng Điều lệ Hội riêng của hai miền cho tới khi tổ chức Đại hội Phụ nữ toàn quốc.
+ Cờ và Huy hiệu Hội: Lấy cờ và huy hiệu của Hội LHPN Việt Nam
+ Các cơ quan tuyên truyền giáo dục của Hội là: Báo Phụ nữ Việt Nam, NXB Việt Nam, Giờ phát thanh Phụ nữ trên Đài Tiếng nói Việt Nam, xây dựng một Trường đào tạo cán bộ dài hạn và một Trường bồi dưỡng cán bộ ngắn hạn.
+ Quyết định sớm tổ chức Đại hội Phụ nữ toàn quốc để xác định phương hướng, nhiệm vụ phong trào phụ nữ trong giai đoạn mới.
Hội nghị Thống nhất tổ chức phụ nữ hai miền Nam Bắc đã đề ra 6 nhiệm vụ công tác trước mắt của Hội LHPN Việt Nam:
Một là phát huy sức mạnh tổng hợp của việc thống nhất tổ chức Hội, đoàn kết, động viên tổ chức lực lượng phụ nữ trong cả nước, dấy lên một khí thế cách mạng sối nổi thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng chủ nghĩa xã hội, hướng mọi sức lực vào việc hoàn thành vượt mức và toàn diện kế hoạch Nhà nước 1976, làm đà cho việc hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm (1976-1980).
Hai là phát động cao trào phụ nữ tham gia cải tạo xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, nâng cao giác ngộ cách mạng, nâng cao trình độ năng lực thực hiện quyền bình đẳng làm chủ tập thể của phụ nữ trong quản lý sản xuất, quản lý kinh tế.
Ba là giáo dục và xây dựng người phụ nữ xã hội chủ nghĩa thực sự phát huy được sức mạnh làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân, xây dựng gia đình văn hóa mới: dân chủ, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ và hạnh phúc.
Bốn là chăm lo quyền lợi, đời sống, sức khỏe của phụ nữ.
Năm là tăng cường đoàn kết với phụ nữ các nước đấu tranh cho hòa bình, độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, cho quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, đặc biệt chú ý xây dựng mối quan hệ mật thiết với phụ nữ hai nước Lào và Campuchia.
Sáu là, chú trọng công tác xây dựng tổ chức Hội, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cải tiến chỉ đạo, chuyển mạnh phương thức hoạt động của Hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nặng nề của giai đoạn mới.
Sau khi hợp nhất hai tổ chức Hội, từ năm 1976 đến năm 1985, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động những phong trào: "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; "Xây dựng gia đình văn hóa mới"; "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan"; "Phụ nữ tham gia cải tạo xã hội chủ nghĩa"; "Đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ".
Trong đó, nổi bật nhất là phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng đất nước" với khẩu hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà, thực hiện nam nữ bình đẳng". Phong trào đề ra 3 yêu cầu lớn: Đẩy mạnh lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; tích cực học tập nâng cao trình độ, đoàn kết yêu thương nhau cùng tiến bộ; tổ chức tốt gia đình, nuôi dạy con theo 5 điều Bác Hồ dạy.
Vào đầu năm 1978, trước tình hình chiến tranh biên giới Tây – Nam xảy ra, hàng nghìn phụ nữ và trẻ em bị tàn sát trong các cuộc tấn công vào các vùng Ba Chúc (An Giang), Sa Mát (Tây Ninh) của bọn phản động Pôn Pốt, nhân dân Việt Nam chưa kịp hàn gắn vết thương chiến tranh đã buộc phải đối phó với một cuộc chiến tranh mới; TW Hội quyết định đổi tên phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng đất nước" thành "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Phong trào bổ sung thêm nội dung phục vụ chiến đấu, nhằm động viên và phát huy cao nhất vai trò, khả năng làm chủ tập thể của phụ nữ trong sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội mới, xây dựng đất nước giàu mạnh, củng cố quốc phòng vững chãi, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm 1976-1980, rèn luyện xây dựng người phụ nữ mới, chăm lo thiết thực quyền lợi phụ nữ và trẻ em.
Năm 1979, để kịp thời phát huy những nhân tố mới trong phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", TW Hội LHPN Việt Nam ra chỉ thị về Học tập tấm gương chiến đấu dũng cảm của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm trong các cấp Hội. Hoàng Thị Hồng Chiêm là nữ chiến sĩ bám chốt ở đồn Pò Hèn (Quảng Ninh), 3 lần bị thương không rời trận địa, diệt địch đến viên đạn cuối cùng. Chị đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
Hưởng ứng phong trào cán bộ, hội viên, phụ nữ trong cả nước sôi nổi thi đua lao động sản xuất và công tác với những hoạt động thiết thực như xây dựng những con đường, quầy hàng mang tên Hồng Chiêm, kết nạp Hồng Chiêm làm hội viên danh dự, làm thêm việc của Hồng Chiêm...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn