Sau khi cung cấp số chứng minh nhân dân, chị Tâm được nhân viên bưu điện thông báo, bưu kiện của chị là một bức thư thông báo của Ngân hàng Đông Á. Nội dung của bức thư cho biết, chị Tâm đã sử dụng thẻ tín dụng của Ngân hàng Đông Á với số tiền lên đến 38 triệu đồng và hiện chưa thanh toán. Nếu chị Tâm không thanh toán số tiền trên sẽ bị ngân hàng đưa vào danh sách nợ xấu, ảnh hưởng đến các giao dịch ngân hàng sau này của chị.
Chị Tâm cho biết, chị không mở thẻ tín dụng của ngân hàng Đông Á nên đã gọi đến đường dây nóng của ngân hàng này để thông báo sự việc. Phía ngân hàng Đông Á khẳng định, ngân hàng không phát đi thông báo về việc chị nợ thẻ tín dụng như trên. Mọi thông tin chị nhận được qua điện thoại đều là giả mạo. Đến lúc này, chị Tâm mới biết mình đã bị lừa. Chị Tâm vô cùng lo lắng, không biết việc để lộ số chứng minh nhân dân của mình như vậy có khiến kẻ gian rút được tiền từ tài khoản của chị ở ngân hàng hay không?
Chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Quang Huy khẳng định, Việt Nam chưa ghi nhận một cá nhân nào bị kẻ gian rút tiền ngân hàng do để lộ số chứng minh nhân dân. Vì thế, chị Tâm có thể an tâm rằng mình không bị kẻ gian rút tiền từ tài khoản cá nhân ở ngân hàng.
Để an toàn khi giao dịch trực tuyến ở ngân hàng, người tiêu dùng cần đảm bảo các nguyên tắc bảo mật sau:
- Thứ nhất, bảo mật tài khoản cá nhân. Nên chọn những mật khẩu khó đoán và không liên quan nhiều đến thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ, ngày sinh... Mật khẩu có ít nhất 8 ký tự (bao gồm chữ viết hoa, viết thường, chữ số, ký tự đặc biệt...). Tuyệt đối không ghi nhớ mật khẩu trên trình duyệt mà nên tự đánh mỗi lần đăng nhập. Đăng xuất khỏi hệ thống khi không còn nhu cầu.
- Thứ hai, không chia sẻ mã xác thực OTP cho bất kỳ ai. Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mã xác thực, nên nếu ai đó yêu cầu cung cấp OTP - đó chính là kẻ lừa đảo.
- Thứ ba, đảm bảo môi trường giao dịch an toàn. Không nên sử dụng các mạng wifi công cộng có độ bảo mật kém như sân bay, quán cà phê, nhà hàng... để giao dịch ngân hàng. Các nguồn mạng này thường không cài đặt mật khẩu, không đủ tiêu chuẩn bảo mật, ẩn chứa nhiều rủi ro khiến tin tặc có thể xâm nhập đánh cắp thông tin cá nhân.
Về trường hợp để lộ số chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, cho biết, vấn đề này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân.
Hiện nay, chứng minh nhân dân 9 số, 12 số và thẻ Căn cước công dân đồng thời tồn tại, trong đó 2 hoặc 3 số đầu là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký khai sinh. Đặc biệt, chứng minh nhân dân 12 số và thẻ Căn cước công dân còn tiết lộ thêm giới tính, năm sinh. Do vậy, khi biết được số chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân của một người là có thể xác định được nơi sinh, giới tính và năm sinh của người đó. Khi biết được các thông tin này, kẻ gian có thể lợi dụng để giả dạng cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... gọi điện thoại lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Ngoài ra, người dân có thể bị sử dụng thông tin cá nhân để vay nợ. Hiện tượng mua bán thông tin cá nhân đã và đang diễn ra phổ biến, dẫn đến tình trạng kẻ xấu lấy cắp thông tin, sử dụng thông tin đó để vay tín chấp, vay nợ trên các app... Do đó, mỗi cá nhân phải hết sức cảnh giác để không bị lộ số chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của mình. Bởi rất có thể, bản thân sẽ bị các app vay tiền hoặc người cho vay gọi điện, đe dọa, khủng bố... bắt trả món nợ bản thân không vay. Tuy không vay thì không có nghĩa vụ trả nợ nhưng người bị lấy cắp thông tin sẽ gặp những phiền phức không đáng có.
Nếu phát hiện chứng minh nhân dân/căn cước công dân của mình bị sử dụng vào một giao dịch nào đó, người dân hãy trình báo cơ quan chức năng có thẩm quyền để được hỗ trợ giải quyết kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn