Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để giảm tải cho nhân viên y tế và tránh lây nhiễm chéo, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai cho người dân tự lấy mẫu test nhanh Covid-19 tại nhà.
Ngay khi phương án này được triển khai đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số người lo lắng về độ chính xác khi người dân tự thực hiện lấy mẫu test nhanh.
Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.Hồ Chí Minh) cho biết, nhân viên y tế trươc khi triển khai lấy mẫu đã được tập huấn, hướng dẫn chi tiết. Còn người dân, họ chưa trải qua buổi hướng dẫn, đào tạo nào nên sai sót khi tự lấy mẫu là điều khó tránh khỏi. Theo bác sĩ Khanh, dưới đây là một số lỗi người dân tự lấy mẫu hay mắc phải.
Lỗi đầu tiên dễ gặp là đưa que lấy mẫu chưa đủ sâu, không tới vị trí lấy mẫu theo quy định;
Lỗi thứ 2 là khi đưa que lấy mẫu vào mũi bị gập que khiến người tự lấy mẫu lầm tưởng là que đã được đưa vào đủ sâu tuy nhiên chưa đủ dẫn đến lỗi đầu tiên.
Để khắc phục 2 lỗi này, người dân nên đưa que vào từ từ; Tự cảm nhận quá trình đưa que lấy mẫu vào mũi, khi cảm thấy hơi nóng, rát là người dân đã đưa que lấy mẫu đến đúng vị trí cần lấy.
Ngoài ra, người dân cần lựa chọn các loại kit test nhanh đã được Bộ Y tế cấp phép. Đồng thời, nên tuân thủ theo hướng dẫn lấy mẫu từ nhà sản xuất, đối với trường hợp là trẻ em, người lớn cần giữ chặt đầu bé trước khi tiến hành lấy mẫu vì do khó chịu nên bé thường không hợp tác.
Bác sĩ Khanh cho biết, sau khi tự thực hiện test nhanh, nếu có kết quả âm tính người dân không nên chủ quan, bởi sẽ có 3 khả năng xảy ra:
+ Thứ nhất, người này mới nhiễm, tải lượng virus thấp nên test nhanh cho kết quả âm tính. Sau 3-7 tải lượng virus sẽ gia tăng khi đó kết quả test nhanh sẽ dương tính.
+ Thứ hai là sắp hết bệnh. Nếu làm sau 3-7 ngày nếu hết hẳn thì kết quả xét nghiệm PCR cũng sẽ âm tính.
+ Thứ ba, người này trong thời gian ủ bệnh. Sau 3-7 ngày vẫn còn trong giai đoạn ủ bệnh thì kết quả test nhanh sẽ âm tính và PCR cũng sẽ có kết quả tương tự.
"Khi test nhanh có kết quả âm tính dù là sắp bệnh, hết bệnh… hay là trường hợp nào thì cũng đều phải tuân thủ 5K. Ngay cả PCR âm tính cũng phải tuân thủ, nếu cần thì test lại", bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Nếu test nhanh cho kết quả dương tính, người thực hiện cần bình tĩnh, đánh giá ngay trong nhà còn bao nhiêu người. Trong đó, những ai có nguy cơ chuyển nặng để có các biện pháp bảo vệ phù hợp. Ngoài ra, tiếp tục đánh giá mức độ nguy cơ của bản thân để xem bản thân có đủ điều kiện cách ly tại nhà hay phải tự thực hiện cách ly, điều trị tập trung. Sau đó, liên hệ với chính quyền địa phương để có sự hỗ trợ phù hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn