Khi làn sóng Covid-19 đang dần giảm đi, việc đeo khẩu trang trở nên ít phổ biến hơn nhất là đối với trẻ em khiến nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác tăng lên, trong đó có cảm cúm mùa hè ở trẻ.
WHO dự đoán sẽ có sự gia tăng các ca nhiễm cúm trong mùa hè này. Trên thực tế thì virus cúm có tỷ lệ tấn công khoảng 40% trẻ ở lứa tuổi mầm non, 30% trẻ độ tuổi đi học.
Mặc dù bệnh cúm là phổ biến nhưng bố mẹ cũng không nên chủ quan khi biến chứng bệnh cúm ở trẻ có thể gây ra nhiều triệu chứng khác ngoài mũi như nhức đầu, viêm xoang, viêm phổi, nhiễm trùng tai giữa, đau nhức cơ thể và yếu ớt hơn.
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng trẻ sẽ khỏe mạnh nhất trong mùa hè khi việc vui chơi vận động được thoải mái hơn cho tới khi cơn sốt ập đến. Thật không may là nhiều loại virus và các bệnh nhiễm trùng khác phổ biến hơn vào mùa hè như tay chân miệng, tiêu chảy hay cảm cúm. Thời tiết thay đổi thất thường khiến cảm cúm mùa hè ở trẻ cũng tăng lên.
Nguyên nhân gây ra cảm cúm là do virus cúm gây nhiễm trùng đường hô hấp trên. Trẻ có thể bị lây cảm cúm thông qua các đường như:
- Lây qua tiếp xúc giọt bắn chẳng hạn như hắt hơi, ho, nói chuyện, khạc nhổ,... dịch chứa virus xâm nhập qua mắt, mũi, miệng của trẻ và gây bệnh
- Lây gián tiếp qua các bề mặt tiếp xúc: những bề mặt dễ bám virus như mặt bàn, mặt ghế, tay nắm cửa,... nếu trẻ chẳng may chạm vào và đưa tay lên mắt, mũi, miệng sẽ bị lây nhiễm virus.
Khi trẻ mắc cảm cúm, tùy từng trường hợp mà cha mẹ sẽ đưa trẻ nhập viện để được can thiệp điều trị.
Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Bệnh cúm nói riêng cũng phức tạp như bệnh viêm phổi. Virus cúm tại mũi có thể đi xuống phổi và gây biến chứng khác nhau tại đây. Không những thế bệnh có thể lây lan nhanh, ít nhất là 2 giờ sau khi trẻ tiếp xúc với nguồn lây.
Đặc biệt, với trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ bị mắc các chứng bệnh suy giảm hội miễn dịch hay trẻ đang mắc các bệnh khác và mắc thêm cảm cúm (đồng nhiễm) thì cảm cúm trở nên nguy hiểm hơn và phải can thiệp sớm.
Triệu chứng thường gặp ở trẻ bị cảm cúm là ho, sốt, ngạt mũi, sổ mũi,... vì thế nhiều phụ huynh tự ý mua thuốc để điều trị triệu chứng cho trẻ mà không có hướng dẫn của bác sĩ. Việc tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ không mong muốn, nhất là khi có nhiều loại thuốc không phù hợp với độ tuổi của trẻ hoặc tương khắc với thể trạng sức khỏe của trẻ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Hơn nữa phần lớn cảm cúm mùa hè ở trẻ là do virus nên việc điều trị bằng kháng sinh sẽ không mang lại hiệu quả. Mà ngược lại, việc lạm dụng kháng sinh còn khiến trẻ gặp phải nhiều tác dụng phụ đáng ngại.
Thực tế cảm cúm có thể tự khỏi nếu như trẻ được chăm sóc đúng cách, như giữ cho trẻ được nghỉ ngơi hợp lý, không tiếp xúc với nơi đông người, ngủ nghỉ ở nơi thông thoáng, tránh gió trực tiếp, vệ sinh mắt - mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý đồng thời có chế độ dinh dưỡng phù hợp để tăng sức đề kháng và giúp trẻ chống lại các tác nhân gây bệnh.
Tuy nhiên nếu sau 7 ngày mà trẻ vẫn bị sốt hoặc bị tái sốt thêm vào đó các triệu chứng cảm cúm mùa hè ở trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm thì trẻ cần nhanh chóng được nhập viện để xử lý kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm xoang hay viêm tai giữa.
Nhất là khi trẻ sốt trên 38,5 độ C không hạ trong 48 giờ, không đáp ứng với các thuốc hạ sốt thì cha mẹ cần tìm tới bác sĩ bởi sốt cao kéo dài có thể gây ra co giật và thậm chí là tử vong.
Tóm lại có một số triệu chứng trẻ bị cảm cúm cần nhập viện bao gồm:
- Sốt cao trên 38 độ 5 liên tục trong 48 giờ không hạ và không đáp ứng thuốc hạ sốt
- Trẻ lừ đừ, ngủ li bì hoặc bị kích thích, co giật
- Trẻ bỏ bú, bỏ ăn, buồn nôn và hay nôn
- Không bù được điện giải bằng đường uống
- Tai chảy mủ, đau ù tai
- Mắt đỏ, có gỉ vàng
- Mũi nghẹt kéo dài trên 14 ngày không giảm
- Trẻ thở nhanh, thở gấp, thở rút lõm lồng ngực.
Đầu tiên, cha mẹ cần hiểu khi bị nhiễm trùng do virus, vi khuẩn thì sốt là cơ chế bảo vệ tự nhiên của hệ miễn dịch ở trẻ đang chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng. Vì thế, trong hầu hết các trường hợp, sốt là vô hại và sẽ tự biến mất sau 3 ngày.
Thân nhiệt của trẻ được coi là sốt khi nhiệt độ đo ở hậu môn, miệng là trên 38oC hoặc ở nách là trên 37,5oC. Trẻ sốt từ 39oC trở lên được coi là sốt cao và có nguy cơ bị co giật khi thân nhiệt trẻ trên 41oC.
Trẻ bị cảm cúm thường bị sốt. Nếu trẻ sốt trên 38 độ 5 cha mẹ sẽ cần cho trẻ uống hạ sốt để hạ nhiệt cho cơ thể bé. Tuy nhiên, thuốc hạ sốt được khuyên dùng là paracetamol và Ibuprofen (khi loại bỏ nguy cơ sốt do sốt xuất huyết).
Cha mẹ không được tự ý cho trẻ sử dụng hạ sốt bằng Aspirin vì có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn rất nghiêm trọng tới trẻ dưới 19 tuổi.
Liều lượng thuốc hạ sốt cũng cần phải tuân thủ đúng chỉ dẫn, phù hợp với cân nặng của trẻ. Đối với miếng dán hạ sốt, bác sĩ cho biết miếng dán không có tác dụng hạ sốt mà chỉ có tác dụng giúp trẻ cảm thấy mát hơn tại vị trí dán.
Nhìn chung, khi trẻ bị cảm cúm vào mùa hè, cha mẹ cần chú ý tới những biểu hiện bất thường bên cạnh việc hạ sốt, bù nước, vệ sinh mũi họng,... để tránh việc trẻ gặp phải các biến chứng nguy hiểm. Tiêm phòng vaccine ngừa cúm là một trong những biện pháp hữu hiệu bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ cúm mùa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn