Đó là trường hợp của sản phụ người Mali Halima Cissé, 26 tuổi, đã sinh hạ thành công 9 đứa con gồm 5 gái và 4 trai tại bệnh viện Ain Borja ở thành phố Casablanca, Vương quốc Morocco thuộc Bắc Phi vào ngày 4/5/2021. Sản phụ này đã được lưu danh vào Sách Kỷ lục Guinness là sản phụ đẻ nhiều con còn sống nhất trong một lần sinh nở.
Được biết, sản phụ Cissé cư ngụ tại thành phố Timbuktu ở Cộng hòa Mali, đã có 1 đứa con gái 3 tuổi trước lần mang thai thứ 2. Khi phát hiện sản phụ có tới 7 bào thai trong tử cung, các bác sĩ đã báo cáo lên Tổng thống Mali đề nghị đưa sang Morocco có nền sản khoa hiện đại giàu kinh nghiệm hơn. Kết quả siêu âm tại Casablanca lại phát hiện thêm 2 bào thai nữa khiến các thầy thuốc quyết định cho sinh mổ ở độ 30 tuần tuổi giúp “mẹ tròn con vuông”.
Halima Cissé, 26 tuổi, đã sinh hạ thành công 9 đứa con gồm 5 gái và 4 trai.
Ca mổ đẻ cho sản phụ này kéo dài 20 phút gồm 10 bác sĩ, 18 hộ lý và 7 chuyên gia y tế, còn 9 đứa trẻ sinh ra cân nặng từ 500-1.000g. Các bé gái được cha mẹ đặt tên là Adama, Hawa, Fatouma, Oumou và Kadidia, các bé trai là Mohammed IV, Bah, El Hadj và Oumar.
Hiện các bé đã hơn 1 tuổi. Được biết chi phí sinh nở và chăm sóc y tế cho mẹ con chị Cisse đã vào khoảng 1,2 triệu USD (tương đương 28,3 tỷ đồng). Số tiền này được nhà chức trách Mali chi trả.
Trong quá trình sinh nở, chị Cisse đã có thời điểm gặp nguy hiểm tính mạng vì bị mất máu. Các bác sĩ ước tính chỉ riêng bụng bầu của chị đã từng nặng tới 30kg. Trước đó, lịch sử y học ghi nhận, chưa có ca sinh 9 nào sống được quá vài giờ.
Bà mẹ mang thai 8 con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm
Nadya Suleman còn được biết đến với cái tên "bà mẹ bạch tuộc". Năm 2008, bà mang thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm và sinh 8 con năm 2009.
Trước đó, năm 2001, Nadya sinh con trai đầu lòng Elijah. Một năm sau, con gái thứ hai Amerah chào đời. Bà mẹ đơn thân tiếp tục có thêm 4 đứa con, trong đó có cặp song sinh, bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Thời điểm đó, Nadya có 6 con, 4 trai, 2 gái.
Nadya Suleman sinh 8 người con hồi năm 2009.
Người phụ nữ này vẫn muốn sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, bất chấp nguy hiểm và rủi ro. Tin tức về Nadya nhanh chóng được lan truyền khiến dư luận sửng sốt. Phần lớn phản đối kế hoạch mạo hiểm của bà mẹ đơn thân, thậm chí cảnh báo cô có thể tử vong.
Nhiều người bày tỏ lo ngại quyết định sinh thêm 8 đứa con của Nadya có thể tạo gánh nặng về tài chính cho cô. Tuy nhiên, Nadya tuyên bố sẽ độc lập tài chính, không cần trợ cấp.
Ngày 28/1/2009, 8 đứa trẻ chào đời dưới sự giám sát của các bác sĩ chuyên môn tại Trung tâm Y tế Kaiser Permanente, California, Mỹ.
Tháng 3/2009, Nadya mua căn nhà ở La Habra và đón 14 con về nơi ở mới. Bà ngoại chăm sóc các cháu của mình.
Tất nhiên việc chăm sóc 14 đứa trẻ không phải điều dễ dàng, nhất là đối với bà mẹ đơn thân. Nadya tâm sự rằng mỗi ngày chỉ ngủ 2-3 giờ, thời gian còn lại phải làm việc và chăm sóc con nhưng bà mẹ của 14 đứa con khẳng định bản thân rất hài lòng, không bao giờ hối hận với quyết định này.
Cuộc giống của gia đình nhỏ Bobbi và Kenny McCaughey ở Des Moines, bang Iowa, Mỹ vốn rất êm đềm hạnh phúc.
Sau hạ sinh con đầu lòng vào 3/1/1996, đôi vợ chồng trẻ vẫn muốn có thêm con để Mikayla "có chị có em", đó là lúc họ tìm đến sự trợ giúp của y học một lần nữa. Các bác sĩ đã cảnh báo Bobbi rằng rất có khả năng cô sẽ mang "đa thai", đáp lại với sự tự tin rằng cơ thể sẵn sàng để chào đón thêm 2 đứa trẻ nữa, thế nhưng lúc đó cô đâu có biết mình sẽ mang một bào thai siêu khổng lồ.
Khi phát hiện cô mang thai 7, các bác sĩ chẳng biết xử lý như thế nào, chỉ luôn khuyên bà mẹ nên áp dụng phương pháp giảm thiểu có chọn lọc, giảm thiểu đi một số bào thai để trao lại cơ hội sống sót cho anh chị em còn lại và để đảm bảo sức khỏe cho mẹ. Thế nhưng, cô vẫn quyết định giữ con lại, không bỏ 1 bé nào. May mắn mọi thứ đều ổn.
Thế rồi ngày lâm bồn cũng đến, 40 chuyên gia và bác sĩ trong phòng sinh gồm: bác sĩ nội soi, bác sĩ sơ sinh, nhà trị liệu hô hấp, y tá và bác sĩ gây mê cùng Bobbi "chiến đấu" tại trung tâm y tế ở Iowa.
Với tất cả sự may mắn, kiên cường và dũng cảm, cô Bobbi đã vượt cạn thành công với 7 thiên thần. Ca sinh kết thúc thành công mĩ mãn, 7 đứa trẻ gồm 4 trai 3 gái ra đời vào ngày 19/11/1997, sớm 9 tuần so với dự kiến. Thật không may rằng 2 trong số 7 em bé mắc phải chứng bại não ngay lúc mới sinh. Vì là sinh mổ sớm nên lũ trẻ phải ở trong bệnh viện 2 tháng mới được về nhà.
Giờ đây sau 20 năm, những đứa trẻ từng gây chấn động thế giới ngày ấy đều đã khôn lớn.
Mỗi ngày, vợ chồng trẻ này cần 42 hộp thức ăn và 52 chiếc tã. Các tổ chức phi lợi nhuận đã giúp nhà McCaughey bằng cách tài trợ 2 năm dùng bỉm miễn phí, họ cung cấp rất nhiều thức ăn, một căn nhà lớn hơn và cam kết giáo dục miễn phí tại bất kì trường đại học nào tại bang Iowa.
Bọn trẻ cứ thế lớn lên trong sự dạy bảo chu đáo của bố mẹ, rất chăm chỉ làm việc. Tất cả đều khá giỏi ở trường và đều chơi thể thao. Giờ đây sau 20 năm, những đứa trẻ từng gây chấn động thế giới ngày ấy đều đã khôn lớn trưởng thành, chọn cho mình một con đường riêng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn