Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên bàn thương lượng đã giành được thắng lợi quan trọng, to lớn về nhiều mặt; mở ra cánh cửa đến với hòa bình, với độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam, là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Kéo dài 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, bắt đầu ngày 13/5/1968 đến ngày 27/1/1973, trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và hàng nghìn cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam, Hội nghị Paris về Việt Nam trải qua 2 đời Tổng thống Mỹ là Lyndon B. Johnson và Richard Nixon.
Trong khi Mỹ liên tục thay thế các trưởng đoàn đàm phán (Hariman, Cabot Lodge, David Bruce, William Parter…), trưởng hai phái đoàn của ta là Bộ trưởng Xuân Thủy, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam không thay đổi trong suốt quá trình đàm phán.
Bà Nguyễn Thị Bình - Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris năm ấy vẫn được nhân dân Việt Nam và thế giới nhắc đến với lòng ngưỡng mộ về một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh và đầy bản lĩnh khi đấu tranh trên nghị trường. Nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận xét: "Hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện bằng một vẻ thong dong đầy tự tin...".
Suốt những năm Hội nghị Paris về Việt Nam (1968 - 1973), bên cạnh bà Nguyễn Thị Bình còn có 4 "tà áo dài" thanh mảnh đầy trí tuệ, bản lĩnh: Đỗ Duy Liên, Nguyễn Thị Chơn, Nguyễn Ngọc Dung, Phạm Thanh Vân (Bình Thanh). Tần suất làm việc của 5 "nữ tướng" dày đặc. Ngoài những phiên họp thứ năm hằng tuần, các thành viên trong đoàn tiếp xúc với nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới đến tìm hiểu lập trường của chính phủ ta; trả lời những câu hỏi nhạy cảm của báo chí. Họ không chỉ đi khắp nước Pháp mà còn thay phiên nhau đi các nước châu Âu, châu Mỹ giới thiệu giải pháp 10 điểm của Chính phủ cách mạng tại bàn Hội nghị Paris... Những căng thẳng, thử thách với những người phụ nữ ấy thật quá sức tưởng tượng. Chỉ một cái tên gọi, một khái niệm đưa ra bàn hội nghị, trong các cuộc họp báo, cũng khiến các chị thức trắng đêm trăn trở, thảo luận.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973 - 27/1/2023), Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình gửi thông điệp nhấn mạnh: "Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn về chính trị và ngoại giao của nhân dân Việt Nam, là bước ngoặt lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dẫn đến cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời là thắng lợi của phong trào nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam".
Đóng góp vào thành công của Hiệp định Paris có vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam, phong trào đấu tranh của phụ nữ và nhân dân trên toàn thế giới cùng chung lý tưởng, khát vọng hòa bình. Trong những năm tháng tiến hành đàm phán, ngoài đấu tranh trực tiếp trên bàn đàm phán, bà Nguyễn Thị Bình còn tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, các đoàn thể, các cá nhân thuộc các đoàn thể ở Mỹ, các nước phương Tây và các nước xã hội chủ nghĩa khác bằng tuyên truyền, vận động qua báo chí và gặp gỡ trực tiếp.
Madam Bình trả lời phỏng vấn của các nhà báo
Bà Nguyễn Thị Bình đã đi khắp các châu lục tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, chuẩn bị thông tin để đưa ra những đòn tấn công ngoại giao sắc bén cho cuộc đàm phán... Những lý lẽ đanh thép nhưng có tình, có lý đã tỏa đi khắp các nước, trong dư luận quốc tế, qua các báo chí, các phương tiện truyền thông, khơi dậy một tình cảm mến phục mạnh mẽ của mọi người đối với một dân tộc nhỏ, dám đứng lên chống lại nước lớn để bảo vệ quyền được sống trong độc lập và tự do.
Không chỉ ở Pháp và một số nước trên thế giới, tại Mỹ cũng có những phong trào sôi nổi phản đối chiến tranh, yêu cầu lập lại hòa bình tại Việt Nam. Báo chí thế giới cũng góp phần quan trọng để thúc đẩy phong trào đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam.
"Chúng tôi còn ghi nhớ những bạn Mỹ tự thiêu để phản đối chiến tranh, chúng tôi cũng không bao giờ quên hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới đã bất chấp đàn áp, tù tội, tuần hành và biểu tình để đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh. Tất cả sự đoàn kết và ủng hộ của các bạn là sức mạnh giúp chúng tôi trên chiến trường cũng như trên bàn hội nghị trong những ngày đấu tranh gay go, khốc liệt", bà Nguyễn Thị Bình khẳng định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn