Xóa bỏ quan điểm phân biệt giới tính
Ở vùng quê nghèo còn nặng quan điểm có con trai nối dõi nhưng gia đình chị Ngân Thị Xèm, hội viên phụ nữ bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, sinh con gái một bề vẫn vui vẻ, luôn nỗ lực phát triển kinh tế và dành thời gian quan tâm, chăm sóc, động viên các con cố gắng trong học tập.
Hiện gia đình chị có 7ha đất đồi trồng keo. Ngoài ra, chị còn đầu tư phát triển chăn nuôi thêm gia súc gia cầm, mang lại thu nhập ổn định hàng năm đạt từ 200 đến 300 triệu đồng. Nỗ lực vượt khó, hiện nay gia đình chị Xèm đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, sạch đẹp, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Hai con gái của chị đều chăm ngoan học giỏi, con gái đầu 12 năm liên tục đạt học sinh xuất sắc. Hiện cháu là sinh viên năm thứ 3, khoa Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Con gái thứ 2 đang học lớp 11 trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa. Năm 2016 - 2017, cháu đạt huy chương vàng toàn quốc bộ môn đẩy gậy.
"Mỗi khi con cái được khen thưởng, mình thêm vui và phấn khởi. Mình cũng luôn nghĩ cha mẹ là tấm gương cho con nên luôn cố gắng lao động sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng để lo kinh tế gia đình và có tiền cho con ăn học. Khi con học tốt thì mình lại có thêm động lực để phấn đấu", chị Xèm chia sẻ.
Với quan điểm và cách sống của vợ chồng chị Xèm, nhiều hộ gia đình trong thôn cũng từng bước thay đổi quan niệm phân biệt giới tính và chú trọng làm ăn, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình.
Nghị lực vươn lên thoát nghèo
Sinh năm 1962, bà Lê Thị Sửu, hội viên hội phụ nữ thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quý, huyện Như Xuân, có 35 năm gắn bó với người chồng khuyết tật, câm điếc bẩm sinh, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. So với người khác, sự lam lũ vất vả và cả những nếp nhăn trên khuôn mặt người mẹ này có thể nhiều hơn nhưng "tài sản" hiện nay của bà Sửu không phải gia đình nào cũng có được. Đó chính là 4 đứa con ngoan và thành đạt. Ngoài con gái đầu tốt nghiệp cấp 3 đã lập gia đình và là 1 trong những gương điển hình phát triển kinh tế trang trại tại địa phương, 3 con trai của bà Sửu đều học đại học. Con trai thứ 2 sau 6 năm được học bổng du học ở Nga, hiện là giảng viên tại trường Sĩ quan không quân TP Nha Trang, Khánh Hòa. Con trai thứ 3 tốt nghiệp ĐH Giao thông vận tải và đã có việc làm ổn định. Con trai út của bà Sửu hiện là sinh viên Học viện kỹ thuật mật mã tại Hà Nội.
"Tôi luôn nói với con cái là cố gắng học tập, sau này có công việc ổn định chứ đừng mải chơi theo bè bạn rồi lại lam lũ như bố mẹ. Giờ nhìn đứa nào đứa nấy chăm ngoan học giỏi, vợ chồng tôi rất mừng", bà Sửu tự hào.
Bà Sửu cho biết: "Có được thành quả này là do sự phấn đấu lao động miệt mài của cả 2 vợ chồng, đồng sức, đồng lòng cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc, giáo dục con cái. Mặt khác, biết phát huy tiềm năng lợi thế của quê hương và sự quyết tâm chịu khó tự tìm hướng đi thích hợp trên chính mảnh vườn của mình".
Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Sửu còn vận động hội viên trong Chi hội cùng xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả; giúp đỡ những hội viên khó khăn về vốn để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Hiện nay, cuộc sống của gia đình bà Sửu đã ổn định hơn trước rất nhiều. Các anh chị lớn có thể hỗ trợ cùng bố mẹ nuôi các em ăn học nhưng với bản chất siêng năng, chịu thương chịu khó, hàng ngày vợ chồng bà Sửu vẫn chăm lo phát triển chăn nuôi, làm kinh tế rừng, thu nhập hàng năm đạt hàng trăm triệu đồng. Bản thân bà Sửu luôn tích cực tham gia các phong trào hoạt động của phụ nữ địa phương, là hội viên xuất sắc tiêu biểu của địa phương 5 năm liên tục.
Chị Bùi Thị Hoan, Trưởng ban tuyên giáo Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Không chỉ là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, các chị còn là những phụ nữ đảm đang, chăm lo cho mái ấm của gia đình, nuôi dạy con tốt. Ngoài ra, các chị cũng là những hội viên tiêu biểu, tích cực tham gia các hoạt động do hội phụ nữ cơ sở tổ chức. Họ xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn