Ngược dòng sông, ngắm nhìn cảnh vật 2 bên, lặng nghe những câu chuyện lịch sử, được tìm hiểu những nét văn hoá đặc trưng của người dân tộc Vân Kiều và đặc biệt được cảm nhận sự mạo hiểm đến thót tim trong hành trình vượt thác Tam Lu là những dấn ấn không thể nào quên.
Ngược dòng Long Đại
Long Đại có nghĩa là Rồng Lớn, con sông khởi thủy ở đỉnh 1001 tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (trên Tây Trường Sơn). Chi lưu của nó gồm các khe rào lớn trong khu vực đổ về từng hẻm núi. Nếu sông chính là Rồng Lớn thì các chi lưu là chân, móng vuốt rồng trải dài trên các ngọn núi, rồi đổ về tạo ra con sông ngoạn mục này.
Trong hành trình này, chúng tôi đi ngược với dòng chảy của con sông. Bắt đầu từ ngã 3 Trung Quán - nơi hợp lưu của sông Long Đại và Sông Kiến Giang tạo nên sông Nhật Lệ trứ danh, qua các xã Hiền Ninh, An Ninh, Gia Ninh, ngược lên bến phà Long Đại, những xóm làng bên sông bình yên đến lạ. |
Dòng sông Long Đại có chiều dài hơn 100km, chảy quanh co với hơn 100 thác đá lớn nhỏ. Dòng sông này từng là tuyến đường thủy quan trọng trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Trên dòng sông này có 2 bến phà: bến phà Quán Hàu nối đôi bờ sông Long Đại, thông tuyến cho Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận Quảng Bình. Còn bến phà Long Đại ngày xưa lại thông tuyến cho cung đường Tây Trường Sơn, nằm phía Tây Quảng Bình.
2 bến phà này nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, là những điểm bắn phá ác liệt của Mỹ nhằm cắt đường tiếp tế của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nhân dân nơi đây có truyền thống anh hùng với "xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương"... Vết tích chiến tranh nơi đây vẫn còn nhiều, ngoài con người mang trên mình những thương tật, còn đó vô số hố bom, vẫn còn đó rất nhiều mảnh bom, đầu đạn sót lại, bị chôn sâu dưới lòng đất, động cát…
Nay, các cây cầu Long Đại, Quán Hàu đã nối những bờ vui cho người dân nơi đây. Tôi đã có dịp dừng chân bên bến phà xưa, ghé thắp hương tại nhà bia tưởng niệm 16 Thanh niên xung phong của C130 hy sinh tại bến phà Long Đại vào tháng 9/1972. Dâng nén hương, nghĩ về quá khứ hào hùng, trong lòng trào dâng một niềm tự hào khôn xiết.
Thuyền đưa chúng tôi đi sâu bên trong lưu vực của sông Long Đại, những bản làng của người dân tộc Vân Kiều ở xã Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình), bình yên nép theo triền sông. Những dãy núi đá được thiên nhiên tạc hình kỳ thú, để ta mặc sức tưởng tượng. Không ít người đã ví von cảnh sắc nơi đây như một “tiểu Hạ Long”.
Vượt thác Tam Lu - thử thách lòng can đảm
Trong chuyến ngược dòng Long Đại, đang miên man trôi về miền cổ tích bởi cảnh sắc thần tiên ven sông, tôi chợt bị đánh thức bởi lời “giới thiệu” của anh lái đò: “Chúng ta sắp vượt thác Tam Lu, mọi người bám vỏ lái, nhớ giữ tay thật chặt, không thì rơi xuống sông đó. Đoạn này mà rơi xuống thì khó mà tìm lắm đấy!”.
Những tay chèo thiện nghệ đưa du khách vượt thác Tam Lu |
Lời thông báo đó làm tôi sực tỉnh, dòng nước xanh hiền hòa không còn lặng lẽ trôi mà tung bọt trắng xóa, vỡ vụn. Những bờ đá sắc nhọn sẵn sàng xé toạc chiếc vỏ lái nếu chẳng may va phải.
Trên dòng nước chảy xiết, xoáy chiếc vỏ “bất kham”, người chèo mũi vừa dậm chân, vừa bẻ lái cho thuyền vượt thác. Bình an trong tích tắc khiến tim tôi như vỡ vụn. Thật khâm phục tài nghệ của người chèo lái nơi đây. Tôi nhớ đến hình ảnh “người lái đò sông Đà” trong tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân, họ là những người quá yêu con sông, nắm rõ luồng lạch, hiểu từng bãi đá ngầm để có thể đưa thuyền vượt thác một cách ngoạn mục như thế.
Rời thác Tam Lu, ngược lên xã Trường Xuân, ghé thăm bản làng Vân Kiều nơi đây, hiểu thêm về một nền văn hóa đã làm cho hành trình của chúng tôi thêm thú vị.
Các dãy núi đá khiến nơi đây được ví như “tiểu Hạ Long” |
Trầm tích văn hóa Vân Kiều
Tôi may mắn đến xã Trường Xuân đúng vào dịp già làng Hồ Xoan làm lễ “Cúng hồn người sống” - một phong tục độc đáo của người Vân Kiều. Theo trí nhớ của những già làng trong bản kể lại rằng, mỗi đứa trẻ khi sinh ra, sẽ có 1 vị thần hộ mệnh bảo vệ và che chở. Để đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, người Vân Kiều sẽ làm lễ cúng vị thần đó.
Lễ vật để cúng bắt buộc là 1 con lợn khoảng 40kg, nhà nào nghèo thì cũng phải mua được cái thủ, 4 cái chân và cái đuôi coi như là tượng trưng cho 1 con lợn. Lễ còn có 1 bát gạo, 4 miếng trầu cắm xung quanh và giữa bát đặt 1 quả trứng gà, 3 chai rượu, con dao truyền đời và chiếc sáo pi. Chủ lễ phải là người có “tiếng nói” trong bản. Thường thì các chủ nhà sẽ mời các vị trưởng lão trong làng đứng ra làm chủ lễ.
Sau lễ này, linh hồn đứa trẻ sẽ lớn lên cùng thể xác. Đến khi 18 tuổi, đứa trẻ sẽ chính thức làm người trưởng thành. Phong tục ngày xưa nay đã được các già làng, trưởng bản vận dụng linh hoạt để vừa phù hợp với hiến pháp và pháp luật, đồng thời, con cháu trong bản không quên nét đẹp văn hóa truyền thống.