Người phụ nữ thường bị gán cho những tính từ miêu tả tính cách như: nhu mì, yếu đuối, dễ bị chi phối bởi cảm xúc… Thực tế đã chứng minh trong công việc, lãnh đạo nữ vừa có sự quyết liệt vừa có sự mềm dẻo, linh hoạt trong cách điều hành.
Những quan niệm như "tam tòng, tứ đức" vẫn tác động đến người phụ nữ hiện đại. Có không ít ánh nhìn, lời nói khắt khe về những người phụ nữ đi làm về muộn, phụ nữ đi công tác cùng đồng nghiệp nam…
Bởi vậy, nhiều người phụ nữ trong quá trình phấn đấu có tâm lý phải cẩn thận trong từng hành động, thậm chí phải tạo khoảng cách nhất định với đối tác khác giới. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc mở rộng các mối quan hệ xã hội của họ.
Đối với nhiều nhà tuyển dụng, việc nghỉ thai sản của lao động nữ là một nỗi lo về hiệu suất công việc có thể bị ảnh hưởng. Bởi vậy, ngay từ cơ hội tuyển dụng, lao động nữ đã có ít hơn nam giới. Cùng với đó là thời gian chăm sóc con cái, làm việc nhà. Theo báo cáo nghiên cứu được Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam công bố hồi tháng 3/2021, phụ nữ Việt Nam dành trung bình 20,2 giờ/tuần để làm việc nhà, chăm sóc con cái trong khi nam giới chỉ dành 10,7 giờ cho những công việc này. Gần 1/5 nam giới thậm chí không làm việc nhà.
Thành ngữ nước ngoài có câu "Mothers darlings are but milksop heroes" tương tự như câu "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà" của người Việt. Quan niệm phụ nữ là người "xây tổ ấm", người ở nhà lo chu toàn nội trợ và nuôi dạy con cái đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Nếu đứa trẻ ngoan, người ta coi nó là điều tất yếu. Ngược lại, khi đứa trẻ gặp vấn đề tiêu cực, sự chỉ trích đều dồn vào người phụ nữ trong gia đình.
Không phủ nhận hiện nay có nhiều người chồng chia sẻ việc nhà, để vợ phấn đấu cho sự nghiệp. Nhưng câu chuyện cân bằng giữa công việc và gia đình vẫn là một thách thức với nhiều phụ nữ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn