Những tháng ngày hưu trí bận rộn vẫn chưa hài lòng các con

07:51 | 12/09/2015;
Sự bao bọc thái quá của bà khiến các cô con gái - có thể là rất yêu quý mẹ - trở nên vô tình, vô cảm, chỉ biết “nhận” chứ không biết “cho”. Bà vô tình đã làm hỏng các con mình.

Chủ nhật tuần này Thanh Tâm vào bếp làm món mì Ý thết đãi con trai nhân dịp cu cậu được nhận danh hiệu học sinh giỏi năm cuối cấp II.

Vì là chủ nhật nên Thanh Tâm thường cho con dậy muộn hơn thường lệ, ngủ bù cho cả một tuần học hành vất vả. Vì thế “hai bữa dồn một”, mùi mì Ý thơm phức cả mấy gian nhà lúc kim ngắn đồng hồ vừa chỉ số 10. Thanh Tâm vừa lấy mì ra đĩa cho con trai thì chuông điện thoại đổ dồn. Cái bụng chưa có bữa sáng của Thanh Tâm cũng đang … “biểu tình” nhưng Thanh Tâm vẫn ra hiệu cho con trai cứ ăn trước, còn mình thì ra phòng khách nghe điện.

 Thanh Tâm làm món mì Ý để thết đãi con trai (Ảnh minh họa)

Người phụ nữ gọi đến tự giới thiệu là một cán bộ ngân hàng đã về hưu. Bà sinh được hai cô con gái đều xinh xắn, học hành tử tế và lấy chồng êm ấm. Những tưởng bà sẽ vui hưởng tuổi già thanh nhàn với tâm trạng của người đã hoàn thành phần lớn nhiệm vụ trong đời. Ngờ đâu, những tháng ngày “hưu trí” của bà còn bận rộn chả kém gì thời nuôi con thơ. Hai cô con gái của bà có lẽ do được chiều chuộng từ bé nên dù đã lấy chồng, có con, các cô vẫn không thể hy sinh bất cứ một niềm vui cá nhân nào. Ngày thường, các cô “khoán trọn” việc đưa đón, tắm cho các bé, cho ăn bữa tối cho bà ngoại. Các cô thường chỉ xuất hiện ở cổng nhà bà ngoại sau 7 giờ tối, mục đích chính là “bữa cơm sum họp”, sau đó cô nào cô nấy đón đứa con đã thơm tho, no nê về nhà mình. Nếu hôm nào có việc đột xuất ở cơ quan thì gửi con ngủ cùng bà luôn. Vì thế, dù đã thuê thêm một cô giúp việc theo giờ nhưng bà lúc nào cũng tất bật. Đấy là còn chưa kể những lúc lũ trẻ bị ốm, bà nhược cả người vì mấy cữ thuốc trong một ngày của chúng.

Những dịp lễ nghỉ dài ngày, hai chị em thường rủ nhau đi “trăng mật”, có nghĩa là thành phần đoàn chỉ gồm hai cô và chồng của họ. Cũng có lần các cô ngỏ ý rủ mẹ đi cùng nhưng suốt cả mấy ngày ở một resort đẹp đẽ thì cái vòng quẩn quanh của bà cũng vẫn là cho cháu ăn, ru cháu ngủ, trông cháu trong lúc bố mẹ chúng đang nhào nhỡn trong sóng biển. Vì thế mà bà không để cho “lịch sử” lặp lại đến lần thứ hai.

Nhưng rồi bà bị ốm. Thế là mọi việc cứ nháo nhào cả lên. Vốn không quen chăm con, lại yên tâm có bà ngoại chu đáo, hai cô con gái của bà hầu như không tập trung được vào công việc. Nhìn các con tất tưởi, trái tim người mẹ lại thấy xót xa. Nhưng căn bệnh tiền đình không cho phép bà lao động với cường độ như trước. Cùng lúc đó, bệnh viêm khớp mãn tính của bà có vẻ nặng lên. Hai cô con gái từ chỗ lo lắng cho mẹ dần chuyển thái độ khó chịu. Các cô không thay nhau về trông mẹ hàng ngày như trước mà khoán trọn việc chăm mẹ ốm cho một người giúp việc. Ở nhà, các cô cũng thuê ô sin nên rất hiếm khi bà cháu mới gặp nhau. Thời gian thênh thang cả ngày, bà đâm nghĩ ngợi vẩn vơ, lại thêm bệnh tật nên nhiều lúc cũng nảy ra các ý nghĩ tiêu cực. Tình cờ đọc mạng, thấy giới thiệu về Tổng đài tư vấn Thanh Tâm, bà liền điện thoại với mục đích chính là để tâm sự.

Dù rằng bà không đưa ra câu hỏi cụ thể, nhưng sau khi nghe câu chuyện của bà, Thanh Tâm vẫn nhẹ nhàng phân tích với bà, những cư xử lâu nay của hai cô con gái chính là biểu hiện của tính ích kỷ. Điều đó phần lớn xuất phát từ sự chiều chuộng thiếu định hướng của bà. Sự bao bọc thái quá của bà khiến các cô con gái - có thể là rất yêu quý mẹ - trở nên vô tình, vô cảm, chỉ biết “nhận” chứ không biết “cho”. Thực ra bà vô tình đã làm hỏng các con mình.

Thanh Tâm khuyên bà - dù muộn còn hơn không - hãy nói chuyện thẳng thắn với các con mình. Không nên ngại các con cho rằng mình “nhiều chuyện” mà không bộc bạch tâm sự. Thanh Tâm tin là các con gái bà đều là những phụ nữ có học, sẽ hiểu mẹ mình hơn, biết thương mẹ hơn. Đồng thời các cô sẽ rút ra được những bài học để khi làm bà, các cô sẽ không mắc phải sai lầm như mẹ của mình nữa.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn