Mỗi năm qua đi, các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới vẫn không ngừng nỗ lực để đóng góp thêm cho kho tàng kiến thức khổng lồ của nhân loại. Các nhà khảo cổ tìm kiếm dấu vết của quá khứ, tiết lộ các hệ sinh thái và nền văn minh đã sụp đổ. Các nhà thiên văn học tìm cách giải thích những bí ẩn của các thế giới khác, trong khi các nhà sinh vật học và nhà khoa học Trái đất làm sáng tỏ hoạt động của hành tinh chúng ta và sự sống ở đó. Các nhà nghiên cứu y học thì khám phá sự phức tạp của cơ thể con người...
Dưới đây là một vài khám phá đáng chú ý nhất trong năm 2022. Dù to lớn hay nhỏ bé, chúng đều trở thành phần quan trọng trong kho tàng tri thức nhân loại.
Tháng 1/2022, các nhà nghiên cứu đã công bố một địa điểm ở Đông Nam Australia, nơi phát hiện những tảng đá chứa đựng bằng chứng đáng kinh ngạc về sự sống trong một khu rừng nhiệt đới cổ đại. Các hóa thạch tại McGraths Flat có tuổi từ 11 triệu đến 16 triệu năm, đại diện cho một số hệ sinh thái rừng nhiệt đới duy nhất được biết đến có niên đại từ kỷ nguyên Miocen.
Những sinh vật nhỏ, thân mềm được bảo quản hoàn hảo. Bao gồm những con nhện nguyên vẹn cả lông chân và những con cá chứa đầy muỗi vằn trong bụng.
Trong năm 2022, tàu thám hiểm sao Hỏa Perseverance của NASA đã tiếp tục sứ mệnh tìm kiếm các dấu hiệu về sự sống cổ đại trên sao Hỏa. Địa điểm mà con tàu tiếp cận khám phá là miệng núi lửa Jezero - một hố sâu rộng 45km trên bề mặt sao Hỏa có một hồ nước cùng đồng bằng sông hình thành từ cách đây hàng tỉ năm trước.
Perseverance đã phát hiện ra một số điểm bất ngờ khi đi qua miệng núi lửa. Chẳng hạn như lớp phủ mỏng màu tím trên đá khiến người ta liên tưởng đến một loại vecni do vi khuẩn hình thành ở Trái đất.
Những mảnh vỡ của một con tàu huyền thoại Tây Ban Nha từ thế kỷ 17 đã được tìm thấy trên bờ biển phía Bắc của bang Oregon (Mỹ). Chúng có khả năng thuộc về Santo Cristo de Burgos, một con tàu đang di chuyển từ Philippines đến Mexico vào năm 1693 thì chệch hướng và biến mất.
Được biết đến với cái tên "Xác tàu sáp ong", con tàu mất tích bí ẩn này đã trở thành đề tài của những câu chuyện truyền thuyết trong nhiều thế kỷ. Nó chính nguồn cảm hứng cho bộ phim "The Goonies" năm 1985.
Lần đầu tiên trong lịch sử y học thế giới, các nhà khoa học tại Đại học Yale đã bảo tồn được chức năng nhiều cơ quan nội tạng của loài lợn bao gồm: não, tim, gan và thận, ngay cả khi con vật đã chết 1 tiếng đồng hồ. Nghiên cứu này một ngày nào đó có thể giúp mở rộng khả năng duy trì sự sống của các bộ phận trên cơ thể người, giúp ích cho việc cấy ghép cứu sống bệnh nhân. Thực tế, hàng năm, có hàng nghìn nội tạng hiến bị bỏ đi vì không được bảo quản ngay lập tức.
Công trình nghiên cứu khiến người ta thêm hy vọng về một loạt các ứng dụng y tế trong tương lai ở người. Bởi nó có thể giúp các cơ quan tồn tại lâu hơn, có khả năng cứu sống hàng nghìn người cần cấy ghép trên thế giới.
Vào tháng 1, ngọn núi lửa ngầm ở Vương quốc Tonga, có tên Hunga Tonga-Hunga Ha'apai, đã gây ra một vụ phun trào chưa từng thấy trong những thập kỷ gần đây. Vụ nổ tạo ra nhiều làn sóng áp suất trên toàn cầu và những đợt sóng thần cao khủng khiếp ập vào các bờ biển gần và xa.
Trước khi bụi núi lửa lắng xuống, các nhà khoa học đã nổ lực chạy đua để thu thập dữ liệu về những điều kỳ lạ của vụ phun trào với hy vọng hiểu rõ hơn về cơ chế đằng sau vụ nổ và hàng loạt tác động lớn mà nó gây ra.
Khi tìm kiếm động vật sống trong đất ở 2 địa điểm thuộc khu vực Đông Nam Á, các nhà khoa học đã phát hiện ra một số loài ốc sên mới. Hai trong số chúng nhỏ hơn bất kỳ loài nào từng thấy trước đây. Họ đặt tên cho 1 trong 2 loài là Angustopila psammion. "Psammion" bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ đại có nghĩa là "hạt cát". Loài này sống trong các hang động ở Việt Nam và có đường kính chỉ 0,6 mm. Loài còn lại được phát hiện trong một hẻm núi đá vôi ở Lào và được đặt tên là A. coprologos.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã cảnh báo về những rủi ro sắp tới của biến đổi khí hậu. Nhưng, theo một báo cáo mang tính bước ngoặt do Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc công bố, một số mối nguy hiểm mà chúng ta phải đối mặt đã thực sự xuất hiện.
Theo báo cáo, đến năm 2100, 3/4 tổng số người trên Trái đất có thể thường xuyên phải chịu áp lực nhiệt độ cực cao. Mọi người cũng phải đối mặt với tổn thương phổi gia tăng do ô nhiễm không khí và nhiều bệnh do vật trung gian truyền từ các loài bọ hút máu. Chẳng hạn như muỗi và bọ ve, khi chúng lây lan sang các khu vực mới.
Trong năm 2022, kính thiên văn không gian James Webb của NASA đã cung cấp cho nhân loại nhiều hình ảnh chưa từng thấy về những vùng xa xôi nhất của vũ trụ.
Một hình ảnh về các thiên hà xa xôi được phóng đại bởi lực hấp dẫn của các thiên hà khác ở phía trước cung cấp "cái nhìn sâu nhất về vũ trụ từ trước đến nay", Thomas Zurbuchen, một nhà khoa học làm việc tại NASA cho biết.
Tây Nam Cực, cái nêm của lục địa nằm ở phía Nam đất nước Argentina, chứa đủ băng để nâng mực nước biển lên 3m. Một số băng đó chắc chắn sẽ tan chảy khi biến đổi khí hậu "thiêu đốt" Nam Cực, nhưng các nhà khoa học vẫn không biết lượng băng sẽ tan chảy hoặc tan nhanh như thế nào.
Nhưng đầu năm nay, các nhà nghiên cứu đã nhìn thấy những dấu hiệu đáng ngại rằng một sự sụp đổ lớn có thể sớm xảy ra. Một thềm băng lớn - phần băng nhô ra biển ngăn không cho tảng băng phía trên trượt xuống đại dương và tan chảy - bất ngờ bị nứt đột ngột.
Hồi tháng 5, giới khảo cổ học đã công bố một thông tin đặc biệt trên tạp chí Nature Communications, thu hút sự chú ý của nhiều người. Họ đã khai quật được một chiếc răng trong hang động nhỏ có tên Cobra (hang rắn hổ mang) thuộc khu vực dãy Trường Sơn, nằm ở địa phận Lào.
Các nhà nghiên cứu tin rằng chiếc răng thuộc về một bé gái sống cách đây ít nhất 130.000 năm và có khả năng là người Denisovan - một nhóm người sơ khai bí ẩn được xác định lần đầu tiên vào năm 2010. Phát hiện này cho thấy phạm vi đa dạng đáng kinh ngạc của loài vượn người và khả năng tồn tại trong nhiều vùng khí hậu khác nhau.
Kể từ năm 2005, nhà thám hiểm địa lý quốc gia Zeb Hogan đã cất công đi nhiều nơi để tìm ra loài cá lớn nhất thế giới. Vào giữa tháng 6 năm nay, nhóm do Zeb đứng đầu ở Campuchia nhận được cuộc gọi từ một ngư dân tên Moul Thun, người đang đánh cá ở sông Mekong. Moul cho biết anh vô tình bắt được một con cá đuối nước ngọt khổng lồ "to hơn nhiều" so với bất kỳ con cá nào anh từng thấy trước đây.
Khi đến nơi, các nhà nghiên cứu phát hiện con cá đuối cái này dài 3,9m tính từ mõm đến đuôi và nặng tới gần 300kg. Nó trở thành loài cá nước ngọt lớn nhất từng được ghi nhận, được tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới chứng nhận vào ngày 24 tháng 6.
66 triệu năm trước, quỹ đạo của sự sống đột ngột rẽ sang một hướng dữ dội khi một tiểu hành tinh có đường kính khoảng 10km lao xuống vùng biển ngoài khơi Bán đảo Yucatán của Mexico. Cú va chạm này đã giết chết hơn 3/4 các loài trên Trái đất, bao gồm tất cả các loài khủng long, trừ chim. Nó còn để lại một hố sâu khổng lồ dưới đáy biển - được gọi là Chicxulub.
Vào tháng 2 đầu năm nay, các nhà khoa học từng nghiên cứu một bộ cá hóa thạch đã chết trong vụ nổ chính thức đưa ra kết luận rằng có một tiểu hành tinh đã rơi xuống vùng Bắc bán cầu. Vào tháng 3, các nhà khoa học đã cung cấp một cái nhìn sơ lược về sự tàn phá của tiểu hành tinh năm đó. Đến tháng 8, các nhà nghiên cứu thông báo rằng họ tìm thấy dấu vết của một cái hố khác dưới đáy biển ngoài khơi bờ biển Tây Phi, có cùng độ tuổi với Chicxulub.
Các mảnh nhựa đã được tìm thấy ở đỉnh núi Everest và ở nơi sâu nhất của đại dương và giờ đây, lần đầu tiên, chúng nằm trong máu và phổi của cơ thể con người.
Trong máu được hiến tặng cho mục đích nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm thấy nhựa nano, có đường kính chưa đến một micromet, có thể bị hít vào hoặc ăn phải. Họ cũng tìm thấy những sợi nhựa dài khoảng 2mm trong phổi của bệnh nhân được phẫu thuật.
Hiện nay vi nhựa đã có ở khắp nơi trong môi trường, trong cơ thể các loài sinh vật biển và trong nước uống. Dù vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tới nay vẫn chưa có đủ thông tin để kết luận mức độ độc hại của chúng với sức khỏe con người và vẫn cần nghiên cứu thêm.
Daniela Roessler, một nhà sinh thái học của Đại học Konstanz, thường nghiên cứu thực địa ở rừng nhiệt đới Amazon. Tuy nhiên, trong đợt phong tỏa vì Covid-19 hồi năm 2020, Daniela đã chú ý đến những con nhện nhảy sống trên cánh đồng gần nhà cô ở Trier (Đức).
Daniela nhận thấy rằng đôi khi khi những con nhện ngủ, chúng tự treo mình lủng lẳng trên một sợi tơ với đôi chân cuộn lại và thỉnh thoảng giật giật như thể đang trong cơn mơ màng.
Roessler nói: "Cách chúng co giật khiến tôi nghĩ đến những giấc mơ của loài chó và mèo". Daniela lập hẳn một phòng thí nghiệm để quan sát chúng, và kết quả nghiên cứu được công bố trong năm 2022 cho thấy những con nhện nhảy trải qua trạng thái giống như đang ngủ với chuyển động mắt nhanh tương tự như những gì được quan sát thấy ở những người đang mơ.
Vào tháng 8, một nhóm nghiên cứu do Hội Địa lý Quốc gia (Mỹ) tài trợ đã công bố một hóa thạch đáng chú ý: loài khủng long lâu đời nhất được phát hiện ở Châu Phi.
Sinh vật cổ đại, được gọi là Mbiresaurus raathi, sống cách đây khoảng 230 triệu năm trong kỷ Trias. Nó được tìm thấy giữa các khe đá ở Zimbabwe. Mặc dù Mbiresaurus là một trong những tổ tiên sớm nhất được biết đến của loài khủng long Sauropod (khủng long hông thằn lằn có kích thước lớn), nhưng bản thân nó không mang kích cỡ to như vậy. Theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature hôm 31/8, sinh vật tiền sử này chỉ cao khoảng 1m và nặng 30kg.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn