Những “thủ lĩnh” thôn, bản hết lòng vì người dân

11:06 | 25/04/2023;
Dù gách vác nhiều công việc nhưng các nữ "thủ lĩnh" thôn, bản của chúng tôi đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều chị đã tham mưu, đề xuất được nhiều giải pháp phát triển kinh tế kịp thời, phù hợp với thực tiễn của địa phương...

Ông Đặng Văn Thân, Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), cho biết, toàn xã có 14 Chi bộ thôn, bản thì có 7 Bí thư Chi bộ, 5 trưởng bản là nữ, trong đó có 1 đồng chí là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản. 

"Dù gách vác nhiều công việc nhưng các nữ "thủ lĩnh" thôn, bản của chúng tôi đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều chị đã tham mưu, đề xuất được nhiều giải pháp phát triển kinh tế kịp thời, phù hợp với thực tiễn của địa phương", ông Thân cho biết.

Chúng tôi gặp chị Lô Thị Nam (SN 1986), Trưởng bản kiêm Chi hội trưởng Chi hội nông dân bản Làng Cằng (xã Môn Sơn). Trưởng bản Lô Thị Nam phấn khởi cho biết: "Bản Làng Cằng mới về đích nông thôn mới năm 2022, đạt 15/15 tiêu chí. Bà con trong bản chủ yếu làm nông. So với trước đây, thu nhập khá hơn, bình quân là 26 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo của bản năm 2021 là 27 hộ, năm 2022 giảm còn 24 hộ". 

Theo chị Lô Thị Nam, từng làm công tác Hội phụ nữ, khi đảm nhiệm vai trò trưởng bản, không chỉ cần hội viên phụ nữ tin tưởng mà chị còn phải làm gương trong mọi việc để dân bản tin tưởng, nghe theo. Thuận lợi với một Trưởng bản như chị Nam là được sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, của Đồn biên phòng Môn Sơn. 

Năm 2022, bản Làng Cằng chuẩn bị về đích nông thôn mới. Việc vận động làm sao để 100% hộ dân trong bản đồng thuận cùng nhau về đích nông thôn mới là một yêu cầu mang tính quyết định. 

Nhưng sau khi được tuyên truyền, không ít bà con lo rằng, nếu bản mình về đích nông thôn mới thì sẽ không được Nhà nước hỗ trợ nữa, sau này nghèo đói thì làm sao? Vậy là chị Nam cùng cán bộ Biên phòng, các ban, đoàn thể trong bản đi vận động người dân không được ỷ lại Nhà nước, phải phấn đấu, tự mình vươn lên làm kinh tế.

"Việc khó, Trưởng bản phải làm gương, đi đầu thực hiện. Trong khi chế độ phụ cấp dành cho trưởng bản rất ít nhưng tôi không vì đồng tiền mà luôn nỗ lực hết mình vì người dân. Đêm hôm, nhận được tin nhà này có người đánh nhau, nhà kia vợ chồng nảy sinh cãi vã, dù mưa rét, tôi vẫn không quản ngại mà đến tận nơi để giải quyết vấn đề", Trưởng bản Làng Cằng bộc bạch.

Tại bản Nam Sơn, có hai người phụ nữ đảm trách cương vị Bí thư Chi bộ và Trưởng bản là chị Quang Thị Vân và chị Ngân Thị Xuyên. Bản Nam Sơn có 182 hộ với 823 nhân khẩu, dân tộc Thái chiếm 89%. Người ở bản hiện nay chủ yếu là người già và trẻ em vì người trẻ đã đi làm ăn xa. 

Ngoài việc động viên người dân tích cực phát triển chăn nuôi, trồng trọt, những nữ "thủ lĩnh" của bản Nam Sơn rất quan tâm đến việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Là địa bàn giáp biên, nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao nên một thời đã có tình trạng người nghiện ma túy, rượu chè gây mất an ninh trật tự trong bản. 

Từ khi 8 tổ tự quản và Câu lạc bộ "Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia" được thành lập và đi vào hoạt động, tình hình đã có những chuyển biến tích cực.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn