Đầu tháng 4/1975, Đặng Nhật Minh được phân công dẫn một đoàn vào miền Nam để làm phim tài liệu về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Khi ấy, quân ta đã giải phóng tới Nha Trang nên dù người ta thường gọi là đi B nhưng Đặng Nhật Minh và đoàn làm phim đã được đi ô tô vào thẳng miền Nam. Trước khi đi, ông được dặn dò về những khả năng xấu nhất sẽ xảy ra, nhưng ông không quan tâm nhiều vì lúc này ông đang hướng về Huế- nơi chôn nhau cắt rốn mà đã xa cách nhiều năm trời vì chiến tranh.
Mang trên vai balo như những chiến sĩ thực thụ và tình yêu vô bờ với quê hương, Đặng Nhật Minh tiến thẳng vào chiến trường, không hề sợ hãi. Dù rất nhớ quê, nhưng ông chỉ có thể lưu lại 2 ngày rồi lại tiếp tục phải tiến vào miền Nam.
Khi vào đến Phan Rang, nghe tin tình hình đang diễn biến rất nhanh, ông và đoàn làm phim nhanh chóng di chuyển vào Sài Gòn. Trưa ngày 30/4, Đặng Nhật Minh nghe đài được biết tổng thống Dương Văn Minh đã đầu hàng, ra lệnh binh sĩ hạ súng thì ông và ekip tức tốc lên đường. Chưa bao giờ Đặng Nhật Minh thấy xe lại di chuyển chậm đến thế. Không biết do đường tắc nghẽn hay bởi vì lòng ông đã tới Sài Gòn từ lâu.
Cảnh người dân Sài Gòn đón quân giải phóng. Ảnh Hứa Kiểm |
Sau nhiều giờ đồng hồ ngồi xe, cuối cùng Đặng Nhật Minh đã nhìn thấy ánh đèn sáng rực nơi Sài Gòn. Ông nhận thấy mình ngộp thở và không biết nên đi đâu. Cuối cùng, ông quyết định dẫn đoàn làm phim đến Dinh Độc Lập.
Trong một tư liệu, ông kể: “Họ cấm chúng tôi không được lên tầng hai nơi giam giữ nội các Dương Văn Minh, còn ngoài ra muốn vào đâu cũng được. Ngước nhìn lên nóc dinh Độc Lập, tôi thấy cả hai lá cờ Mặt trận: Một to, một nhỏ bay trong gió. Lá cờ nhỏ là lá cờ của chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Lá cờ to là lá cờ được giao cho cánh quân đánh từ Củ Chi lên mà người ta tưởng sẽ vào sớm nhất. Nào ngờ mũi xe tăng tiến theo quốc lộ 1 lại vào đầu tiên, không gặp trở ngại nào đáng kể. Không một chiếc cầu nào trên quốc lộ bị đánh sập”.
Các cô gái Sài Gòn thân tình nói chuyên, hỏi han bộ đội Cụ Hồ dù chưa một lần gặp mặt |
Nằm tại tầng 1 của Dinh Độc Lập mà ông không tài nào ngủ nổi và nghĩ đây chỉ là một giấc mơ. Đặng Nhật Minh quyết định dậy và thúc giục anh em trong ekip quay những thước phim đầu tiên. Trời tối, ánh sáng không đủ để thực hiện, cả ekip lùng sục mãi mới tìm được một đèn pha cầm tay của một phóng viên quay phim nào đó để lại trong phòng họp báo của Dinh Độc Lập. Chưa bao giờ niềm vui, hạnh phúc của đoàn lại lớn lao và hoà chung một nhịp như vậy. Điều đó được thể hiện trong từng thước phim.
1/5, đoàn của Đặng Nhật Minh cùng đoàn của đạo diễn Hải Ninh và Bùi Đình Hạc, Trần Vũ tỏa đi quay những cảnh Sài Gòn hân hoan sau giải phóng. Họ gặp gỡ rất nhiều phóng viên ngoại quốc tại khách sạn Caravelle. Các phóng viên ngoại quốc đến sớm hơn nên ghi lại được toàn bộ diễn biến sáng ngày 30/4 tại Sài Gòn. Có người còn quay được cả cảnh chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập.
Cảnh Dương Văn Minh nói những lời cuối cùng trước khi rời Dinh Độc Lập |
Sáng hôm sau, tất cả phóng viên trở lại Dinh Độc Lập để chứng kiến Tổng thống Dương Văn Minh nói những lời cuối cùng trước khi rời khỏi Dinh – dấu chấm hết cho chế độ cũ. Đặng Nhật Minh từng kể, từ sau khoảnh khắc đó, các nhà làm phim ùa xuống đường để quay thành phố chuyển mình trỗi dậy. Những cuộc tuần hành của thanh niên, sinh viên, cuộc sống người dân, những người ăn mày, gái mại dâm, các ổ xì ke được Đặng Nhật Minh và ekip tiếp cận. Nhiều ngày liền thực hiện bộ phim, Đặng Nhật Minh mới tin rằng Sài Gòn đã thực sự giải phóng, Bắc Nam đã về chung một nhà.
Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh |
Bộ phim tài liệu 'Tháng 5 – Những gương mặt' được thực hiện rất nhanh và 2 năm sau, Đặng Nhật Minh đã được trao giải thưởng Bông sen bạc (LHPVN lần thứ VI)-giải thưởng đầu tiên của ông trong điện ảnh.