Luật Bình đẳng giới (2006) và một số chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025; Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025 và Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025.
Phân tích số liệu tách biệt giới tính giai đoạn 2015-2019 trong Báo cáo "Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019" và "Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam" do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Vụ dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) và Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam công bố mới đây, cũng đã cho thấy những thành tựu nổi bật về bình đẳng giới trong các vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Việt Nam.
Có thể kể đến như: Tỷ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số đã giảm 4,7%; tỷ lệ hộ gia đình dân tộc thiểu số có kết nối internet (wifi, cáp hoặc 3G) tăng 9,4 lần, từ 6,5% năm 2015 lên 61,3% năm 2019; thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng của người dân tộc thiểu số năm 2018 đã tăng mạnh 1,8 lần so với năm 2014 và thu nhập trung bình hàng tháng của hộ gia đình dân tộc thiểu số có chủ hộ là nữ luôn cao hơn so với chủ hộ là nam.
Tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em dân tộc thiểu số tăng 15,2% trong giai đoạn 2015 và 2019; tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5% trong đó không có sự khác biệt giữa nam và nữ.
Trong những năm gần đây, các nội dung liên quan đến phát huy vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành trung ương đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện bằng các chương trình, đề án quan tâm, chăm lo cho đội ngũ lao động nữ.
Theo đó, tại nhiều địa phương, các cấp chính quyền đã dành sự quan tâm cụ thể, tạo điều kiện để phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các thị trường lao động, trong đó quan tâm nâng cao kỹ năng, năng lực cho lao động nữ thông qua các chương trình đạo tạo, dạy nghề. Hiện nay, lực lượng nữ dân tộc thiểu số tham gia vào các thị trường lao động, nhất là những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng, tay nghề cao ngày càng đông.
Phụ nữ dân tộc thiểu số không những vượt qua rào cản xã hội, dần thể hiện được quyền bình đẳng trong đời sống mà còn tham gia nhiều hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực trong xã hội. Cụ thể, lĩnh vực giáo dục - đào tạo, học sinh dân tộc tham gia học tập ngày càng đông, tỷ lệ học sinh nam, nữ không còn sự chênh lệch nhiều. Phụ nữ dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, hỗ trợ lao động việc làm và đồng bào dân tộc thiểu số đều có bảo hiểm y tế, được chăm sóc sức khỏe. Ở lĩnh vực kinh tế, chính trị, vai trò của phụ nữ ngày càng nâng cao vì chị em đã tích cực tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; làm tăng sản phẩm cho xã hội, thu nhập của gia đình.
Đánh giá về hiệu quả từ việc triển khai đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025", bà Hoàng Thị Hạnh - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, việc tổ chức triển khai thực hiện đề án đã nâng cao vị thế của phụ nữ người dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn