Xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An) mới được thành lập năm 2009. Đây là xã tập trung đồng bào dân tộc Thái - những người từ huyện Tương Dương chuyển về để nhường đất cho thủy điện Bản Vẽ.
Chị Lô Thị Thuận, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Lâm, cho biết, khi xã mới thành lập, sóng điện thoại "bập bõm", trong khi cả xã chỉ có 3 máy vi tính, các tổ chức chính trị- xã hội phải dùng chung 1 máy. Chiếc USB là vật không thể thiếu để sao lưu tài liệu, văn bản cấp trên gửi về, sau đó in ra và phát xuống từng bản. Từ khi sóng điện thoại được phủ khắp các bản làng và chiếc điện thoại thông minh trở nên phổ biến, công việc của chị Thuận đã thay đổi hoàn toàn.
Xác định ứng dụng CNTT rất cần thiết, Hội LHPN xã đã lập các nhóm trên mạng xã hội để triển khai các nội dung tuyên truyền, thông tin về hoạt động Hội đồng thời có thêm một kênh kết nối với hội viên, phụ nữ.
Mặc dù hội viên là người dân tộc thiểu số chậm tiếp cận CNTT nhưng cán bộ Hội đã tận tình hướng dẫn để tất cả các hội viên có thể sử dụng. Đến thời điểm hiện tại, 1058 hội viên phụ nữ hầu hết đã có điện thoại thông minh và sử dụng thành thạo các nền tảng xã hội. 100% Chi hội Phụ nữ trên địa bàn đã thành lập các nhóm Zalo, Messenger…
"Thông qua ứng dụng CNTT, các hoạt động của Hội được triển khai nhanh chóng, kịp thời hơn. Nếu như trước đây, mỗi lần có văn bản của cấp trên cần triển khai đến cán bộ, hội viên phụ nữ, chúng tôi phải tập hợp các chi hội trưởng để triển khai, phổ biến rồi chi hội trưởng có khi phải đến tận nhà hội viên, phụ nữ triển khai, vừa tốn giấy mực vừa mất nhiều thời gian thì nay chỉ cần có điện thoại thông minh, thông tin được triển khai rộng và nhanh.
Xã Ngọc Lâm có 6 bản, có bản cách trụ sở UBND xã 14 km, nhờ CNTT nên đã xóa nhoà khoảng cách địa lý", chị Thuận chia sẻ.
Bà Đinh Thị Hân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Chương, cho biết, thời gian qua, Hội LHPN từ huyện đến cơ sở đã tăng cường tuyên truyền, triển khai hoạt động của Hội và địa phương trên nền tảng số. Hội LHPN huyện hiện có 1 trang Fanpage, 12 nhóm Zalo; 38 xã, thị trấn đều có trang Facebook, Fanpage và Zalo.
Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức hoạt động, Hội LHPN huyện Thanh Chương đã tổ chức 2 đợt tập huấn về chuyển đổi số cho 120 lượt cán bộ Hội, hướng dẫn chị em sử dụng công nghệ để cập nhật thông tin, kiến thức, triển khai hoạt động Hội.
Bên cạnh đó, cán bộ Hội từ huyện đến cơ sở ứng dụng các phần mềm để xây dựng bài trình chiếu, phóng sự, video clip ngắn dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (sử dụng dẫn chương trình MC ảo, chuyển đổi chữ viết thành giọng nói) thay thế việc đọc bằng văn bản giấy.
Tuy nhiên, theo bà Hân, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội vẫn còn khó khăn khi cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số còn hạn chế. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành VNPT - iOffice liên thông từ huyện đến cơ sở chưa thực hiện được.
Huyện Quang Bình (Hà Giang) là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Pà Thẻn… Chị Nguyễn Thị Quyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quang Bình, cho biết, với đặc thù tập trung đông hội viên người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế gia đình của chị em còn kém phát triển, trình độ hạn chế, nhiều chị nói tiếng phổ thông còn chưa sõi, trước đây, mỗi lần sinh hoạt Hội, chi hội trưởng phải đến từng nhà hội viên để thông báo.
Nhờ khai thác nền tảng mạng xã hội, các chi hội trên địa bàn huyện đã thành lập nhóm Zalo để thông báo các hoạt động của Hội được nhanh gọn, thuận tiện hơn.
"Hội LHPN tỉnh Hà Giang xác định, ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội là một trong những khâu đột phá của nhiệm kỳ 2022-2027. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư nguồn lực cho công tác ứng dụng CNTT, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tin học, kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, hội viên, phụ nữ; đồng thời, triển khai hội nghị không giấy tờ, quét mã QR để nhận tài liệu hội nghị thay vì nhận tài liệu giấy", Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang Chu Thị Ngọc Diệp cho biết.
Trong công tác tuyên truyền, các cấp Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã khai thác các nền tảng trực tuyến một cách linh hoạt, hiệu quả thông qua nâng cấp, vận hành Trang thông tin điện tử, hệ thống Fanpage, nhóm Facebook, Zalo.
Hiện nay, trang Fanpage Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã thu hút 4,8 nghìn lượt theo dõi với hàng nghìn bài đăng tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến hội viên, phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới, các hoạt động Hội tại cơ sở.
Trong khi đó, tại huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi), việc ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số đã được triển khai sâu rộng và đạt được những kết quả rất tích cực. Chị Phạm Thị Trinh Nữ, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Long (huyện Sơn Tây), cho biết, Hội LHPN xã đang thực hiện phần mềm quản lý hội viên, giúp cho việc quản lý, tìm kiếm, thống kê số lượng hội viên được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Tại huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre), thời gian qua, Hội LHPN xã Vĩnh An đã tổ chức những hội nghị không giấy tờ. Thay vào đó, các đại biểu lấy tài liệu hội nghị bằng việc quét mã qua điện thoại. Các chi, tổ phụ nữ cũng thành lập nhóm trên ứng dụng Zalo để thông tin, triển khai các hoạt động của Hội, vừa đảm bảo nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Đặc biệt, Hội LHPN xã đã lập hộp thư để tiếp nhận, nắm bắt tâm tư của hội viên, phụ nữ; ghi nhận các ý kiến đề xuất giải pháp xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Chị Nguyễn Thị Mai Trúc, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh An, cho biết, thời gian đầu, việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội trên địa bàn xã gặp không ít khó khăn do đa phần hội viên, phụ nữ đều lớn tuổi, nhiều người chưa có điện thoại thông minh.
Để tháo gỡ khó khăn này, Hội đã vận động hội viên, phụ nữ tham gia tổ góp vốn xoay vòng để mua điện thoại thông minh, hướng dẫn hội viên cao tuổi biết cách sử dụng, tương tác trên các ứng dụng điện thoại, trang thông tin của các cấp Hội.
Theo chị Mai Trúc, việc ứng dụng CNTT đã giúp lan tỏa các hoạt động Hội địa phương. Hội viên, phụ nữ đi làm ăn xa cũng có thể theo dõi, cập nhật kịp thời thông tin. Việc tăng cường ứng dụng CNTT đã góp phần tăng tỷ lệ thu hút hội viên trên địa bàn xã, hiện đạt hơn 71% tổng số phụ nữ, tăng so với đầu nhiệm kỳ (61,6%).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn