Tại xã Thuần Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) hiện có 11 cán bộ và 15 công chức, đang dư thừa 5 người. Trước đây, 2 xã Thuần Lộc và Văn Lộc (sau sáp nhập thành xã Thuần Lộc) có hơn 40 cán bộ. Sau khi sáp nhập, về lý thuyết sẽ tinh gọn bộ máy còn một nửa nhưng thực tế sau gần 5 năm, số công chức ở xã Thuần Lộc vẫn đang dư thừa.
"Thời điểm mới sáp nhập, có 3 người về hưu trước tuổi, số đang đương chức sẽ "ghép" vào các phòng, ban. Lúc đó, Tư pháp xã có đến 7 người, đông hơn cả Tư pháp huyện. Văn phòng cũng có 7 người, Văn hóa xã hội 4 người.
Bây giờ một số cán bộ dôi dư đã được luân chuyển đi các xã khác nhưng vẫn dư 5 người. Văn phòng đang có 3 người, trong khi chỉ cần 1 người. Văn hóa xã hội dư 1 người; Tư pháp hộ tịch dư 1 người; Tài chính ngân sách dư 1 người; Kế toán dư 1 người", ông Đỗ Thanh Yên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thuần Lộc, thông tin.
Tại xã Yên Dương và xã Lĩnh Toại (huyện Hà Trung), vấn đề cán bộ đã sắp xếp xong thế nhưng nhiều người phải làm "trái nghề" so với trước. Đơn cử, trường hợp chị Nguyễn Thị Dung, công chức Văn hóa - xã hội phụ trách mảng Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thời điểm trước khi xã Hà Yên chưa được sáp nhập với xã Hà Dương để trở thành xã Yên Dương như bây giờ, chị Dung là Chủ tịch Hội LHPN xã Hà Dương.
Sau khi sáp nhập, chị Nguyễn Thị Đua, Chủ tịch Hội LHPN xã Hà Yên, tiếp tục giữ chức vụ này ở xã mới, trong khi đó chị Dung phải chuyển sang công việc mới.
"Năm 2010, tôi đã được tuyển vào xã Hà Yên, thời điểm vào làm cán bộ bán chuyên trách phụ trách Văn hóa xã hội mảng Lao động-Thương binh và Xã hội. Nhiều năm liền, tôi làm công việc đó cho đến năm 2018 mới giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã. Khi sáp nhập, do dôi dư cán bộ nên tôi lại được chuyển về làm công việc trước đây.
Gọi là vị trí mới nhưng thật ra công việc cũ nên tôi không bị bỡ ngỡ. Nếu bên Hội LHPN hoạt động phong trào, dân vận nhiều thì công việc hiện tại của tôi lại liên quan đến mảng chính sách, văn bản, pháp luật. Sau 5 năm làm công việc này, tôi nhận thấy mình phù hợp", chị Dung chia sẻ.
Không được suôn sẻ như chị Dung, anh Nguyễn Văn Thanh trước đây giữ chức vụ Xã đội trưởng xã Hà Toại. Tuy nhiên, khi xã này được sáp nhập với xã Hà Phú thành xã Lĩnh Toại thì anh Thanh phải chuyển sang làm cán bộ Văn phòng.
Trong khi đó, chị Trịnh Thị Hợp, Chủ tịch Hội LHPN xã Hà Phú trước đây, được chuyển sang làm công chức Văn hóa. Việc này buộc cả anh Thanh và chị Hợp phải đi bổ túc các lớp chuyên môn mới đảm đương được vị trí mới.
"Tôi được tuyển vào làm việc tại Văn phòng Đảng ủy xã Hà Phú năm 2011. Năm 2016, tôi được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã Hà Phú. Năm 2019, sau sáp nhập xã, tôi được chuyển sang làm công chức Văn hóa, phụ trách mảng văn hóa-xã hội, thể dục-thể thao, tôn giáo, chuyển đổi số...
Trước đây, tôi được đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ liên quan đến công tác Hội LHPN nên khi chuyển sang làm văn hóa, tôi phải đi đào tạo, tập huấn thêm về chuyên môn để đảm đương tốt công việc mới. Ngoài ra, tôi cũng đi học đại học về quản lý văn hóa và đã học xong", chị Hợp tâm sự.
Phải rời công việc quen thuộc, chị Hợp cho biết, bản thân cũng có sự tiếc nuối. Thế nhưng, sau 5 năm, chị đã quen và cảm thấy yêu công việc hiện tại. Dù bị mất đi khoản phụ cấp chức vụ nhưng theo chị Hợp, được tiếp tục cống hiến sau khi xã sáp nhập, không phải điều chuyển đi xã khác làm việc, đó là điều may mắn.
Theo thống kê của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2023, tỉnh Thanh Hóa có 995 công sở, nhà đất dôi dư. Trong đó, có 629 công sở, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị cấp xã, huyện, cấp tỉnh và 366 nhà văn hóa thôn, bản.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập 1 đơn vị cấp huyện và 147 đơn vị cấp xã. Vấn đề đặt ra là nếu không sớm có phương án xử lý triệt để thì tới đây con số dôi dư công sở ở tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng lên.
Trước đó, trong khi chờ UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định chính thức, nhiều trụ sở, nhà văn hóa dôi dư đã được tạm trưng dụng, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị làm khu cách ly, điều trị Covid - 19 trong thời gian dịch diễn biến phức tạp.
Một số cơ sở nhà, đất đã tạm thời bàn giao cho đơn vị mới quản lý, sử dụng. Đơn cử, công sở xã Hà Toại (cũ) thuộc huyện Hà Trung đang bàn giao cho Công an xã, dù chỉ có 7 người trong khi công sở này có 25 phòng làm việc.
Tại huyện Hậu Lộc cũng đang có hướng xử lý tương tự khi ông Đỗ Thanh Yên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thuần Lộc, cho biết, đã có chủ trương trụ sở xã Thuần Lộc cũ sẽ bàn giao cho Công an xã.
Trong khi đó, trạm Y tế xã dự kiến bàn giao cho Quân sự xã sử dụng nhưng lực lượng này… chỉ có 2 người trong khi trụ sở có 14 phòng làm việc. Vị Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Thuần Lộc nói rằng, việc bàn giao như thế là giải pháp trước mắt, tránh bỏ hoang công sở, gây lãng phí.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Quang Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, việc sắp xếp công sở, nhà đất dôi dư tại Thanh Hóa đang gặp một số khó khăn, như các quy định của Luật Quản lý sử dụng, tài sản công;
Luật Đất đai; các nghị định, thông tư có liên quan còn nhiều bất cập, quy định chưa rõ ràng hoặc chưa quy định nên ảnh hưởng đến việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công…
Tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào cuối năm 2023, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, thừa nhận tình trạng để công sở, nhà đất dôi dư kéo dài đã gây bức xúc cho người dân.
Ông Đỗ Minh Tuấn cho biết, việc sắp xếp các công sở dôi dư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được tập trung chỉ đạo trong năm 2024. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 31/12/2024, tỉnh phải cơ bản sắp xếp xong việc nhà đất dôi dư từ cơ quan cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.
Ngày 3/7/2024, tại họp báo công bố chương trình Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong khuôn khổ kỳ họp này, HĐND tỉnh Thanh Hóa sẽ tiến hành chất vấn 2 vấn đề.
Trong đó, đáng chú ý là chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tài chính tỉnh về thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục việc quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả tài sản dôi dư còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc xử lý tài sản công là các cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập thôn, xã, các đơn vị sự nghiệp công lập.
Với cán bộ dôi dư, theo đại diện Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, việc này phải được thực hiện theo đúng quy định và đề cao được tính nhân văn. Do vậy, giải quyết vấn đề dôi dư nên thực hiện trên tinh thần vận động, tự nguyện của cán bộ, công chức.
Để làm tốt điều này cần có cơ chế đảm bảo thỏa đáng với 2 mục tiêu cơ bản là: Hỗ trợ tinh giản biên chế để cán bộ, công chức tự sắp xếp công việc, cuộc sống và chuyển đổi nghề cho cán bộ, công chức sau sáp nhập.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn