Nhật ký chiến trường của một thầy giáo thương binh

15:57 | 20/11/2020;
Hơn 50 năm trước, khi viết những dòng chữ đầu tiên trong sổ tay nhật ký ở chiến trường miền Đông Nam bộ, thầy giáo Đinh Đức Lâm không thể ngờ được những trang sổ tay cũ nát với những dòng chữ đã nhòe mờ sau nửa thế kỷ, nay trở thành tài sản tinh thần của con cháu ông và sẽ là di sản cho cộng đồng.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Tủ sách "Mãi mãi tuổi 20" và Nhà xuất bản Thanh Niên đã ra mắt tác phẩm "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" của tác giả Đinh Đức Lâm, nguyên Hiệu trưởng trường PTCS xã Tiên Động (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Đây là tập nhật ký thời chiến đầu tiên của Tủ sách "Mãi mãi tuổi 20" mà tác giả là một thầy giáo làng, từng "xếp bút nghiên" lên đường ra trận trong những năm gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những trang nhật ký chiến trường của một thầy giáo thương binh - Ảnh 1.

Thầy giáo Đinh Đức Lâm (bìa trái) và nhà thơ Đặng Vương Hưng

Nhà giáo, cựu chiến binh, thương binh Đinh Đức Lâm còn có tên khác là Đinh Văn Sai, sinh năm 1945, trong một gia đình nông dân ở xã Tiên Động (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương). Mồ côi cha từ khi còn chưa ra đời, cậu bé Sai lớn lên cùng người anh trai Đinh Đắc Khâm và chị gái Đinh Thị Lai, do một vai người mẹ nghèo nuôi dưỡng. Lớn lên, chỉ một mình cậu bé Sai được đến lớp học hết cấp II rồi được cử đi học trường Trung cấp Sư phạm tại Hải Dương. Sau đó, được phân công về dạy tại trường cấp II xã Thanh Hồng (huyện Thanh Hà, Hải Dương).

Đấy là những năm 1965-1968, đế quốc Mỹ bắt đầu đưa quân đổ bộ vào miền Nam và cho không quân ném bom đánh phá miền Bắc nước ta. Là một đảng viên trẻ, thầy giáo Đinh Đức Lâm tình nguyện nhập ngũ và lên đường vào chiến trường B đầu năm 1969. Sau 5 tháng hành quân vượt Trường Sơn, vòng qua Lào, Campuchia, Đinh Đức Lâm đã cùng đồng đội vào tới B2, tức chiến trường miền Đông Nam bộ, được biên chế vào Sư đoàn 9, một trong những sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam.

Vừa đặt chân đến mặt trận chưa được bao lâu, Đinh Đức Lâm đã cùng đơn vị liên tục tham gia 5 trận chiến đấu với địch và nhiều lần giáp mặt với cái chết. Trong những tháng ngày cam go ấy, anh vẫn tranh thủ viết nhật ký. Trang nhật ký đầu tiên anh viết ở chiến trường là vào ngày 21/7/1969.

Tái hiện cuộc sống của chiến sĩ quân giải phóng

Nhà thơ Đặng Vương Hưng, người biên soạn cuốn "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" đã chia nhật ký thành 12 phần và đặt tên cho mỗi phần để độc giả dễ tiếp cận. Đó là các phần: Những đêm cõng bạn lạc rừng, Đến lượt tôi bị thương và lại bị lạc rừng như thế, Những ngày nằm Viện K24 miền Đông Nam bộ...

Những trang nhật ký chiến trường của một thầy giáo thương binh - Ảnh 2.

Bìa cuốn sách "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng"

Qua những trang nhật ký của Đinh Đức Lâm, chúng ta có thể hình dung ra phần nào cuộc sống, sinh hoạt của một chiến sĩ bộ đội quân giải phóng. Đặc biệt, nửa sau của nhật ký đã mô tả rất rõ chặng đường hành quân từ chiến trường miền Đông Nam bộ ra Bắc... "Nếu như những tác phẩm nhật ký thời chiến mà chúng tôi đã biên soạn trước đây, hầu hết là mô tả những khó khăn, vất vả, gian nguy của người chiến sĩ khi vượt Trường Sơn hành quân vào chiến trường miền Nam thì đến nhật ký của thầy giáo thương binh Đinh Đức Lâm đã mô tả tâm trạng của những người lính trên chặng đường ngược lại: Từ Nam ra Bắc!", nhà thơ Đặng Vương Hưng cho biết.

Hòa bình lập lại, người lính Đinh Đức Lâm trở lại với công việc dạy học. Với một phần tư thế kỷ cống hiến cho nghề giáo, thầy giáo thương binh Đinh Đức Lâm đã dạy nhiều thế hệ học sinh và có nhiều người đã thành đạt. Ba người con của ông nay đều là niềm tự hào của quê hương Tiên Động.


Nhật ký "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" được tác giả Đinh Đức Lâm khép lại trang viết cuối cùng vào ngày 3/3/1973. Đó chính là một ngày vui khi gia đình ông bất ngờ nhận được tin người anh cả Đinh Đắc Khâm không hy sinh như giấy báo tử vào năm 1972. Sự thật là ông Khâm đã bị thương trong một trận đấu ác liệt rồi bị địch bắt làm tù binh, giam giữ ở Phú Quốc. Để độc giả hiểu rõ hơn về cuộc đời của ông Đinh Đắc Khâm, phần sau của tập sách "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" được đưa thêm vào tự truyện "Một liệt sĩ sống lại" của người cựu tù binh Phú Quốc này. Điều thú vị là tác giả của tự truyện này chưa hề đến trường một ngày nào. Tới năm 12 tuổi, ông mới tự đi học ở nhà một người hàng xóm. Khi là tù binh trong Trại giam Phú Quốc, ông Khâm đều đặn dành mỗi ngày 2 tiếng đồng hồ tự học văn hóa.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn