Cải thiện thị trường nội địa
Mới đây, Singapore đã quyết định gỡ bỏ các giới hạn biên giới đối với du khách đến từ Australia (trừ bang Victoria) và Việt Nam. Từ 12h ngày 1/10, du khách từ Australia (trừ bang Victoria) và Việt Nam có thể đăng ký Thẻ thông hành đường hàng không (ATP) để nhập cảnh Singapore trong hoặc sau ngày 8/10/2020. Du khách có thể đăng ký ATP một lần và hoàn toàn miễn phí, trong khoảng 7 đến 30 ngày trước lịch trình nhập cảnh vào Singapore.
Trước đó, từ ngày 8/9, Singapore cũng đã dỡ bỏ các hạn chế biên giới đối với du khách từ Brunei và New Zealand. Trong ngành du lịch Singapore, du lịch quốc tế đóng góp khoảng 90% doanh thu nên việc Singapore có những động thái nới lỏng với khách quốc tế là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch của Singapore, đây là biện pháp mang tính dài hơn bởi du lịch quốc tế có thể phải mất từ 3 đến 5 năm để trở lại mức trước đại dịch. Ngay cả khi vaccine ngừa Covid-19 sớm xuất hiện thì mọi người vẫn cần có thời gian để thích nghi, xóa bỏ sự e ngại.
Để gặt hái được những thành công trong thời gian ngắn nhất, Singapore cần phải đẩy mạnh du lịch nội địa. Trong nhiều năm qua, người dân Singapore có xu hướng thờ ơ với du lịch trong nước. Họ sẵn sàng hào phóng mở hầu bao khi đi du lịch nước ngoài, nhưng lại chi tiêu dè xẻn khi tham quan những địa điểm trong nước.
Theo ông Keith Tan, Giám đốc điều hành của Tổng cục Du lịch Singapore (STB), đã đến lúc các doanh nghiệp lữ hành Singapore phải tập trung cho thị trường nội địa. Họ phải đổi mới, phát triển những tour du lịch độc lạ tại những điểm đến hấp dẫn trong nước để thu hút các công dân Singapore.
Ông Tan phát biểu: "Chúng ta cần phát triển nội dung độc đáo của từng địa phương để thực sự thu hút được sự quan tâm của du khách. Chỉ có điều này mới khiến khách hàng từ bỏ thói quen lười chi tiêu khi du lịch trong nước".
Trong khi đó, ông Kevin Cheong, Chủ tịch Hiệp hội các điểm du lịch Singapore (ASA) kêu gọi các nhà khai thác đưa ra những chính sách ưu đãi tối đa cho khách hàng, đặc biệt là vấn đề giá cả, để phát triển thị trường du lịch nội địa.
Vấn đề nguồn nhân lực
Singapore là một quốc gia nhỏ với lực lượng lao động hạn chế về số lượng, nên rất cần thêm lao động nước ngoài để bổ sung cho các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Theo thống kê của Bộ Nhân lực Singapore, lao động nhập cư chiếm 1/3 nguồn nhân lực tại quốc gia này.
Do ảnh hưởng của Covid-19, Singapore phải đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng, kèm với đó là nạn thất nghiệp tăng cao. Chính phủ Singapore hiểu rất rõ sự lo lắng của người dân trong nước khi phải cạnh tranh công việc với người nước ngoài, nhất là đối với ngành dịch vụ như du lịch, vốn có thói quen ưu tiên những lao động trẻ.
Singapore hiện đang nỗ lực giúp đỡ người lao động tìm việc làm và tiếp thu những kỹ năng mới. Chính phủ nước này cũng đã triển khai Chương trình hỗ trợ việc làm (JSS) và Chương trình Cứu trợ Thu nhập người Lao động tự do (SIRS) nhằm giảm thiểu gánh nặng cho người lao động và cả những người sử dụng lao động.
Hội Liên hiệp Lao động Quốc gia Singapore (NTUC) cũng đang phối hợp với các chủ sử dụng lao động để tổ chức các chương trình đào tạo việc làm và chiến lược phát triển nhân lực, nhằm đảm bảo cho mọi công nhân đều được "tôn trọng và đối xử công bằng, ngay cả khi họ bị mất việc làm". Ngoài ra, Chính phủ Singapore đã đề nghị các chủ sở hữu lao động nỗ lực hết sức trong việc giữ chân người lao động và không sa thải họ vì những khó khăn, ảnh hưởng từ Covid-19.
Mặc dù vậy, để cân bằng lợi ích giữa lực lượng lao động bản địa (vốn đang bị già hóa nghiêm trọng) và lao động nhập cư trẻ trung, không phải là điều đơn giản đối chính phủ Singapore. Theo các chuyên gia, đến năm 2030, dân số Singapore đạt khoảng 6,5 - 6,9 triệu người, trong đó người nhập cư chiếm 45% và vấn đề nguồn nhân lực tại quốc gia này càng phức tạp hơn.
Mối đe dọa từ chính Covid-19
Tính đến hết ngày 30/9/2020, Singapore có hơn 57.000 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 27 ca tử vong. Singapore được coi là một trong những quốc gia kiểm soát bệnh dịch hiệu quả trên thế giới. Mặc dù vậy, Chính phủ nước này vẫn phải đối mặt với những thách thức bởi Covid-19.
Mới đây, Chính phủ Singapore quyết định không sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh Covid-19 vì thiết bị này có thể bỏ sót những ca dương tính. Các bộ xét nghiệm nhanh có thể xác định được một người có bị nhiễm Covid-19 hay không trong vài phút, hiện không được sử dụng tại Singapore vì chúng không đủ nhạy để phát hiện mọi trường hợp nhiễm bệnh.
Theo Phó Giáo sư Raymond Lin, Giám đốc Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng Quốc gia tại Trung tâm Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm (NCID), các mẫu xét nghiệm này có thể cho ra kết quả âm tính giả và bỏ sót những trường hợp nhiễm bệnh.
Ông Lin chia sẻ thêm: "Bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh kháng nguyên hiện có có thể bỏ sót các trường hợp dương tính với tỉ lệ 1/6, hoặc thậm chí nhiều hơn. Nếu bỏ sót các trường hợp dương tính, nguy cơ bùng phát dịch sẽ ngày càng tăng cao".
Phương pháp xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) đáng tin cậy hơn nhưng toàn bộ quá trình, từ việc bắt đầu lấy mẫu, gửi mẫu đến phòng thí nghiệm và chính quá trình PCR, có thể tiêu tốn thời gian lên đến một ngày. Xét nghiệm này cũng tốn kém, yêu cầu nhân viên được đào tạo và cần thiết bị chuyên dụng để quản lý.
Bên cạnh đó, xét nghiệm huyết thanh học là phương pháp phát hiện sự hiện diện của kháng thể, chủ yếu được sử dụng để biết liệu một người đã bị nhiễm bệnh trong quá khứ hay chưa. Các xét nghiệm này không được dùng để chẩn đoán bệnh nhân nhiễm virus.
Việc dự đoán sai có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tiêu biểu như âm tính giả có thể tạo ra các đợt bùng phát mới, trong khi dương tính giả gây thêm căng thẳng cho hệ thống bệnh viện và khả năng chi trả của bệnh nhân.
Nói tóm lại, khi mà Singapore vẫn gặp khó khăn trong quá trình xét nghiệm Covid-19 và vaccine ngừa virus corona vẫn chưa xuất hiện thì nền kinh tế nói chung và ngành du lịch Singapore nói riêng vẫn chưa thể bình phục hoàn toàn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn