Những vấn đề giới cần quan tâm trong và sau đại dịch Covid-19

20:16 | 24/08/2022;
Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương và chịu tác động tiêu cực nhiều nhất trong đại dịch Covid-19. Hội LHPN Việt Nam đã nhận diện một số vấn đề giới cần quan tâm trong và sau đại dịch.

Tại diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 9 với chủ đề "COVID-19 dưới góc độ giới: Trải nghiệm của phụ nữ và đáp ứng chính sách ở Hàn Quốc và Việt Nam" diễn ra chiều 24/8, bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Gia đình Xã hội, Hội LHPN Việt Nam cho biết, Hội LHPN Việt Nam và các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống "tương thân, tương ái", tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 bằng tất cả khả năng, thế mạnh riêng.

Những vấn đề giới cần quan tâm trong và sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Gia đình Xã hội, Hội LHPN Việt Nam (thứ hai từ trái qua) chia sẻ tại diễn đàn.

Những sáng kiến của Hội LHPN Việt Nam trong đại dịch

Thứ nhất, bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, TW Hội LHPN Việt Nam đã ban hành kịp thời trên 30 loại văn bản chỉ đạo liên quan, vận động xã hội, hỗ trợ các cấp Hội tham gia phòng chống dịch, hỗ trợ phụ nữ, hội viên khắc phục thiệt hại do Covid-19. Toàn bộ công tác chỉ đạo, điều hành của Hội được ứng dụng CNTT triệt để.

Thứ hai, TW Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều sáng kiến tuyên truyền, vận động phụ nữ và người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả với hàng trăm ngàn cuộc truyền thông; phát gần 4 triệu tờ rơi; hơn 1,3 triệu tin, bài.

100% các cấp Hội phụ nữ trên toàn quốc đã tổ chức tuyên truyền tới đông đảo hội viên, phụ nữ và nhân dân (trực tiếp qua loa tay truyền thanh trên xe đạp, đăng tải thông tin trên cổng thông tin, web, báo của Hội, phát tờ rơi, hướng dẫn cách khử trùng, làm sạch môi trường, kỹ năng rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang đúng cách…), kịp thời nắm tình hình tư tưởng, tâm tư của cán bộ, hội viên phụ nữ. Chủ động tiếp cận địa bàn đông người như các xóm trọ, chợ, trung tâm hành chính của các địa phương.

Thứ ba, TW Hội LHPN Việt Nam đã phát huy sáng kiến vận động nguồn lực, chủ yếu là nội lực, các giải pháp hỗ trợ phòng chống dịch; Chăm lo hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ trẻ em, địa phương bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong đó, Hội đã phối hợp tổ chức chiến dịch "Nâng niu giá trị nông sản Việt - Kết nối nông sản - san sẻ yêu thương" cùng cộng đồng hỗ trợ tiêu thụ trên 40 ngàn tấn nông sản, trị giá trên 130 tỷ đồng (hơn 5,6 triệu đô la Mỹ).

Chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương", phát động phong trào "Phụ nữ cả nước vì miền Nam ruột thịt" đã vận động được gần 300 tỷ đồng (~ 13 triệu đô la Mỹ) tương đương gần 1 triệu phần quà với nhiều nhu yếu phẩm như: thức ăn, rau quả, thực phẩm các loại, đặc biệt băng vệ sinh, bỉm trẻ em, người già trong khu cách ly tâp trung và giãn cách xã hội...

Những vấn đề giới cần quan tâm trong và sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Hội LHPN huyện Đại Lộc (Quảng Nam) nhận đỡ đầu trẻ mồ côi.

Chương trình "Mẹ đỡ đầu" được phát động vào tháng 10/2021 nhằm hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do dịch Covid và trẻ mồ côi khó khăn do nguyên nhân khác. Sau 8 tháng triển khai, chương trình đã vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu 10.937 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 2.000 trẻ mồ côi do Covid-19. Tổng số tiền/quà vận động qua các kênh trên địa bàn cả nước trên 43 tỷ đồng (~ hơn 1,8 triệu USD) để đỡ đầu các con trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Thứ tư, vận động chính sách và tham gia giám sát chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng có liên quan yếu tố giới. Trong đó, Hội đã trực tiếp tham gia và tổ chức giám sát tại địa phương việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Phụ nữ đối mặt với mất việc, bị lạm dụng và xâm hại

Bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Gia đình Xã hội, Hội LHPN Việt Nam cũng cho rằng, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương và chịu tác động tiêu cực nhiều nhất trong đại dịch Covid-19. Hội LHPN Việt Nam đã nhận diện một số vấn đề giới cần quan tâm trong và sau đại dịch.

Đó là trình độ học vấn và tay nghề hạn chế khiến phụ nữ khó tiếp cận với quá trình chuyển đổi số. Trách nhiệm công việc gia đình tăng cao do vừa phải đồng hành cùng con học online, vừa phải chăm sóc người thân trong khi thu nhập bị ảnh hưởng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của phụ nữ.

Đặc biệt, số phụ nữ mất việc làm, thu nhập sụt giảm do Covid gặp không ít khó khăn trong phục hồi sinh kế và tái lập lại cuộc sống khi về quê nhà. Vấn đề lạm dụng và xâm hại phụ nữ, trẻ em trên không gian mạng, bạo lực gia đình có xu hướng tăng. Tổn thương về tinh thần của các thành viên trong gia đình có người mất trong dịch, nhất là trẻ mồ côi…

Những vấn đề giới cần quan tâm trong và sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Các đại biểu tại đầu cầu Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại diễn đàn Phụ nữ Việt Nam – Hàn Quốc lần thứ 9 với chủ đề "COVID-19 dưới góc độ giới: Trải nghiệm của phụ nữ và đáp ứng chính sách ở Hàn Quốc và Việt Nam".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn