Làn da của trẻ em thường nhạy cảm hơn so với người lớn, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Vào mùa đông, trẻ thường gặp các vấn đề về da do việc vệ sinh không thường xuyên, ảnh hưởng từ thời tiết, vi khuẩn - virus gây bệnh về da phát triển mạnh.
Viêm da cơ địa là một loại chàm, một tình trạng da mãn tính khiến da bị ngứa và viêm. Theo một nghiên cứu năm 2017, khoảng 15 đến 20% trẻ em sống ở các quốc gia công nghiệp hóa bị viêm da cơ địa. Đặc biệt, vào mùa đông da không được chăm sóc phù hợp, tình trạng diễn ra phổ biến hơn.
Các triệu chứng của viêm da cơ địa ở trẻ như:
- Đỏ hoặc phát ban đỏ, ngứa
- Da khô, có vảy
- Vết loét có thể mở và chảy nước hoặc đóng vảy
- Đôi khi, các triệu chứng sẽ bắt đầu như da khô, cuối cùng đỏ lên và phát ban.
Khi trẻ bị viêm da cơ địa, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện da liễu để kiểm tra mức độ bệnh lý, điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để làm giảm triệu chứng và giúp con thoải mái hơn như:
- Cho trẻ tắm nước ấm và sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng.
- Cắt móng tay của con bạn để trẻ không thể làm tổn thương da nếu gãi.
- Thoa kem dưỡng ẩm cho trẻ thường xuyên
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, tránh việc bó sát vào da làm tình trạng trầm trọng thêm
Phát ban (mày đay) phổ biến ở trẻ em, đặc biệt vào mùa lạnh. Bệnh có thể là tình trạng cấp tính (kéo dài từ vài giờ đến 6 tuần) hoặc mãn tính (bệnh kéo dài trên 6 tuần). Các triệu chứng bao gồm sưng và xuất hiện các mảng da đỏ, ngứa, sốt nhẹ, chán ăn, quấy khóc, khó ngủ.
Mày đay ở trẻ nhỏ khá nguy hiểm vì có thể gây sốc phản vệ, nhiễm trùng da, phù mạch, khó thở, thanh quản co thắt... Vì vậy, khi trẻ bị mày đay, cha mẹ không nên chủ quan mà cần đưa con đến bệnh viện để thăm khám.
Để điều trị mày đay ở trẻ, cha mẹ nên tuân thủ theo hướng dẫn điều trị từ bác sĩ. Điều quan trọng là loại bỏ được nguyên nhân gây bệnh, có thể do dị ứng thực phẩm, thời tiết, côn trùng đốt... Bác sĩ có thể kê các loại thuốc như thuốc kháng histamin có thể kiểm soát cơn ngứa và làm chậm sự lây lan của phát ban.
Để giúp trẻ thoải mái và làm giảm các triệu chứng của mày đay, cha mẹ nên:
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với nhiệt và ánh nắng mặt trời.
- Chườm lạnh cho trẻ
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với các chất tẩy rửa, sản phẩm có nhiều hương liệu
- Tránh xa với những chất nghi ngờ gây dị ứng
- Khuyến khích trẻ không nên gãi, cào mạnh vào da
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái
Khô da là tình trạng vấn đề về da mà trẻ dễ gặp vào mùa đông. Khô da sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng viêm da cơ địa, viêm da dị ứng...
Hơn nữa, khô da sẽ khiến cho trẻ khó chịu, ngứa ngáy, nếu để tình trạng lâu ngày có thể khiến da bị đỏ rát, nứt nẻ.
Mặc dù không quá nghiêm trọng nhưng tình trạng khô da ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Vì vậy, khi xuất hiện tình trạng này, cha mẹ nên có những biện pháp để cải thiện tình trạng da cho trẻ như:
- Thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên cho trẻ
- Không tắm cho trẻ bằng nước quá nóng hoặc tắm quá lâu.
- Khi ra ngoài trong thời tiết lạnh nên đeo khẩu trang hoặc tránh gió lùa vào mặt trẻ.
Chăm sóc da cho trẻ vào mùa đông một cách phù hợp sẽ giúp trẻ phòng được các bệnh về da như chàm, mày đay, mụn nhọt… Sau đây là một số lưu ý cho cha mẹ trong vấn đề chăm sóc da cho con:
- Nên tắm cho trẻ thường xuyên: Nhiều cha mẹ lo ngại trời lạnh tắm nhiều cho con sẽ dẫn tới cảm, ốm. Tuy nhiên, cảm cúm hoặc cảm lạnh là do virus gây ra. Vì vậy, cha mẹ nên tắm rửa cho trẻ thường xuyên, tắm cho trẻ bằng nước ấm, trong môi trường kín gió. Sau khi tắm xong lau khô người cho trẻ ngay sau đó, có thể dùng thêm máy sưởi để trẻ không bị lạnh.
Vào những ngày nền nhiệt xuống quá thấp, cha mẹ có thể chỉ cần lau người cho con, nhưng vẫn nên thay quần áo, tất, mũ cho trẻ.
- Sử dụng các loại sữa tắm dịu nhẹ, dành cho trẻ nhỏ, đặc biệt tránh các sản phẩm có quá nhiều hương liệu.
- Dưỡng ẩm cho trẻ thường xuyên, tránh để da quá khô dẫn tới nứt nẻ, khô ráp.
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, nhất là phòng ngủ của con. Nếu để trẻ sống trong môi trường ẩm ướt, bí bách vừa khiến trẻ dễ bị viêm da, vừa gặp các bệnh về đường hô hấp.
- Quần áo, chăn màn, đồ chơi của trẻ nên được vệ sinh thường xuyên
- Rèn luyện cho trẻ thói quen uống nhiều nước, đối với trẻ sơ sinh có thể cho bé bú nhiều hơn.
- Cung cấp cho trẻ chế độ ăn uống đầy đủ, nên bổ sung nhiều thực phẩm chứa nhiều nước như các loại quả mọng, rau xanh…
- Nên mặc cho trẻ những bộ đồ thoải mái, tránh bó sát vào da.
Có thể nói, trẻ nhỏ có làn da rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Để phòng ngừa các bệnh về da hoặc làm giảm các triệu chứng của các bệnh về da ở trẻ, điều quan trọng là giữ độ ẩm cho da, cân bằng chế độ ăn uống và hạn chế để trẻ tiếp xúc với các đồ vật, môi trường ô nhiễm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn