Bác sĩ Chuyên khoa 2 Hà Cẩm Thương (Khoa khám sản tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết, có nhiều phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp nội tiết...
Các phương pháp này có thể được sử dụng phối hợp với nhau và sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Cụ thể, việc điều trị này sẽ ảnh hưởng đến buồng trứng vì làm giảm khả năng phóng noãn; ảnh hưởng đến sự sản xuất hormone sinh dục…
Nhưng sau khi hết điều trị, tác dụng phụ sẽ dần biến mất. Khoảng 30% người bệnh có thể có kinh nguyệt trở lại sau 6 - 12 tháng. Một số thuốc hoá trị, nhất là với những người bệnh dùng liều cao có thể gây suy buồng trứng vĩnh viễn, gây mãn kinh sớm.
Đối với khả năng sinh sản, bác sĩ Cẩm Thương cho hay, sau khi hoá trị, buồng trứng có thể bị ảnh hưởng tạm thời hoặc suy buồng trứng vĩnh viễn, dẫn đến vô sinh. Điều này phụ thuộc vào các yếu tố như:
loại thuốc hoá trị (một số loại thuốc hoá trị sẽ có nguy cơ gây ra vô sinh cao hơn một số thuốc khác); liều lượng thuốc hoá trị càng cao thì càng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Phụ nữ lớn tuổi sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với phụ nữ trẻ tuổi.
Để dự phòng các tác dụng phụ, trước khi điều trị ung thư, tuỳ theo mong muốn của người bệnh mà áp dụng các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản như: Trữ lạnh trứng đối với những người bệnh chưa lập gia đình, khả năng trứng sống và sử dụng sau trữ lạnh là 80%.
Trữ lạnh phôi đối với phụ nữ đã lập gia đình hoặc với những phụ nữ muốn làm mẹ đơn thân bằng cách dùng trứng của mình kết hợp với mẫu tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng để tạo phôi và lưu trữ lại.
Trữ mô buồng trứng đối với trường hợp phải cắt bỏ buồng trứng, để trong tương lai không xa, có thể ghép lại chính mô đó vào cơ thể người phụ nữ, giúp duy trì nội tiết và có thể có thai từ các trứng có trong mô trữ đó.
Một số trường hợp ung thư giai đoạn nặng, cần phải điều trị ngay lập tức thì khả năng bảo tồn khả năng sinh sản là không thể. Vì vậy, bác sĩ Cẩm Thương khuyên người bệnh ung thư nên trao đổi với bác sĩ để có phác đồ phù hợp, nhằm đảm bảo việc điều trị tốt bệnh ung thư, vừa có thể bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai.
Sau điều trị ung thư, người bệnh cần chú ý đảm bảo sức khỏe liên quan đến thay đổi nội tiết như: duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên, giữ tinh thần lạc quan. Nếu có biểu hiện khác thường, cần đi khám và điều trị ngay.
Bác sĩ Cẩm Thương cũng lưu ý một số vấn đề về sức khỏe sinh sản sau điều trị ung thư như: Dùng bao cao su trong quan hệ tình dục vì hóa chất có thể có trong dịch âm đạo. Hóa chất cũng có thể gây ra bất thường cho thai nhi, do vậy người bệnh phải sử dụng biện pháp tránh thai trong quá trình điều trị và sau điều trị ít nhất 6 tháng.
Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến ở phụ nữ. Vì vậy, vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm là liệu điều trị ung thư có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không? Bác sĩ cho biết, không phải tất cả phương pháp điều trị ung thư vú đều ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Nếu người bệnh chỉ cần phẫu thuật, xạ trị và không cần hóa trị, việc điều trị sẽ không ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản. Khả năng sinh sản sau hóa trị phụ thuộc phần lớn vào độ tuổi của người bệnh cũng như loại thuốc và liều lượng thuốc hóa trị được sử dụng trong điều trị. Ở phụ nữ, khi càng lớn tuổi, trứng càng kém chất lượng hơn và cuối cùng ngừng sản xuất trứng ở thời kỳ mãn kinh.
Phụ nữ trên 40 tuổi có nhiều khả năng bị mãn kinh sau khi điều trị bằng hóa trị. Ngoài ra, hóa trị cũng làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Vì vậy, các bác sĩ khuyên nên áp dụng biện pháp tránh thai không nội tiết tố trong suốt quá trình hóa trị để người bệnh không mang thai trong khi điều trị.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn