Những Vệ út tuổi lên 10 trong ngày Toàn quốc kháng chiến

12:21 | 17/12/2016;
Ít ai biết, sát cánh cùng những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô đương đầu với giặc Pháp mùa đông năm 1946 là một lực lượng đặc biệt, được gọi với cái tên thân thương ‘Vệ út’. Đó là những thiếu niên nhỏ tuổi nhưng có tinh thần chiến đấu cao ngút trời.

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, những Vệ quốc quân của Trung đoàn Thủ đô đã lập chiến lũy giữa Hà Nội đương đầu với quân Pháp để Chính phủ lâm thời rút lên chiến khu Việt Bắc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Vệ út chính là những chiến sĩ cảm tử quân nhỏ tuổi trong lực lượng Vệ quốc quân. Tên gọi ‘Vệ út’ mang ý nghĩa: ‘Vệ’ trong đội Vệ quốc quân, còn ‘út’ chính là người em nhỏ tuổi, bởi có những chiến sĩ khi ấy tuổi mới lên 10.

Đó là những đứa trẻ nghèo, mồ côi bán báo, bán bánh mì hay đánh giày lang thang không nhà cửa trên những hè phố Hà Nội kiếm sống. Trận đói lịch sử năm 1945 đã đẩy những đứa trẻ phiêu bạt về hội tụ ở xóm lao động nghèo Phúc Tân, Phúc Xá ven sông Hồng cho đến khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ.

 Những Vệ út trong mùa đông 1946.

Những năm tháng tuổi thơ sống cùng nhau trên bãi Phúc Tân là mái nhà chung đầu tiên của rất nhiều Vệ út trước khi trở thành chiến sĩ cảm tử quân nhỏ tuổi. Bãi Phúc Tân khi ấy là một doi đất nổi lên giữa sông Hồng với hơn 100 túp lều tranh tre tạm bợ của người lao động nghèo và cũng là nơi tiếp nhận hàng chục đứa trẻ bất hạnh từ khắp nơi dạt đến. Những đứa trẻ này dần dần quen nhau và trở nên thân thiết như anh em một nhà. Ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bãi Phúc Tân lửa sáng rực trời. Quân Pháp đã đốt cháy những căn nhà lá ven sông để chặn đường tiếp tế từ bên ngoài vào Thủ đô. Lệnh tản cư kháng chiến được ban hành, hàng vạn người dân Hà Nội lặng lẽ rời Thủ đô về các tỉnh vùng sau lưng địch như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình... Song, những đứa trẻ bãi Phúc Tân lại tìm cách ở lại Hà Nội, tìm đến các chiến lũy để chiến đâu. ‘Chúng tôi còn quá nhỏ để hiểu và định hình về sự ác liệt của chiến tranh nên không run sợ trước lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết. Lúc đó, chúng tôi chỉ mong được ở lại để tham gia quân đội, chiến đấu và đánh bại những kẻ đã đốt nhà mình’, bà Vũ Thị Nhâm, nữ Vệ út duy nhất và lớn tuổi nhất của Trung đoàn Thủ đô, nhớ lại. Có lẽ tuổi thơ khó khăn chính là động lực để khi Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến, những Vệ út này đã tìm mọi cách ở và trở thành chiến sĩ liên lạc của Trung đoàn thủ đô. Vào lúc này, có hơn 170 em nhỏ ở Hà Nội đã trở thành Vệ út.

Ông Nguyễn Văn Phúc, khi ấy mới 11 tuổi, một trong những Vệ út đầu tiên làm liên lạc cho Đại đội 1, Tiểu đoàn 101 (Trung đoàn Thủ đô), kể: ‘Những đêm đầu không có chăn chiếu, những đứa trẻ bãi Phúc Tân nằm co ro rét mướt ở hiên nhà. Nhưng đêm sau, có một anh đem đến cho mấy đứa một chiếc chiếu đắp đỡ rét. Rồi một ngày, anh đó đưa cho những đứa trẻ một bức thư trong có những ký hiệu lạ: đầu tiên là hình tháp rùa, phía sau là mũi tên và hình chiếc tàu điện, tiếp theo là hình chiếc cầu có ghi thêm một từ ‘giấy’, cuối cùng là hình một ngôi đền phía trước có thêm hình con voi. Suy luận mãi chúng tôi mới hiểu ý: lên bờ hồ đi tàu điện đến Cầu Giấy để đến đền Voi Phục. Ngay tối hôm ấy, 3 đứa được kết nạp vào Đội thiếu niên Hoàng Văn Thụ mới biết người nói chuyện với mình hằng đêm là anh Phong Nhã, phụ trách Đội thiếu nhi kháng chiến Hà Nội lúc bấy giờ. Sau đó, tôi được vào hàng ngũ Vệ quốc quân làm liên lạc cho Tiểu đoàn 101 chiến đấu bảo vệ Bắc bộ phủ’. Tham gia đội quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đeo khăn quàng đỏ và huy hiệu tháp rùa trên vai, những Vệ út xác định sẽ sống chết ở Thủ đô.

Ngày đầu tiên trong đội quân cảm tử, Vệ út Phúc được các anh chị dành cho một chiếc áo sơmi màu cỏ úa. ‘Chiếc áo ngắn của các anh mình mặc dài đến gối nhưng ấm áp vô cùng. Chiếc áo đánh dấu bước ngoặt của một cậu bé lang thang thành một người em út trong đội Vệ quốc quân quyết tử’, ông Phúc nhớ lại.

 Phạm Đình Luận (trái), 9 tuổi và người bạn thân Trang Công lũy (phải), 10 tuổi - những chú bé liên lạc gan dạ trên chiến lũy Liên khu 1 là 2 trong số những Vệ út ở Hà Nội, chụp ảnh cùng một chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô.

Mỗi Đại đội của Trung đoàn Thủ đô có hơn 10 Vệ út. Những chiến sĩ cảm tử quân nhí được giao nhiệm vụ liên lạc, đưa công văn giấy tờ, truyền tin, mật khẩu, mật lệnh chiến đấu, tiếp tế cứu thương… Những lúc tạm ngưng tiếng súng, Vệ út lại cất tiếng hát, múa vui trên chiến hào, trong lũy cát cùng với các Vệ quốc quân.

Với lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, chống lại lực lượng tinh nhuệ được vũ trang hiện đại, cầm chân và tiêu hao quân Pháp trong gần 2 tháng, là kỳ tích của đội quân quyết tử. Trong đó, chiến công và sự hi sinh của những Vệ út trong Trung đoàn Thủ đô đã đóng vai trò to lớn trong 60 ngày đêm Hà Nội kháng chiến, phá hủy và thu được nhiều vũ khí... Noi gương Vệ út Thủ đô, trên cả nước đã xuất hiện các đội thiếu niên như đội thiếu niên Sài Gòn, Biên Hòa, Đồng Tháp Mười… hưởng ứng toàn quốc kháng chiến.

Đầu tháng 2/1947, Bộ chỉ huy quyết định đưa Trung đoàn Thủ đô ra ngoại thành Hà Nội để bảo toàn lực lượng cho kháng chiến lâu dài. Ngày 17/2/1947, cùng với các chiến sĩ Vệ quốc quân, các vệ út của Trung đoàn Thủ đô lặng lẽ rút khỏi Hà Nội.

 Các Vệ út tham gia biểu diễn văn nghệ.

Đầu năm 1948, Trung đoàn Thủ đô quyết định, những Vệ út trên 15 tuổi được trở thành những người lính thực thụ, được biên chế vào những đơn vị chiến đấu, còn lại 30 chiến sĩ nhỏ tuổi dưới 14 tuổi được giữ lại để thành lập đội tuyên truyền, sau là Đội tuyên văn của Trung đoàn Thủ đô.

Đến năm 1950, Đội tuyên văn giải tán, các Vệ út mỗi người một nơi: người vào quân ngũ tham gia những trận đánh, người thành anh lính làm phim có mặt trên khắp trận địa, người trở thành nghệ sĩ nhân dân đầu ngành của một môn nghệ thuật… Nhiều Vệ út tiếp tục chiến đấu trong lực lượng của Trung đoàn Thủ đô cho đến ngày Hà Nội hoàn toàn giải phóng.

Những Vệ út năm ấy bặt tin nhau đến 50 năm. Mãi đến năm 1996, Vệ út Đặng Văn Tích mới có cơ hội gặp mặt một số Vệ út để viết cuốn tư liệu tại Lai Xá, Hoài Đức (Hà Tây cũ).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn