Định kỳ vào ngày 17 và 18 hàng tháng, hơn một nửa nhân lực Trạm Y tế xã Mường Và (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) lại chia nhau tới 4 bản vùng cao biên giới để tiêm vaccine cho người dân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Giáng Hương, Trưởng Trạm Y tế xã Mường Và cho biết, hành trang của các nhân viên y tế là một thùng phích bảo quản vaccine, chiếc balo với nhiều loại vật tư y tế, cùng những túi bánh kẹo làm quà cho trẻ… Những vật dụng trên được buộc gọn gàng trên chiếc xe máy rồi lên đường đi tiêm chủng và thăm khám lưu động cho người dân tại các bản làng trên xã.
Được biết, từ UBND xã đến các bản cách bản vài giờ đồng hồ di chuyển, nhà cách nhà mấy con dốc, ngọn đồi cao, nên điểm tiêm chủng được đặt tại bất cứ đâu, từ nhà văn hóa đến điểm trường, hay đến từng nhà, từng lán nương… sao cho thuận lợi nhất với bà con. "Đường đến các bản rất khó khăn và xa xôi. Vì vậy, các thành viên trong Tổ Y tế lưu động của đơn vị luôn phải đi từ rất sớm để người dân không phải đợi", bác sĩ Hương nói.
Chị Thào Thị Dợ (bản Phá Thóng, xã Mường Và) cho biết, định kỳ hàng tháng các bác sĩ ở trạm y tế lên tận bản tiêm phòng cho các cháu, tôi thấy rất vui, bởi con có vaccine bảo vệ. Nếu các bác sĩ không lên, chúng tôi đưa con xuống trạm, đường đi rất khó khăn, vất vả. Vì thế, trước đây chúng tôi rất "ngại" đưa con xuống trạm để tiêm. Giờ thì, nhờ các y bác sĩ lên bản, các cháu đều được tiêm phòng đầy đủ.
"Đường giao thông từ UBND xã đến các bản rất khó khăn. Trước đây, các y bác sĩ không đến tận nơi vận động, giải thích và tiêm chủng, rất ít trẻ ở các bản xa được tiêm đúng lịch, đủ mũi. Hơn nữa, do trình độ dân trí, hủ tục lạc hậu, bố mẹ thấy con tiêm xong quấy khóc nên không muốn cho tiêm, hoặc khi đau ốm thì cúng bái chứ không dùng thuốc. Do đó, Trạm quyết định chia nhân lực đến các bản làng để tiêm vaccine và thăm khám cho trẻ", bác sĩ Hương chia sẻ.
Bác sĩ Hương cũng cho biết, khi lên bản, các y bác sĩ cũng gặp không ít khó khăn. "Từ Trạm y tế xã lên đến một bản 20km nhưng có khi đi đến 3 tiếng, đường mưa trơn, xóc, toàn đất đá, ô tô không lên được, bắt buộc phải đi xe máy. Thế nhưng, có khi lên đến bản các y bác sĩ cũng không gặp được người dân, hôm sau lại phải quay lại. Ngoài ra, còn hao phí vaccine do các bản cách xa nhau, nên có khi vaccine lên để tiêm cho 20 trẻ, nhưng nhưng chỉ tiêm được 3,4 trẻ/bản, không thể mang sang bản khác.
Không chỉ tiêm vaccine cho trẻ em, mà cả phụ nữ mang thai, tiêm phòng Covid-19, khám, tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi… cũng được 100% các Trạm Y tế của huyện Sốp Cộp triển khai theo hình thức lưu động. Đây được coi là một giải pháp hữu hiệu nâng tỷ lệ bao phủ các loại vaccine, thực hiện các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại địa bàn còn nhiều khó khăn.
Ông Lường Văn Xuân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sốp Cộp cho biết, Sốp Cộp là một huyện vùng sâu vùng xa của Sơn La, điều kiện kinh tế - xã hội ở đây còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp… Thời gian qua, trung tâm y tế đã chỉ đạo các Trạm Y tế, cùng nhân viên y tế thôn bản đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để triển khai tiêm chủng.
Đối với Trạm Y tế xã Mường Và, ông Xuân cho biết, hiện trạm có 10 y, bác sĩ và điều dưỡng viên. Định kỳ mỗi tháng một lần, từ ngày 15 đến ngày 18, Trạm Y tế xã tổ chức lực lượng cùng trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc men đi tới các bản vùng sâu, vùng xa, biên giới thăm khám và tiêm vaccine cho người dân.
Tuy nhiên, do địa hình chia cắt, dân cư phân bổ thưa thớt, cách xa nhau nên các cán bộ y tế nơi đây phải vượt đèo, băng suối để đến với người dân. Các điểm chăm sóc y tế cho người dân có thể đặt ở bất cứ đâu, từ nhà văn hóa đến điểm trường hay từng nhà, lán trên nương, ông Xuân nói.
Cũng theo ông Xuân, tiêm chủng hay thăm khám lưu động chỉ là một trong rất nhiều công việc của y tế cơ sở. Nhiệm vụ này khiến các trạm giảm nguồn nhân lực, giảm thời gian cho công việc chuyên môn khác, chưa kể đến những khó khăn về vật chất, tinh thần, sức khỏe của đội ngũ y tế. Về lâu dài, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, nâng cao kiến thức và ý thức cho bà con để chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngành y tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn