Bệnh sởi xuất hiện quanh năm nhưng nó thường xảy ra vào mùa đông - xuân. Cho đến thời điểm hiện tại, bệnh vẫn là một căn bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Thực tế, tất cả các đối tượng chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Vì thế, nắm chắc những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sởi sẽ giúp chúng ta có thể phòng tránh được căn bệnh nguy hiểm này.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sởi đầu tiên phải kể đến là không tiêm chủng phòng bệnh sởi. Theo các thống kê, việc không đưa trẻ đi tiêm chủng sẽ dẫn đến trẻ em dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có sởi.
Hậu quả của việc không tiêm chủng là khi trẻ mắc bệnh, dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong ở trẻ bị mắc sởi.
Rất nhiều bằng chứng trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy rõ ích lợi to lớn của việc tiêm chủng. Theo đó, tiêm chủng sẽ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, loại trừ cũng như thanh toán nhiều bệnh nhiễm trùng.
Một trong những bằng chứng thể hiện rõ nhất không tiêm chủng chính là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sởi chính ở Việt Nam vào năm 2013, dịch sởi bùng phát trở lại sau nhiều năm đã được kiểm soát.
Một trong những lý do quan trọng chính là do các bà mẹ lo ngại phản ứng sau tiêm không cho con đi tiêm chủng hay trì hoãn việc tiêm vaccine không đúng lịch do đợi vaccine nhập ngoại.
Đối với bệnh sởi, tất cả các đối tượng chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc sởi. Vì vậy, những nhóm đối tượng này cần được bảo vệ bằng cách tiêm vaccine sởi.
Như đã nói, bệnh sởi dễ dàng lây lan trong không khí do hắt hơi, ho. Có tới khoảng 90% trường hợp gần gũi với người bệnh mà không có các biện pháp phòng tránh đều bị mắc căn bệnh này. Đặc biệt, các bác sĩ cho biết, người mắc sởi có thể lây sang người khác trước 4 ngày sau khi phát ban.
Do đó, một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sởi chính là những người đi du lịch nước ngoài, đặc biệt là du lịch tới những nước đang có dịch sởi hay nhiều đối tượng mắc sởi.
Vậy làm sao để phòng tránh sởi cho bản thân và gia đình do nguy cơ này? Câu trả lời chính là tiêm vaccine đầy đủ,. Điều quan trọng khác để giảm thiểu khả năng mắc sởi là kiểm tra sức khỏe trước khi đi du lịch 4-6 tuần và sau khi đi du lịch về. Nếu có bất kì biểu hiện nào không tốt cho sức khỏe, nên đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Cơ thể thiếu vitamin A chính là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sởi. Vitamin A là một vi chất quan trọng trong quá trình phát triển của cơ thể con người, đặc biệt là đối với các trẻ nhỏ.
Một trong những vai trò rất quan trọng của vitamin A chính là vitamin A tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch. Khi cơ thể bị thiếu vitamin A gây ra hiện tượng suy giảm miễn dịch. Với trẻ em thiếu vi chất này sẽ dễ bị nhiễm khuẩn. Vì thế, những đối tượng thiếu vitamin A, đặc biệt là trẻ em sẽ dễ mắc sởi hơn.
Thiếu vitamin A không những là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sởi mà nó còn khiến cho những người mắc sởi dễ mắc các biến chứng hơn. Vì thế, hãy bổ sung vitamin A bằng thực phẩm hay bằng viên uống theo chỉ định của bác sĩ để tránh được nguy cơ mắc căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn