Nickname nhạy cảm dẫn lối cho bạo lực học đường

12:30 | 09/11/2016;
Những nickname “nhạy cảm” mà teen đặt cho nhau như “màn hình phẳng”, “pê đê”, “cá rô đực”… tưởng chừng vô hại là mầm mống dẫn tới việc "động chân, động tay" ở trường học.
ngoai-hinh-beo.jpg
Nhiều teen mập cảm thấy tự ti khi bị nickname chứa sự miệt thị. Ảnh minh họa internet.

Phan Tuyết Anh (Linh Đàm, Hà Nội) có thân hình hơi đẫy đà, dáng người khá thô, vai rộng, ngực bé, hông to và nổi bật nhất là cặp mông quá khổ. Khi còn bé, dù bị mọi người trêu chọc nhưng Tuyết Anh không để ý, vẫn ăn theo ý muốn. Bước vào tuổi dậy thì, cô luôn có ý thức “bóp mồm, bóp miệng" để giảm cân. Có hôm, vì nhịn lâu, Tuyết Anh bị hạ đường huyết và xỉu.

Bố mẹ vận động phải giữ sức khỏe nhưng Tuyết Anh vẫn tìm mọi cách giảm cân. Bởi mỗi lần đến lớp, nghe các bạn gọi mình là “mộng năng” (nặng mông), cô cảm thấy rất xấu hổ. Ra đường hay giữa sân trường, các bạn không gọi cô bằng tên mà vô tư “réo” nickname ấy khiến cô chỉ muốn “độn thổ”. Ở lứa tuổi trăng rằm ai cũng quan tâm đến ngoại hình, trong khi bạn bè lại đặt biệt danh để miệt thị hình thức của mình khiến Tuyết Anh cảm thấy rất khó chịu và như bị xúc phạm.

bao-luc.jpg
Không ít vụ bạo lực học đường có mầm mống từ những nickname nhạy cảm. Ảnh minh họa internet.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải (cố vấn chuyên môn Hội quán các bà mẹ), những biệt danh chỉ nhược điểm ngoại hình, tính cách… đã gieo vào đầu óc trẻ sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Các em nảy ra nhiều sáng kiến khi tìm những tên “độc, lạ” để miệt thị bạn. Bạn béo bị gọi là “đồ tham ăn”, “con nhợn”, “bồ tượng”, bạn sống nội tâm, ít nói thì bị gọi là “tự kỷ”, có bạn bị gọi là “khùng”, “dốt nát” hoặc “ngu” vì học yếu môn nào đó…

Càng lên lớp trên, những nickname càng dễ gây tự ái: “Màn hình phẳng”, “bức tường”, “hai lưng” để chỉ những bạn “siêu mỏng”; “cá rô đực”, “má hóp đít tóp”, “bộ xương di động”, “pê đê”, “bóng”, “lại cái”, “sít” để chỉ những bạn trai ít nam tính... Khi kẻ bại trận đã bị “võ miệng” hạ gục thì việc bị bồi thêm “võ tay” là điều tất yếu.

Một số học sinh đồng tính là nạn nhân của những trò dè bỉu, nghịch ác của các bạn trong lớp, thậm chí liên lớp và của cả trường, lại chịu thêm sự dò xét, mỉa mai, công kích của chính giáo viên vì cái tội “không giống ai”, “trai cong”, “ẻo lả”, “đua đòi”, “có hành vi xấu”, “ăn mặc không phù hợp với giới tính”..., có khi còn bị hạ hạnh kiểm.

Nhiều trò đùa quá lố đáng ra bị khép vào tội “bạo lực học đường”, trong đó có liên quan đến giới tính, nhưng các giáo viên và nhà trường thường bỏ qua, không giải quyết dứt điểm vì nghĩ chỉ là chuyện của trẻ con. Đây chính là những lý do khiến bạo lực học đường có xu hướng leo thang.

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn