Niềm tin bị đánh cắp, nỗi đau của 'tín đồ hàng Việt'

16:27 | 03/09/2015;
Tôi là một trong những ‘tín đồ’ hàng Việt, tích cực hưởng ứng cuộc vận động ‘người Việt ưu tiên dùng hàng Việt’. Tôi coi đó như một trong những hành động biểu thị lòng yêu nước của mình. Thế nhưng, có một sự việc khiến tôi không khỏi băn khoăn…

Số là, cách đây ít lâu, tôi tìm mua một cây bút bi cho con tại một cửa hiệu văn phòng phẩm lớn tại quận 1, TP.HCM. Bà chủ tiệm cứ một mực đề nghị tôi mua loại bút bi Trung Quốc, trong khi tôi hỏi mua sản phẩm của một nhà sản xuất Việt Nam có uy tín trên thị trường. Lấy làm lạ, tôi hỏi bà chủ tiệm “tại sao lại đề nghị “trái khoáy” như vậy?”, bà liền lấy ra hai cây bút giống hệt nhau, giảng giải: “Tôi đố chị tìm thấy điểm khác biệt giữa hai cây bút này!”. Thái độ khá “nghiêm trọng” của bà khiến tôi hơi tò mò. Tôi nhìn kỹ hai cây bút, quả thực nó chẳng có gì khác nhau, ngoài việc một cây có dán nhãn chữ Trung Quốc, còn cây kia mang nhãn hiệu Việt mà tôi vẫn ưa chuộng.

Bà chủ tiệm bảo tôi, hãy cầm từng cây bút lên viết thử xem có gì khác nhau không. Tôi làm theo, và kết quả là hai cây bút này có nét mực và màu mực y hệt nhau! Bà chủ tiệm lúc này mới cười đắc ý: “Bây giờ, cây bút của Trung Quốc giá 700 đồng, cây của Việt Nam giá 2.500 đồng, chị chọn mua loại nào?”. Tôi vẫn “ngoan cố” bảo chọn mua hàng Việt Nam. Bà vẫn cười rất tươi: “Nếu tôi nói với chị rằng, cây bút mang nhãn hiệu Việt Nam này thực ra cũng được sản xuất tại Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam mua về và dán nhãn mang thương hiệu của mình để bán với giá cao gấp hơn 3 lần, thì chị có còn “đòi” mua loại đó nữa không?”. Đến lúc này thì tôi hoang mang thực sự.

Atx---Niemtin1.jpg

Tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt đang khá phổ biến. Ảnh minh họa: internet

Quả thực, lâu nay tôi có nghe phong thanh về chuyện một số doanh nghiệp Việt Nam nhập hàng Trung Quốc với giá “bèo” về “lên đời” bằng cách dán nhãn hiệu của mình vào. Sản phẩm này sau đó được bán với “giá nội” cao hơn nhiều so với “hàng Tàu”, và hẳn nhiên là cũng dễ tiêu thụ hơn vì được đông đảo người tiêu dùng trong nước ủng hộ. Hoặc có người nói rằng, không ít sản phẩm, nhất là hàng điện tử, điện máy, mặc dù được lắp ráp tại Việt Nam, nhưng tới 99% linh kiện bên trong được đặt sản xuất tại Trung Quốc, hoặc mua từ các nguồn trôi nổi nhưng đều có xuất xứ Trung Quốc… “Dùng hàng loại này, tiếng là hàng Việt Nam nhưng thực chất vẫn chỉ là hàng Trung Quốc!”, nhiều người đã từng khẳng định như vậy.

Cũng tại cửa hàng ấy, bà còn “giới thiệu” một loại bút máy của một hãng văn phòng phẩm lớn khác. Cây bút có hình thức trông khá bóng bẩy, giá cao (gần 80.000 đồng), chỉ được biết là mang thương hiệu của một doanh nghiệp Việt Nam thông qua tờ giấy in giá bán, chứ tìm khắp từ trong ra ngoài cây bút không có một dòng chữ nào ghi tên nhà sản xuất cũng như quốc gia sản xuất. Bà khẳng định, loại bút này cũng là của Trung Quốc, nhưng lại được bán dưới danh nghĩa của một doanh nghiệp trong nước.

Tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt đang khá phổ biến, lại được “tiếp tay” bởi một số doanh nghiệp có tên tuổi, đã khiến cho niềm tin của những “tín đồ hàng Việt” trở nên lung lay. Nếu cơ quan chức năng không sớm phát hiện và xử lý một cách nghiêm khắc, thì tình trạng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả của cuộc vận động “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, và càng khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính lâm vào khó khăn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn