Niềm tự hào nghề giáo qua những câu chuyện bất tận đầy cảm xúc

08:10 | 20/11/2020;
Tròn 24 năm “cắm bản”, cô giáo Hoàng Thị Huệ nghẹn ngào nhắc đến hình ảnh dễ thương của những cô cậu học trò nghèo, mặc quần áo rách đến trường... in đậm trong tâm trí cô bao năm tháng công tác ở vùng biên.

"Vồ ếch" mỗi lần đến điểm trường

Vừa kết thúc giờ lên lớp, cô giáo Hoàng Thị Huệ, giáo viên trường Tiểu học Bắc Xa, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) diện bộ áo dài màu xanh lá, dịu dàng hòa lẫn vào đội tập văn nghệ, chuẩn bị tham gia biểu diễn ngày 20/11 tại trường.

Cô Huệ cười tươi chia sẻ: "Bắc Xa là xã vùng sâu, xa nhất tỉnh Lạng Sơn. Cho đến tận bây giờ, đường xá đi lại từ các bản ra trung tâm xã, hay đến trung tâm huyện vẫn vô cùng khó khăn, nhưng điều đặc biệt ở vùng cao nơi này là rất hiếm khi giáo viên phải tới nhà vận động các em đến lớp. Nếu có thì chỉ trường hợp đặc biệt lắm về hoàn cảnh, nhưng chúng tôi đều tìm cách hỗ trợ để các em và gia đình vượt qua khó khăn, tiếp tục đến lớp. Còn lại, đa số học sinh được bố mẹ ở các bản tại Bắc Xa tự nguyện đưa con đến lớp học chữ. Có lẽ với chúng tôi, đó là niềm tự hào trong nghề mà không gì đo đếm được".

Nhìn học sinh mặc chưa đủ ấm, áo quần còn rách vá đến lớp, tôi lại như tiếp thêm sức mạnh theo nghề  - Ảnh 1.

Cô Hoàng Thị Huệ (áo xanh) cùng cô Chu Thị Sửu – Hiệu trưởng nhà trường trong ngày lễ của trường (Ảnh: PV)

Trước khi về làm giáo viên ở trường Tiểu học Bắc Xa, cô Hoàng Thị Huệ đã có nhiều năm "cắm bản" ở nhiều điểm trường khó khăn nhất tại các bản ở xã Bắc Xa. Cô Huệ trầm giọng: "Tôi về dạy ở trường tiểu học chính Bắc Xa được 6 năm, là trường khang trang nhất rồi, nhưng tôi vẫn canh cánh nhớ các điểm trường cũ tôi từng dạy học, giờ đã xuống cấp nhiều do được xây dựng từ lâu. Mỗi điểm trường đóng tại các bản có khoảng 5 lớp, có đủ từ lớp 1 đến lớp 5, mà chúng tôi chưa giúp được gì nhiều để việc học của các em tốt hơn...".

Nhắc về những kỷ niệm "cắm bản" đầy ắp yêu thương của mình, cô giáo Huệ kể: "Tôi nhớ nhất là lúc còn dạy ở điểm trường thuộc bản Khuổi Tà, sau đó vài năm lại chuyển sang điểm trường ở bản Nà Thuộc, bản Háng… Đều là điểm trường đi lại vô cùng khó khăn, chỉ có đường mòn, không có đường cho xe máy, ô tô đi. Tôi còn nhớ ngày đó, Đồn biên phòng Bắc Xa phải dùng ngựa thồ thực phẩm từ ngoài vào Đồn. Còn tôi, mỗi lần đến lớp, lại là một hành trình phải vượt qua bao đèo dốc, bao suối khe…".

"Khi ấy tôi chưa biết đi xe máy, nhà chỉ có chiếc xe đạp cũ bố mẹ mua cho để đi làm. Cứ chiều thứ 6, tôi về nhà với bố mẹ nghỉ cuối tuần, rồi chuẩn bị thêm lương thực, quần áo để chiều chủ nhật tôi lại đạp xe gần trăm cây số đến điểm trường, kịp cho ngày đầu tuần dạy học. Tôi cứ đi trong rừng một mình, mệt lại dừng chân nghỉ. Hôm nào phải đem theo quần áo rét, đồ dùng thức ăn, sách vở, không thể chở bằng xe đạp được, tôi phải gánh bằng quang gánh. Có hôm trời mưa, đường trơn, tôi "vồ ếch" liên tục, ngã rồi lại bò dậy khi quần áo bê bết bùn đất, ướt nhẹp. Đến được điểm trường thì đã rất khuya..." – cô Huệ nghẹn ngào nhớ lại kỷ niệm xưa.

Nhìn học sinh mặc chưa đủ ấm, áo quần còn rách vá đến lớp, tôi lại như tiếp thêm sức mạnh theo nghề  - Ảnh 2.

Cô Huệ yên tâm theo đuổi nghề vì có người chồng luôn động viên vợ hoàn thành nhiệm vụ (Ảnh: PV)

Không đưa được vợ đến trường, ở nhà đứng ngồi không yên

Sinh ra và lớn lên ở huyện Đình Lập (cách trường Tiểu học Bắc Xa hơn 70 km), sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, cô Hoàng Thị Huệ về công tác tại các điểm trường ở Bắc Xa từ năm 1994 đến nay.

Dẫn tôi về thăm căn nhà nhỏ ở ngay mặt đường gồ ghề đá tảng ở bản Háng, cô Huệ hồ hởi gọi người đàn ông đang lúi húi trong bếp chuẩn bị bữa cơm chiều rồi bảo: "Niềm say nghề của tôi có lẽ còn phải nhờ vào sự động viên, khích lệ rất lớn từ người đàn ông này. Từ khi tôi xây dựng gia đình (năm 2000), vì điểm trường cách nhà từ 70 đến 80 cây số đường rừng, nên anh ấy đưa vợ đến trường, rồi ngồi ở nhà dân đợi vợ dạy xong lại cùng về. Cũng có thời điểm mưa to gió lớn liên tục, suối lũ dâng cao, tôi phải ở lại trường đến cả tuần lễ thì anh ở nhà chăm sóc con cái".

Vội vã chạy ra đón khách lạ, anh Đường Văn Lầu dắt xe giúp cô Huệ dựng vào góc nhà. Thường ngày, anh Lầu làm nghề bán tạp hóa điện tử tại nhà, ngoài ra anh còn nhận trồng khoán rừng. Nghe khách hỏi về vợ, anh cười tươi khoe: "Tôi tự hào vì có vợ làm giáo viên, nghề cao quý như vậy thì mình phải ủng hộ chứ. Tôi cũng tự hào vì tôi là đàn ông duy nhất trong nhà, nhưng lại là đầu bếp số 1 của gia đình. Để vợ yên tâm công tác, tôi làm bố bỉm sữa chăm sóc cả 3 con gái nhỏ. Cô ấy đi dạy vất vả, nên cứ về đến nhà con cái đã tắm táp xong xuôi, có mâm cơm canh nóng hổi đợi sẵn".

Khẽ thơm vào má cô Huệ như để khẳng định tình yêu lớn lao dành cho vợ, anh Lầu không giấu nổi xót xa: "Tôi không nhớ bao nhiêu lần đưa vợ đi dạy, bao lần cả 2 vợ chồng cùng ngã lăn ra đường vì đường mưa quá trơn. Cứ ngã xong tôi lại xin lỗi vợ, đỡ vợ dậy đi tiếp. Lúc đó điện thoại chưa có, hôm nào bận con cái, tôi không đưa được vợ đến trường, ở nhà lại đứng ngồi không yên. Chỉ khi nào vợ về nhà, tôi mới an tâm là vợ đã an toàn".

Nhìn học sinh mặc chưa đủ ấm, áo quần còn rách vá đến lớp, tôi lại như tiếp thêm sức mạnh theo nghề  - Ảnh 3.

Những ngày này, chưa bao giờ chúng tôi được nhận hoa của học trò, nhưng phần thưởng lớn nhất dành cho chúng tôi là lời chào, lời cảm ơn từ đáy lòng phụ huynh và học sinh nhiều thế hệ. (Ảnh: PV)

Vợ chồng cô Huệ sinh được 3 con gái. Con gái lớn đang học đại học ở Bắc Ninh (năm thứ 3), con thứ 2 học lớp 9 ở trường Dân tộc nội trú, con gái út vừa vào lớp 1. Cả 3 con gái của cô Huệ đều ngoan và là học sinh giỏi của trường, nhiều lần đạt giải cao thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Cô Huệ cho biết, nhiều thế hệ học sinh của cô đã ra trường, thành đạt. Ngay tại trường Tiểu học Bắc Xa, hiện có 2 học sinh thuộc thế hệ đầu tiên cô Huệ dạy, giờ trở về trường đứng trên bục giảng cùng cô Huệ tiếp tục dẫn dắt nhiều thế hệ học trò. Đó là em Hoàng Văn Trung, ở bản Nà Thuộc, nay là Chủ tịch công đoàn trường rất năng động, gương mẫu và đầy triển vọng; em Chu Thị Hiền, là giáo viên giỏi và năng động của trường... Ngoài ra, còn nhiều em đã tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội như em Hoàng Văn Tính, hiện là bác sĩ bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Bình; em Lương Văn Độ, từng học Đại học Y Hà Nội, hiện là bác sĩ công tác tại Hà Nội...

Niềm tự hào về nghề giáo có lẽ là những câu chuyện bất tận đầy cảm xúc như thế. Trong ngày vui cả nước hướng đến ngày hiến chương của thầy cô giáo, cô Huệ xúc động cho biết: "Những ngày này, chưa bao giờ chúng tôi được nhận hoa của học trò, nhưng phần thưởng lớn nhất dành cho chúng tôi là lời chào, lời cảm ơn từ đáy lòng phụ huynh và học sinh nhiều thế hệ. Hạnh phúc của trò vùng cao chúng tôi chỉ đơn giản thế, nhưng lại ý nghĩa lớn lao vô cùng, nó âm ỉ thắp sáng ước mơ cho thầy, trò vùng biên mỗi ngày cùng nhau tiến bước".

Cô Chu Thị Sửu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bắc Xa: "Cô Hoàng Thị Huệ là giáo viên nhiệt tình với học trò, tận tụy với nghề. Kết quả dạy học của cô luôn đạt thành tích cao, nhiều năm cô Huệ đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện. Mới nhất là năm học 2019 – 2020, lớp cô Huệ chủ nhiệm còn có học sinh đạt giải Nhất trong Hội thi "Em yêu khoa học" cấp huyện và đạt giải Nhì cấp tỉnh. Cá nhân cô Huệ nhiều năm nhận bằng khen cấp huyện.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn