Bố mình 53 tuổi, con trai mình - bé Jon gần 3 tuổi. Nhà mình ở cách nhà bố có vài bước chân thôi nên ngày nào Jon cũng sang chơi với ông ngoại. Đối với mình, việc ở gần bố mẹ là một điều gì đó rất tuyệt vời. Mình có thể nhờ ông bà phụ giúp mỗi khi bận việc, ngược lại cũng thuận tiện để mình có cơ hội chăm sóc, báo hiếu.
Bé Jon nhà mình quấn ông lắm, ngày nào cũng bám riết lấy ông. Ông đi đâu, Jon lon ton chạy theo đó, cùng nhau làm mọi thứ. Đối với bố mình, ông không cảm thấy phiền hà gì mà như có thêm người bạn để trò chuyện, vui đùa.
Trưa hôm rồi mình đang ngồi bóc bưởi, còn dư cái vỏ để đó, Jon tự chạy ra lấy đội lên đầu. Chẳng ai bảo gì, Jon chạy ba chân bốn cẳng sang với ông ngoại, kêu ông chụp hình cho. Mình ngồi xa nên chẳng nghe rõ hai ông cháu đang tíu tít chuyện gì, chỉ thấy ông nhiệt tình chụp ảnh còn cháu hào hứng tạo dáng. Bỗng dưng, mình cũng bật cười theo vì thấy vui trong lòng.
Bản thân mình hồi nhỏ do bố mẹ đi làm ăn xa nên không có điều kiện ở gần nhà ông bà ngoại, còn ông bà nội đã qua đời trước khi mình sinh ra. Thế nên tuổi thơ của mình không có những niềm vui giống như Jon, mình không được trải nghiệm cảm giác mỗi ngày có ông đón đưa đi học, có bà ru ngủ là thế nào.
Đôi khi mình cảm thấy, tuổi thơ của những đứa trẻ khi có tình thương của ông, sự ấm áp của bà thật sự rất tuyệt vời. Những cảm xúc ấy không giống như khi ở cùng với bố mẹ, nó đặc biệt và vô cùng trìu mến. Vậy nên mình mừng vì bố mẹ vẫn khỏe để các con của mình có cơ hội cảm nhận được tình yêu từ ông bà.
Từ khi mình sinh ra cho đến năm mình 18 tuổi, mình luôn ở dưới một mái nhà với ông. Khi có sự xuất hiện của mình, ông đã về hưu, công việc của ông khiến mình ngưỡng mộ lắm, ông là bác sĩ. Do tính chất công việc nên bố mẹ mình khá bận rộn, từ nhỏ mình chủ yếu ở nhà với ông và có thêm một cô giúp việc. Dần dần, ông trở thành người thầy người bạn lớn nhất của mình.
Khi mình chưa biết chữ, ông là người đọc truyện cổ tích cho mình nghe. Buổi tối, thay vì như nhiều người khác được mẹ ru ngủ, mình sẽ nằm im nghe ông kể về cuộc đời mình, thời xưa chiến tranh ra sao, ông đi học nước ngoài thế nào và cứ thế chìm vào giấc ngủ. Học cấp 1, ông là người dạy mình học. Mình cũng thích được ông dạy vì ông kiên nhẫn và không bao giờ lớn tiếng.
Cuối tuần, niềm vui của mình là được theo chân sang nhà bạn ông, mình được chuẩn bị riêng bánh kẹo, nước uống cho con nít. Tính mình hướng nội từ nhỏ, mình không thích chạy chơi cùng các bạn trong xóm mà muốn ngồi nghe các ông bà nói chuyện với nhau hơn. Ông là người khiến mình thích tìm tòi, học hỏi. Ông hay dẫn mình đi mua truyện, cảm giác hai ông cháu cùng đi bộ, mình cứ say mê nói về những suy nghĩ trẻ con của mình, thật sự rất đáng nhớ. Có một điều mình rất quý ở ông, ông luôn tôn trọng cảm xúc của mình, lắng nghe lời mình nói và chưa bao giờ xem nhẹ những ý kiến của một đứa trẻ.
Cho đến hiện tại, khi mình đã 24 tuổi, mình dành nhiều thời gian hơn cho công việc, ít khi về quê cùng gia đình. Mình biết, ông là người muốn mình về quê hơn ai hết, nhưng ông luôn động viên, nói mình không được về vì ông hiểu lối sống của mình hợp với thành phố, với công việc hiện tại hơn. Bất kể ai nhìn vào cũng nói, con gái chỉ nên làm 8 tiếng/ngày, ổn định rồi đi lấy chồng. Nhưng với ông, cho dù mình chọn ở lại thành phố làm việc xuyên lễ, ông vẫn cảm thấy như thế là tốt. “Còn trẻ, còn được học hỏi là tốt rồi. Đừng vì những lời của người khác mà sống trái với nguyên tắc của bản thân”, ông hay dặn dò mình vậy.
Nhiều người bảo rằng, đến khi về già, ông bà lại một lần nữa làm “cha mẹ”. Mình thấy điều này không sai nhưng với riêng mình, ông là người bạn thân nhất đời. Mình thích cảm giác vô tư, thoải mái kể mọi chuyện cho ông và thật sự, ông luôn ủng hộ mình cho dù những điều mình làm đối với người khác là “kì quặc”. Mỗi chặng đường của mình đều có ông cho đến tận bây giờ, đó là điều may mắn nhất trong cuộc đời.
Hồi nhỏ mình không nhìn thấy ông bà ngoại vì ông bà mất sớm. Lên lớp 1, mình là đứa trẻ khóc rưng rức khi ôm di ảnh ông nội. Mình không biết nữa, chỉ là lúc đó mình cảm nhận rõ được nỗi buồn còn trước đó, mình quá bé để nhớ những kỉ niệm cùng ông nội. Mình còn bà nội, thi thoảng bà cũng hay đưa đón mình đi học, mua đồ ăn vặt và bênh vực mình những lúc bị bố mẹ mắng.
Thế nhưng bà mình ít nói, yêu thương cũng chẳng bộc lộ ra ngoài, hơn nữa, mẹ mình làm nội trợ nên mọi thứ của mình đều có mẹ lo, thay vì bà nội. Do vậy, mình từng không thích khái niệm ông bà trở thành “bố mẹ” bởi quan điểm của mình, bố mẹ phải luôn là người có trách nhiệm, chăm sóc con cái chứ không thể giao phó toàn bộ cho ông bà. Tuy nhiên mình lại thay đổi hoàn toàn khi mẹ mình lên chức bà ngoại.
Chị gái mình sinh con đầu lòng, mẹ mình là người chăm sóc tất tần tật mọi thứ. Chăm con rồi lại chăm cháu, cứ quần quật cả ngày. Giờ cháu gái mình 4 tuổi rồi, vẫn chỉ thích ngủ với bà, bố mẹ đi công tác có khi cháu mình không buồn bằng một ngày vắng ông bà. Nhiều khi mình nghĩ cũng tài, tụi mình đi làm hết, nhà có mỗi 2 ông bà già và một nhóc con 4 tuổi nhưng cũng nói mãi không hết chuyện, vui vẻ từ sáng tới tối.
Nhiều lúc mẹ mình cũng than mệt, vì có tuổi rồi, chân đau nhưng hay phải lên xuống cầu thang, chạy theo chăm cháu. Nhưng lúc nào được nghỉ ngơi, cháu gái mình về nhà nội là hai ông bà ngoại buồn ra mặt. Một lúc lại tự hỏi không biết cháu ăn chưa, một lúc lại gọi điện thoại để được nhìn mặt cháu. Nhìn cảnh bố mẹ mình chở cháu đi học về, cho đi dạo bờ hồ, ăn kem, thấy bố mẹ còn hạnh phúc hơn cả lúc chúng mình đưa bố mẹ đi chơi nữa.
Lúc đó mình mới hiểu rằng, niềm vui của ông bà đôi khi chính là được làm “bố mẹ” thêm một lần nữa. Mong muốn được giúp đỡ con cháu, được nghe những câu chuyện, tiếng cười khúc khích của lũ trẻ thơ như để bản thân cũng được trẻ lại. Nhìn cháu gái, mình cảm thấy ghen tị vì có tình thương của ông bà nội, ông bà ngoại. Chắc chắn rằng, tuổi thơ hạnh phúc bên ông bà sẽ là những kỉ niệm tuyệt vời nhất trong đời mà bất cứ đứa trẻ nào cũng muốn mang theo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn