Vầy Nưa là xã đặc biệt khó khăn, nằm cách trung tâm huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) chừng 20km. Xã hiện có 713 hộ, 2.900 nhân khẩu sinh sống tại 8 bản, với trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mường, Dao…
Trước đây, mỗi khi bị bệnh, người dân chỉ biết nhờ thầy cúng, thầy mo, chứ không đến cơ sở y tế. "Tuy nhiên, từ khi anh Tươi đến nhận công tác tại Trạm Y tế xã Vầy Nưa thì nhận thức của bà con trong việc chăm sóc sức khỏe đã có những thay đổi rõ rệt", ông Xa Văn Si, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa, chia sẻ.
"Anh Tươi" mà vị Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa nhắc đến là bác sĩ Phạm Trọng Tươi, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vầy Nưa, người đã có 22 năm thăm khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số nơi đây.
Bác sĩ Tươi quê gốc ở Thái Bình nhưng từ khi còn nhỏ, ông đã theo gia đình lên Hòa Bình sinh sống. Lên vùng đất mới, gắn bó với người dân nơi đây, cậu bé Tươi khi ấy ước mơ trở thành thầy giáo để đem cái chữ đến cho đồng bào. Năm 1997, Trọng Tươi thi đậu và theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình.
Tuy nhiên, vì gia đình không chuyển được hộ khẩu nên giấc mơ trở thành thầy giáo của Tươi bị dang dở. "Sau đó, tôi chuyển sang học Trường Trung cấp Y Hòa Bình. Đó cũng là bước ngoặt để tôi đến với nghề Y và gắn bó với nó đến tận bây giờ", bác sĩ Tươi bộc bạch.
Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Hòa Bình với tấm bằng loại ưu, Trọng Tươi tiếp tục theo học tại Đại học Y Thái Nguyên. Năm 2002, sau khi ra trường, ông xung phong về Hòa Bình công tác, được phân về công tác tại Trạm Y tế xã Vầy Nưa.
Niềm vui giản đơn
Nhớ lại những ngày đầu tiên lên Vầy Nưa nhận nhiệm vụ, bác sĩ Tươi cho biết, khi đó, xã có 8 bản nằm rải rác ở các triền núi ven hồ, trong đó, bản Mó Lẻ cách trung tâm xã 20km. Hơn 20 năm trước, Vầy Nưa còn chưa có đường ô tô, chưa có điện, muốn đến các bản bắt buộc phải dùng thuyền máy, chạy dọc lòng hồ Hòa Bình mới tới nơi.
Dù sinh sống ở Hòa Bình từ nhỏ, sáng mở mắt ra đã thấy núi, đồi nhưng khi lên tới Vầy Nưa, bác sĩ Tươi mới cảm nhận hết được sự thiếu thốn, vất vả của bà con. Khi bị bệnh, đa số người dân đều cậy nhờ thầy cúng, thầy mo.
Phụ nữ thường sinh đẻ tại nhà, rất ít khi đến cơ sở y tế. Để chăm sóc sức khoẻ người dân, bất kể nắng mưa, bác sĩ Tươi chạy thuyền dọc lòng hồ Hòa Bình để thăm khám, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
"Vận động mãi mà bà con chưa thay đổi, đôi lúc, tôi muốn chuyển nghề. Nhưng mỗi lần thấy phụ sản khỏe mạnh, "mẹ tròn con vuông", trẻ con khỏi ốm khi được thăm khám kịp thời, tôi lại có thêm động lực gắn bó với nghề", bác sĩ Tươi chia sẻ.
Hơn 20 năm ở vùng lòng hồ Hòa Bình, bác sĩ Tươi dần hiểu phong tục, tập quán của đồng bào. Ngoài công tác khám chữa, bệnh, ông cùng các y, bác sĩ của Trạm Y tế xã Vầy Nưa còn tích cực vận động bà con thay đổi nếp sống như không nhốt trâu, bò dưới gầm nhà sàn, thực hiện ăn chín, uống sôi, ngủ có màn và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ...
"Khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, đặc biệt là tiêm chủng, nhiều người dân bảo: "Con mình vẫn khỏe, không phải tiêm". Chúng tôi phải kết hợp với chính quyền, các trưởng bản thuyết phục, giải thích để bà con hiểu việc tiêm là để phòng bệnh. Đến nay, trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng của xã được tiêm chủng đầy đủ các mũi", bác sĩ Tươi chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn