Ninh Thuận sẽ phát triển du lịch có chiều sâu, chất lượng
16:17 | 07/09/2018;
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cho rằng, du lịch tỉnh Ninh Thuận sẽ không phát triển một cách ồ ạt mà đi vào chiều sâu, chất lượng. Đặc biệt, phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, mộc mạc.
Ngày 7/9, tại TP.HCM, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Thuận với sự tham gia của hơn 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo một số tỉnh/thành phía Nam và đại diện các tổ chức doanh nghiệp lữ hành, nhà đầu tư.
Nhiều tiềm năng du lịch
Ninh Thuận là tỉnh được thiên nhiên ban tặng nhiều phong cảnh sơn thủy hữu tình, hoang sơ và thơ mộng đã tạo nét duyên riêng. Đến thăm nơi đây du khách có thể tham gia nhiều loại hình du lịch như tắm biển, nghỉ dưỡng, du thuyền, leo núi, săn bắn... Với chiều dài bờ biển 105 km có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng từ lâu như bãi tắm Ninh Chữ, Cà Ná; một số bãi và vịnh biển, đồi cát đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và khách du lịch như: Vĩnh Hy, Bình Tiên, Mũi Dinh, Nam Cương, Cà Ná…
Văn hóa các dân tộc cũng là một thế mạnh về du lịch của tỉnh. Ở Ninh Thuận có các công trình kiến trúc tháp Chăm đầy bí ẩn trong cách xây dựng gắn với lễ hội của người Chăm cùng nghệ thuật ca múa nhạc dân gian đặc sắc trong tiếng trống Ghi năng, tiếng đàn Baranưng, điệu múa Apsara bên bếp lửa hồng; có làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc với truyền thống lâu đời. Ở miền núi, các dân tộc Raglai, Kơ-ho... có nhiều lễ hội dân gian độc đáo như: lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa mới, có nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc độc đáo như đánh mả la, thổi khèn bầu, đàn đá, đàn Chapi. Ở miền biển, ngư dân có các lễ cầu ngư, hội đua thuyền, lắc thúng …
Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2017, lượng khách tới Ninh Thuận tăng 12%, doanh thu du lịch tăng 17,7%. Tuy nhiên, hiện Ninh Thuận vẫn đang gặp không ít khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư du lịch, dịch vụ. Tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 325 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận, quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận địa điểm đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 115.000 tỉ đồng, tập trung các lĩnh vực phát triển du lịch, năng lượng, sản xuất giống thủy sản, chế biến nông thủy sản, khai thác, chế biến khoáng sản. Trong đó, có 48 dự án đầu tư về du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, diện tích khoảng 1.800 ha, tổng vốn đầu tư gần 15.300 tỉ đồng.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận sẽ phát triển kinh tế theo mô hình xanh và sạch theo những nét đặc sắc, đặc thù của tỉnh. Bên cạnh việc phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo thì tỉnh cũng sẽ tập trung phát triển lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao theo những sản phẩm đặc thù của tỉnh.
Theo ông Vĩnh, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Riêng du lịch, đã có những chính sách, ưu đãi để phát triển du lịch. Ninh Thuận sẵn sàng chào đón, đồng hành cùng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng như du khách trong, ngoài nước đến khám phá, tận hưởng vẻ đẹp của tỉnh.
Cần những dự án mang tính chất “con sếu đầu đàn”
TS Trần Du Lịch cho rằng, cái thiếu của du lịch Ninh Thuận hiện tại là thiếu những công trình du lịch mang tính chất “con sếu đầu đàn” để tạo điểm nhấn. Hi vọng những dự án sắp triển khai trong thời gian sắp tới tại Ninh Thuận sẽ sớm nhanh chóng hoàn thành để thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư khác.
Tam giác Khánh Hòa – Ninh Thuận – Đà Lạt (Lâm Đồng) là tam giác vùng phát triển du lịch rất tốt. Nhưng hiện nay, việc kết nối, giao thông còn hạn chế nên tam giác này chưa khai thác được hết tiềm năng. Do vậy, các các cơ quan cần chủ động ngồi lại với nhau để tháo mắc những khó khăn, vướng mắc để phát triển được vùng du lịch này.
Theo ông Lịch, Ninh Thuận đi sau về du lịch nhưng cũng có thuận lợi là trách được những “vết xe đổ” của các tỉnh/thành khác. TS Trần Du Lịch cho rằng, Ninh Thuận tuyệt đối không nên cho các doanh nghiệp chiếm bãi biển không cho dân tới, hay việc tàn phá môi trường. “Tỉnh cần quy hoạch, định hình rõ ràng. Khi nhà đầu tư vào thì đã có quy hoạch rõ ràng, chỗ này là phát triển du lịch đẳng cấp, chỗ kia là đại trà. Chứ không phải nhà đầu tư cứ có tiền là làm gì cũng được. Tỉnh cần quy hoạch, chứ không phải nhà đầu tư vẽ ra rồi tỉnh đi theo là không phát triển được”, ông Lịch nói.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, tiềm năng du lịch của Ninh Thuận rất lớn nhưng không nên phát triển một cách vội vàng, phải biết chọn lựa những dòng sản phẩm du lịch độc đáo để phát triển. “Văn hóa tạo ra điểm khác biệt của Ninh Thuận đối với tất cả các vùng khác. Văn hóa Chăm chắc chắn không nơi nào sánh được với Ninh Thuận. Do đó, hãy phát triển văn hóa Chăm trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo nhất của Ninh Thuận”, ông Bình nói.
Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, du lịch Ninh Thuận sẽ không phát triển một cách ồ ạt mà đi vào chiều sâu, chất lượng. Đặc biệt, phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị thiên nhiên ban tặng cho nơi đây.
Theo ông Bình, Ninh Thuận là vùng đất đầy nắng gió nhưng tạo ra được những giá trị khác biệt, nếu được khai thác tốt, tạo ra được những sản phẩm đặc thù thì sẽ tạo ra được một sản phẩm du lịch cạnh tranh, thu hút khách. Con người Ninh Thuận rất thân thiện, khát vọng, muốn hành động để hướng đến một tương lai tốt đẹp.
“Ninh Thuận đang hành động mạnh mẽ để cải thiện đầu tư kinh doanh, trong đó có đầu tư kinh doanh du lịch. Nhưng muốn phát triển du lịch thì Ninh Thuận không thể đơn phương, đứng riêng một mình để phát triển du lịch được mà phải liên kết với các tỉnh, liên kết vùng với nhau. Trong đó có một yếu tố không thể thiếu là sự tham gia của người dân”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nói.