Trong quý đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tiếp tục tác động, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị sử dụng lao động, gây tác động tiêu cực lên tình hình việc làm của NLĐ. Từ đó, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam trong những tháng đầu năm 2021. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ đọng BHXH những tháng đầu năm còn cao. Tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT còn khá phổ biến, với tổng số tiền nợ BHXH, BHYT trong cả nước lên tới 20.756 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý với những đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động...
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết: Tình trạng nợ đọng BHXH khá lớn, nguyên nhân là do thời gian vừa qua rơi đúng dịp Tết Nguyên đán; cộng thêm dịch Covid-19 lần thứ 3 bùng phát, đã tác động tiêu cực tới hơn 10 tỉnh, thành phố. Vì vậy, tỷ lệ nợ BHXH tăng lên so với thời điểm tháng 12/2020. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, thì người lao động chịu nhiều thiệt thòi khi không được hưởng đầy đủ các quyền lợi chính đáng. Nhiều người rơi vào tình cảnh quá tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ do không có sổ BHXH. Nhiều lao động nữ khi sinh nở không được hưởng chế độ thai sản. Nhiều lao động nghỉ việc nhưng không chốt được sổ BHXH...
Theo dự báo năm 2021, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc phá sản. Khả năng số tiền nợ, chậm đóng BHXH còn gia tăng. Tại hội nghị giao ban toàn ngành BHXH tháng 4/2021, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định: Phương hướng nhiệm vụ mà BHXH Việt Nam đặt ra với BHXH các địa phương là triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ BHXH, BHYT trong những tháng tiếp theo. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành triển khai chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2021; thực hiện thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch đã được BHXH Việt Nam phê duyệt; tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất tại các đơn vị có dấu hiệu nợ đọng, lạm dụng quỹ BHXH, BHYT.
Triển khai các hoạt động, giải pháp nhằm giảm tình trạng nợ đọng BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết: Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã đến trực tiếp từng doanh nghiệp nợ đọng BHXH để lắng nghe, tháo gỡ những vướng mắc và vận động các doanh nghiệp thực hiện việc đóng BHXH cho người lao động đúng theo quy định của pháp luật.
Còn đối với những doanh nghiệp dừng hoạt động, BHXH Việt Nam tiếp tục kiến nghị với các cơ quan làm rõ tình trạng của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp cố tình chây ỳ, thì đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và tiếp tục sử dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính. Sau khi sử dụng các biện pháp này vẫn tiếp tục chây ỳ thì cơ quan BHXH sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, Viện kiểm soát để khởi tố các trường hợp vi phạm.
Đến thời điểm này, BHXH Việt Nam đã chuyển khoảng 300 hồ sơ các doanh nghiệp cố tình chây ỳ không đóng BHXH cho người lao động, sang cơ quan công an, Viện kiểm soát để giải quyết. Những trường hợp cố tình chây ỳ thì các cơ quan chức năng củng cố hồ sơ để khởi tố theo quy định của pháp luật. Qua đó, có nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được và khắc phục những vi phạm.
Với những lao động trong doanh nghiệp nợ đọng BHXH, cũng đồng nghĩa người lao động không được xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và không được giải quyết kịp thời các chế độ. Trường hợp người lao động chưa đủ điều kiện hưởng chế độ thì BHXH Việt Nam xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp đến thời điểm nghỉ việc để bảo lưu thời gian đóng các loại bảo hiểm này. Khi có nguồn tài chính đóng đủ vào quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (nguồn trả nợ thay cho doanh nghiệp) thì BHXH Việt Nam tiến hành xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết kịp thời các chế độ cho người lao động.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn