Nô lệ tình dục Phillipine đòi công lý

19:29 | 20/06/2016;
Trong Thế chiến thứ II, hàng trăm ngàn phụ nữ và trẻ em gái trên toàn châu Á đã bị lính Nhật hãm hiếp và bắt làm nô lệ tình dục. Một số người được Chính phủ Nhật xin lỗi và bồi thường nhưng một số khác thì không, trong đó có phụ nữ Philippine.

Lời kể từ những nhân chứng sống

Ngày nay, Nhà đỏ hùng vĩ, nơi mà lính Nhật khi xưa đồn trú đã đổ nát, nhưng những ký ức kinh hoàng cùng những hành động tàn bạo diễn ra trong đó thì chưa bao giờ bị phai nhạt.

comfort-women-3.jpg
 'Nhà đỏ', căn nhà nhuốm đầy tội ác của lính Nhật trong Thế chiến Thứ II. Căn nhà này đã cướp đi cuộc sống của hàng trăm người phụ nữ và bé gái.

Bà Lita và em gái Mileng của mình sống ở ngôi làng nhỏ gần Mapanique, cách thủ đô Manila về phía bắc khoảng 50 dặm. Hiện giờ, cả hai đã hơn 80 tuổi mà ký ức thời chiến tranh vẫn đeo bám họ. Họ nhớ rằng tuổi thơ của họ rất đơn giản nhưng vô cùng hạnh phúc. Bà Lita nói rằng: “Chúng tôi thường chơi nhảy lò cò, trèo cây và hái quả”.

Cơn ác mộng tìm đến vào năm 1944, khi lính Nhật tấn công làng của họ. Lúc đó bà Lita mới 15 và Mileng mới được 13 tuổi. Cả làng bị bắt phải chứng kiến những người đàn ông bị hành quyết do lính Nhật nghi ngờ họ thuộc tổ chức kháng chiến. Mapanique bị cướp phá và san bằng. Hơn 100 cô gái trẻ và phụ nữ bị đưa đến Nhà đỏ.

comfort-women-2.jpg
 Bà Lita (bên phải) và em gái Mileng (bên trái) bị lính Nhật bắt làm nô lệ tình dục từ khi mới 15 và 13 tuổi.

Bà Mileng nói rằng: “Chúng tôi nghĩ rằng đó là dấu chấm hết cho thế giới của chúng tôi. Chúng tôi nghĩ bọn chúng sẽ giết chúng tôi”. Vào lúc đó, tinh thần của lính Nhật đang lên rất cao. Chúng cởi bỏ quân phục, ăn uống và hút thuốc. Sau đó dưới ánh sáng mờ nhạt, chúng bắt đầu cưỡng hiếp phụ nữ và trẻ em gái tại đây.

Bà Mileng đau xót nhớ lại: “Nó rất đau đớn”.

Khi tiến vào bên trong ngôi nhà, bà Lita chỉ vào cầu thang đi xuống và chia sẻ rằng đây là nơi mà bà bị bọn chúng cưỡng hiếp: “Tôi đã vật lộn vì tôi không muốn quần áo của mình bị tước bỏ. Tôi vắt chéo chặt chân lại. Và chúng đã đấm vào đùi tôi để chúng có thể làm điều mình muốn”.

Sáng hôm sau, chúng được lệnh rời làng. Làng của Lita và Mileng bị thiêu rụi, những người sống sót thì trôi dạt theo con sông đến thị trấn gần đó. Trong sự hỗn loạn, hai chị em họ mất gần 3 ngày mới tìm thấy nhau.

Và như thế, họ đã lặng lẽ trở thành một phần trong vụ bạo lực tình dục kinh hoàng nhất lịch sử hiện đại, khi có đến 200.000 phụ nữ bị giam giữ và nhiều ngàn người khác bị hãm hiếp. Con số này được ghi nhận nhiều nhất là tại Hàn Quốc và Trung Quốc, nhưng nó cũng được mở rộng theo sự bành trướng Đế quốc Nhật Bản sang cả Myanmar, Phillipine…

Bà Estellita, hiện đã 86 tuổi, cũng là một nạn nhân của cái gọi là “comfort women”. Bà lớn lên trong một trang trại ở miền trung Phillipine, ước mơ trở thành giáo viên. Nhưng một ngày nọ, trong khi đi bán đồ ăn tại chợ, bà đã bị một tên lính Nhật bắt và tống vào xe tải, bị đưa vào đồn lính và bị cưỡng hiếp tại đây. “Tôi không nhớ có bao nhiêu người đàn ông bước vào. Có lúc tôi cảm thấy một cơn đau đột ngột và tôi lại chiến đấu. Tên lính tức giận. Hắn ôm đầu tôi và đập vào bàn khiến tôi bất tỉnh.”. Khi đó bà mới chỉ 14 tuổi. Bà đã phải sống 3 tuần dưới dự giam giữ tàn bạo của lính Nhật.

comfort-women-1.jpg
Bà Estellita đã phải bỏ học vì dị nghị của mọi người xung quanh về quá khứ đáng sợ của mình khi bị lính Nhật bắt đi năm 14 tuổi. 

Đã 7 thập kỷ trôi qua, thế nhưng bà vẫn không sao quên được những tiếng la hét, khóc lóc và khuôn mặt của những tên bảo vệ có vũ trang đứng ở bên ngoài phòng giam. “Như là sống trong địa ngục vậy. “Comfort women” chỉ đơn giản là phải nằm trên gường. Phải chờ đợi những khách hàng tiếp theo. Và điều này diễn ra trong nhiều giờ, trong nhiều ngày, nhiều tháng. Và họ không thể làm bất cứ điều gì khác”.

Cuộc sống đau khổ của bà Estellita đã được kết thúc khi bà được đánh thức bởi những người lính Mỹ, khi đó bọn lính Nhật đã bỏ trốn. Bà bước ra khỏi đồn trú và về nhà với cha mẹ. Bà trở lại với trường học, cố gắng để luôn luôn bận rộn. Nhưng cuối cùng sức nặng của sự xấu hổ và nỗi sợ hãi trước bạn bè và hàng xóm khi họ phát hiện ra những gì bà phải chịu đựng đã đánh bại ý chí của bà.

Bà quyết định bỏ học, từ bỏ ước mơ trở thành giáo viên, bắt đầu một cuộc sống mới ẩn danh và trong sự nghèo đói tại thủ đô Manila. Cứ thế, bà bắt đầu nửa thế kỷ sống trong sự im lặng, bà thậm chí không chia sẻ câu chuyện của mình với chồng và các con.

“Comfort women” – Hệ thống nô lệ tình dục đáng sợ của Đế quốc Nhật

Nhà sử học Ricardo Jose của Đại học Philippines cho biết: “Đây không phải là một cái gì đó được thực hiện do sự thôi thúc của thời điểm này - điều này đã được lên kế hoạch”. Trong những năm 1930, quân đội Nhật tại Trung Quốc đã thực hiện hành vi cưỡng hiếp trên phạm vi rất rộng. Khi bắt đầu nhận thấy mối đe dọa từ những căn bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, quân đội Nhật phát minh ra một hệ thống để điều chỉnh hoạt động tình dục thông qua việc sử dụng nô lệ tình dục và chúng gọi họ là “comfort women” - phụ nữ giải trí.

Hồ sơ được lưu giữ từ thời kỳ đau khổ này đã phản ánh một quá khứ lạnh gáy mà những người phụ nữ này phải chịu đựng. Qua những chuyến thăm bệnh 2 tuần một lần tại các đơn vị đồn trú thành phố IIoilo, các bác sỹ của Đế quốc Nhật đã tỉ mỉ ghi lại tên, tuổi và sức khỏe tình dục của những người bị giam cầm: “21…16…17... viêm âm đạo… xói mòn âm đạo.”.

Nhà sử gia Jose tiết lộ: “Sự đau khổ nhất của các hành vi bạo lực không chỉ dừng lại ở việc hiếp dâm nữa, nó còn là việc sử dụng gần như bất cứ thứ gì để tổn thương người phụ nữ - chai, gậy, vật cùn. Và tất nhiên nó tạo ra những vết sẹo. Đôi khi những người phụ nữ còn bị bỏ mặc đến chết”.

Đấu tranh đòi lại công lý

Sau 50 năm sống trong im lặng, bà Estellita đã có một cuộc gặp mặt bất ngờ với những người sống sót sau nạn “comfort women”. Họ vận động bà trở thành một thành viên trong nhóm để thay mặt cho những người đã từng có quá khứ đau buồn như bà. Bởi vì e sợ phản ứng của của cô con gái, lo sợ rằng rồi gia đình sẽ bỏ mình mà đi nên bà Estellita đã không dám kể với con của mình: “Tôi đã phải giải thích rằng tôi không muốn nó xảy ra với tôi”.

Từ năm 1993, những người phụ nữ tại Hàn Quốc, Phillipine và những nơi khác bắt đầu đề nghị chính phủ Nhật Bản phải đưa ra “lời xin lỗi chân thành, bày tỏ sự hối hận với tất cả những người đã phải chịu nỗi đau đớn vô hạn và những vết thương về cả thể chất cũng như tinh thần không thể nào chữa khỏi khi bị trở thành ‘comfort women’”.

Vào thời điểm đó, một quỹ để cung cấp viện trợ hỗ trợ cho các nạn nhân đã được thành lập nhưng không có đủ bồi thường từ phía nhà nước Nhật. 

Những người phụ nữ Phillipine đã đặt nghi vấn về sự chân thành từ phía Nhật Bản, do sự “chối bỏ” rõ ràng trong báo cáo gần đây từ chính các chính trị gia cấp cao của Nhật. Vào tháng 2/2016, Thứ trưởng Ngoại giao Shinsuke Sugiyama nói với một ủy ban của Liên Hợp Quốc rằng Tokyo không có tài liệu bằng chứng nào xác nhận việc buộc phụ nữ làm nô lệ tình dục trong chiến tranh.

comfort-women.jpg
 Những người phụ nữ Philippine biểu tình để đòi lại công lý.

Những người phụ nữ ở Philippines vẫn không ngừng yêu cầu một lời xin lỗi công khai đầy đủ, sự thừa nhận một cách rõ ràng những đau khổ mà họ đã phải trải qua và sự chấp nhận chịu trách nhiệm pháp lý trước những ‘vết nhơ’ chiến tranh của nhà nước Nhật.

Trong tháng 12/2015, Tokyo đã đưa ra lời xin lỗi chính thức và hứa hẹn bồi thường thích đáng cho những người phụ nữ sống sót tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, chính phủ Nhật lại không hề đề xuất bất cứ bước triển khai bồi thường nào cho những người phụ nữ sống sót ở Phillipine.

Nhóm của bà Estellita vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch của mình bằng các cuộc biểu tình chính trị lớn ở trung tâm thành phố Manila. Họ giăng các biểu ngữ của mình. Họ có thể trông rất yếu đuối và mệt mỏi nhưng khuôn mặt họ luôn bừng sáng trên đường tìm công lý cho mình. “Chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi chứng tôi nhận được công lý, chúng tôi đang kêu gọi. Và khi chúng tôi có được công lý đó, nó có cảm giác giống như một gánh nặng đã được dỡ bỏ”, bà nói.

Hiện nay, trong số 1.000 người phụ nữ Phillipine bị bắt là nô lệ tình dục vào thời điểm đó, chỉ còn khoảng 70 người còn sống.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn