Chocolate không ngọt ngào
Remy Compadre (14 tuổi), người Burkina Faso, làm việc tại đồn điền cacao gần thành phố cảng San Pedro (Bờ Biển Ngà). Đây là nơi sản xuất 30% sản lượng cacao của thế giới. Remy là 1 trong số khoảng 1,4 triệu trẻ em đang bị bóc lột tại quốc gia này.
Các em không chỉ phải chịu làm việc với cường độ cực nặng, làm việc liên tục suốt ngày đêm, bị trả lương rẻ mạt, mà còn đứng trước nguy cơ bị mù mắt, khó thở vì thuốc trừ sâu và thương tật từ những con dao sắc lẹm.
Thậm chí, nhiều em còn chưa bao giờ nhìn thấy tiền khi những người chủ bóc lột tìm mọi thủ đoạn để không phải trả tiền. Anh Djene Bi, một nhân viên xã hội tại Bờ Biển Ngà cho biết: "Thông thường, lũ trẻ chẳng nhận được gì. Chúng ngủ luôn tại những trang trại, chẳng có ngày nghỉ lễ hay cuối tuần.
Ban đầu, những người chủ hứa hẹn sẽ trả tiền vào cuối năm. Tuy nhiên, họ sẽ tìm cách để không trả (tiền công) cho các em. Chuyện này xảy ra rất thường xuyên. Rất khó để có thể thống kê những vụ trẻ em thiệt mạng vì làm việc quá sức".
Việc sử dụng lao động trẻ em tại châu Phi, đặc biệt tại các nước nghèo khu vực Tây Phi như Bờ Biển Ngà xuất phát từ 2 nguyên nhân chính: Sự nghèo đói của người dân và nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới với mặt hàng chocolate.
Phận nghèo trong những mỏ vàng ở Mali
Hoàng hôn buông dần xuống trên mỏ vàng Finkolo, chuẩn bị kết thúc một ngày lao động vất vả. Chị Awa Sangare và cậu con trai Kajatou Sangare mới hơn 10 tuổi vẫn cặm cụi đãi cát tìm vàng với mong ước đổi đời. Họ mải miết tìm quặng quý nhưng cái nghèo, cái khó nhọc vẫn luôn vây bủa lấy cuộc đời không lối thoát...
“Cháu học lớp 4, cháu làm việc ở đây để có tiền mua quần áo”, đó là lời tâm sự của chú bé 9 tuổi Siaka Sanogo, cũng làm việc ở đây. Em Kajatou Sangare thì lí nhí: “Chẳng thà đi làm ở đây để nhận tiền vào cuối ngày còn hơn đi học với cái bụng rỗng”. Trong khi mẹ em, chị Sangare thì thở dài: “Tôi đào đất, đãi và gom góp từng lớp cám vàng đọng lại để bán cho các đầu nậu. Nhờ thế mới có tiền lo cho gia đình suốt mùa mưa. Sau đó tôi trở lại làm nông”.
Không chỉ Siaka Sanogo, Kajatou Sangare, mà còn hàng chục nghìn đứa trẻ khác ở Mali, trong đó có những em chỉ mới lên 6 tuổi, đã phải bổ những chiếc cuốc chim nặng trịch, lưỡi đã mòn vẹt, để đào hố, moi đất nhét vào bao, cõng trên lưng, mang tới những vũng nước để đãi vàng.
Từ sáng đến chiều tối, các em làm việc quần quật giữa cái nắng cháy da của châu Phi. Hình ảnh đó thường thấy ở Mali - quốc gia Tây Phi có 14,8 triệu dân, là nước sản xuất vàng lớn thứ 15 thế giới và lớn thứ 3 ở châu Phi (sau Ghana và Nam Phi).
Chính phủ Mali đã ra lệnh cấm khai thác vàng tự phát vì trang thiết bị thiếu thốn và nguy cơ tai nạn lao động rất cao nhưng hiệu quả thực sự của lệnh cấm này còn thấp, bởi 1g vàng bán được tới 28 USD – khoản lợi nhuận quá lớn!
Hấp lực từ khoản tiền quá lớn ấy đã khiến nhiều người nông dân nghèo, cả trẻ em, phụ nữ bị cuốn vào công việc như một vòng xoáy không lối thoát, như gia đình chị Sangare. Dẫu rằng chính phủ nước này đã vận động người dân quay trở lại làm nông nghiệp, nhưng nghề nông cho thu nhập quá ít ỏi nên họ vẫn tìm mọi cơ hội để được khai thác vàng.
Nhiều bé gái đối mặt với tình trạng quấy rối tình dục
Ngày ngày, các “phu vàng nhí” vẫn miệt mài tìm quặng quý với mong muốn đổi đời. Khi chui ra khỏi lòng đất, toàn thân các em ê ẩm, đôi bàn tay sứt sẹo khi vác những bao đất nặng hơn cả trọng lượng bản thân, còng lưng bò trong những đường hầm len lỏi dưới lòng đất.
Ngay cả những bé gái, có em chỉ mới 8 tuổi, cũng vận chuyển quặng ở mỏ vàng. Mỗi em phải vác trên 20kg quặng, đi một đoạn đường dốc gần 3km để tới nơi tập kết quặng. Nhiều em buộc phải chạm tay vào thủy ngân lỏng hoặc ngửi hơi thủy ngân trong một thời gian dài, dẫn tới nhiều căn bệnh về hô hấp, bệnh phổi nặng cấp tính, khó thở, đau tức ngực...
Nhiều em phải sử dụng búa để đập các quặng vàng, đôi khi các em bị búa đập vào tay và máu chảy lênh láng. Nhiều em phải luân phiên thay ca nhau suốt ngày đêm, ở dưới lòng đất. Không ít trẻ em đã thiệt mạng do bị chôn vùi do sập hầm, mìn nổ. Vất vả là vậy nhưng các em chỉ kiếm được 1-2 USD/ngày!
Theo ước tính của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), các bé gái làm việc ở trong và xung quanh các mỏ vàng phải đối mặt với tình trạng quấy rối tình dục. Một số bé gái trở thành nạn nhân của nạn bóc lột tình dục và có nguy cơ bị nhiễm HIV hoặc các bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục khác. Nhưng, dẫu đối mặt với nhiều hiểm họa, chẳng có em nào chịu từ bỏ.
“Đó là một công việc vô cùng nguy hiểm, độc hại. Tuy nhiên, em không có sự lựa chọn nào khác, em phải lao động kiếm tiền lo cho bản thân và phụ giúp gia đình”, nhiều bé gái tâm sự.
Theo UNICEF, xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em đã trở thành một trong những thách thức cấp thiết nhất hiện nay nhằm tránh gây tổn thương lâu dài về thể chất, tâm lý và tinh thần cho các em. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các quốc gia cần phải nỗ lực hơn nữa, đồng thời phát triển các chính sách và chương trình thúc đẩy tiến bộ thực sự trong loại trừ lao động trẻ em và hành động tập thể để thúc đẩy phong trào toàn cầu chống lạm dụng lao động trẻ em. Theo ước tính của Tổ chức HRW, có từ 100.000 đến 200.000 người đang làm việc trong các mỏ khai thác thủ công ở Mali, khoảng 20-30% số này là trẻ em dưới 18 tuổi. |