Sáng 23/3, tại Phủ Chủ tịch, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mun Che In, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và ông Dong Yeon Kim, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là Chương trình EPS) có giá trị trong 2 năm.
Trong Bản ghi nhớ đề cập trách nhiệm của cơ quan phái cử và tiếp nhận, những chi phí phái cử, quy trình tuyển chọn, giới thiệu và ký hợp đồng với các ứng viên. MOU cũng quy định các công tác chuẩn bị trước khi đi, hỗ trợ quá trình phái cử và tiếp nhận lao động; các biện pháp phòng ngừa tình trạng cư trú bất hợp pháp của người lao động.
Đây là lần thứ sáu Việt Nam và Hàn Quốc ký Biên bản ghi nhớ về Chương trình cấp phép cho lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Dự kiến trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trao đổi, thống nhất với phía Hàn Quốc về kế hoạch triển khai Bản MOU này bao gồm việc tổ chức các kỳ thi tuyển lao động trong các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp.
Qua đó, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc Hàn Quốc sẽ được rộng cửa hơn nữa, giúp lao động nghèo có cơ hội thu nhập cao hơn khi làm việc tại nước ngoài. Hiện có gần 50 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Chương trình EPS được triển khai từ năm 2004 đến nay, đưa được 38 ngàn người đi làm việc theo Chương trình EPS với mức lương bình quân từ 1.000 đến 1.500 USD/tháng (21 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng/tháng).
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất trong triển khai chương trình này mà cả phía Hàn Quốc và Việt Nam nỗ lực giải quyết là tình trạng người lao động sau khi hết hạn hợp đồng lao động đã không về nước mà tiếp tục ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Trước đó, hoạt động xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc đã từng bị gián đoạn nhiều năm do quá nhiều lao động sang Hàn Quốc rồi trốn ra ngoài làm việc. Chương trình EPS mới được ký lại vào tháng 5/2016, và đến tháng 5/2018 là hết hạn.
Trong những năm qua, cả 2 phía đã thực hiện quyết liệt nhiều chính sách, giải pháp để giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc và đã giảm đáng kể. Cụ thể như, Bộ LĐ-TB&XH đã ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS vào năm 2017 của 58 quận/huyện thuộc 12 tỉnh, thành phố; Trong đó, có 109 quận/huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 30%. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền với sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương, và gia đình vận động người đi làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợt đồng trở về nước…
Theo số liệu thống kê, năm 2017 cả nước đưa đi được 134.751 lao động (trong đó 53.340 lao động nữ; chiếm 39,6%). Riêng Hàn Quốc tiếp nhận hơn 5.000 lao động, trong đó chỉ có 473 lao động nữ trong năm 2017. |