Vừa qua, các suất bổng của Viện đã được trao cho 17 chiến binh nhí. Một trong những bạn nhỏ ấy là cô bé Trần Phương Bảo Trâm, quê ở Nghệ An.
Dù hàng tháng đều phải đi viện điều trị bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia), Bảo Trâm vẫn vươn lên trong học tập. Em không chỉ là học sinh giỏi toàn diện nhiều năm liền mà còn đạt giải Nhì môn Vật lý, giải 3 môn Toán trong cuộc thi Olympic cấp huyện khối lớp 8.
Khi biết rõ hơn về hoàn cảnh của Trâm, chúng ta càng thêm cảm phục nghị lực của cô bé 14 tuổi. Hai chị em Trâm đều mang trong mình căn bệnh tan máu bẩm sinh, gia đình em thuộc diện hộ nghèo, bên cạnh việc làm ruộng, mẹ em còn tranh thủ bán xôi buổi sáng để chăm lo cho các con.
Suốt 8 năm qua, mẹ Trâm đều đặn đưa 2 chị em vượt qua hơn 300 cây số từ Nghệ An ra Hà Nội truyền máu. Ba mẹ con phải đi xe khách từ 8 giờ tối đến 2-3 giờ sáng, tranh thủ chợp mắt trên xe và nghỉ tạm ở phòng bán vé để sáng sớm đi bộ đến Viện Huyết học - Truyền máu TW.
Sau một ngày điều trị tại Trung tâm Thalassemia của Viện, ba mẹ con lại lên xe và về đến nhà vào lúc 1 giờ đêm. Mặc dù trải qua quãng đường dài và 2 đêm ngủ không tròn giấc, nhưng ngày hôm sau, Trâm lại cắp sách tới trường. Cô bé cũng không có điều kiện đi học thêm như các bạn khác nhưng năm nào cũng đạt nhiều thành tích xuất sắc. Đi học về, em lại chăm chỉ làm việc nhà để chia sẻ bớt gánh nặng cho bố mẹ.
Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, cô học trò nhỏ vẫn luôn nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo dạy Toán để truyền lại kiến thức cho các thế hệ học trò.
Cùng điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu TW, cậu bé Phạm Huy Hoàng (quê ở Hà Tĩnh) cũng là một tấm gương về ý chí cố gắng và tinh thần lạc quan. Đầu năm 2022, Hoàng bất ngờ phải nhập viện vì bị ung thư máu. Từ một cậu bé hoạt bát, say mê với học tập, Hoàng phải nằm điều trị tại Khoa Bệnh máu trẻ em của Viện trong hơn một năm ròng.
Những đợt truyền hóa chất kéo dài khiến em đau nhức xương, các chỉ số máu liên tục giảm. Có đợt em còn bị loét họng, nhiễm nấm trong miệng và không thể ăn uống được. Tuy mới hơn 10 tuổi nhưng cậu bé thông minh ấy đã hiểu tất cả những gì xảy ra với mình. Trong những cơn đau vượt quá sức chịu đựng, cậu bé đã nói với mẹ: “Mẹ ơi, con đau thế này hay chết đi cho xong!”.
Nhưng sau tất cả, Hoàng vẫn là một cậu bé lạc quan, tích cực. Em hăng hái tập múa hát và tham gia tất cả các chương trình văn nghệ của bệnh nhi tại Viện. Em cũng là thành viên chăm chỉ của các lớp học do Viện phối hợp với các nhà hảo tâm tổ chức. Những kiến thức, những bài học về kỹ năng sống ở các buổi học sau giờ tiêm truyền đã giúp em vơi bớt nỗi nhớ trường, nhớ lớp.
Bất cứ thời gian nào được ra viện, trở về nhà giữa những đợt truyền hóa chất, Hoàng đều đi học. Em nhanh chóng ghi nhớ bài giảng và hoàn thành tất cả các bài tập cô giáo giao cho. Cho tới hết tháng 3/2023, em mới hoàn thành các đợt điều trị tấn công. Vậy nhưng em vẫn là học sinh xuất sắc, đồng thời đạt giải trong cuộc thi Violympic Toán cấp tỉnh và cuộc thi Trạng Nguyên toàn tài Internet cấp trường.
Hoàng tâm sự và bày tỏ mong ước: “Trong thời gian qua, đã có rất nhiều biến cố xảy ra với em, nhất là khi em bị bệnh và phải điều trị ở một nơi rất xa nhà. Em mong trong năm nay em có thể vượt qua căn bệnh này để về đi học và ở bên gia đình nhiều hơn!”.
Hiện giờ, Hoàng chỉ cần đi điều trị duy trì 1 tháng/1 lần và năm học mới, em sẽ thực hiện được điều em mong ước.
Dù trải qua rất nhiều khó khăn và thử thách, những em nhỏ như Hoàng, như Trâm đã viết lên những câu chuyện đầy cảm động về nghị lực, về ý chí kiên cường vượt qua bệnh tật, truyền thêm cho chúng ta sức mạnh và niềm tin vào những điều tốt đẹp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn