Nobel Hòa bình 2018 vinh danh những chiến binh chống bạo lực tình dục

17:12 | 05/10/2018;
Giải thưởng Nobel Hòa bình 2018 đã thuộc về cô Nadia Murad-nô lệ tình dục của IS và bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege vì những nỗ lực chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục.
Nobel Hòa bình là giải thưởng danh giá được trao hàng năm cho các cá nhân hoặc tập thể có đóng góp lớn nhất cho nền hòa bình thế giới. Cuộc đua tranh giải năm nay có tổng cộng 331 ứng viên, gồm 216 cá nhân và 115 tổ chức. Quá trình lựa chọn người chiến thắng được bảo mật kỹ lưỡng cho đến khi kết quả được công bố ngày 5/10. Giải thưởng năm nay trị giá hơn 990.000 USD.
nobel-hoa-binh-2018.jpg
Giải thưởng Nobel Hòa bình 2018 trao cho cô Nadia Murad và ông Denis Mukwege

 

Giải thưởng Nobel Hòa bình 2018 tôn vinh bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege và nạn nhân người Yazidi - cô Nadia Murad - người từng bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc năm 2014.
 
Cô Nadia Murad là 1 trong 3.400 phụ nữ và bé gái người Yazidi (Iraq) trở thành nạn nhân của những vụ hiếp dâm và những hình thức xâm hại khác mà phiến quân của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây ra. Những vụ xâm hại này diễn ra có hệ thống và là một phần trong một chiến lược quân sự. Chúng được xem như là vũ khí trong cuộc chiến chống lại người Yazidi và những nhóm thiểu số tôn giáo khác.
 
nadia-murad-3.jpg
Cô Nadia Murad

 

Cô Nadia Murad là nhân chứng kể lại những vụ lạm dụng xảy ra với cô và những người khác. Cô đã cho thấy lòng dũng cảm phi thường trong việc kể lại những gì mình đã hứng chịu cũng như lên tiếng thay những nạn nhân khác.
 
Tháng 9/2016, Cơ quan phòng chống ma túy và tội ác của Liên hợp quốc (LHQ)-UNODC, đã bổ nhiệm Nadia Murad làm Đại sứ thiện chí của LHQ về phẩm giá của các nạn nhân buôn người.
 
nadia-murad-2.jpg
Cô Nadia Murad và cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon

 

Với tư cách là Đại sứ thiện chí của LHQ, cô Nadia tập trung nâng cao nhận thức về nỗi đau của những nạn nhân của bọn buôn người, đặc biệt là những người tị nạn, phụ nữ và bé gái. Cô cũng đã được Tạp chí Time bình chọn vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2016. Trước Hội đồng Bảo an LHQ, cô từng đứng lên phát động “Sáng kiến của Nadia” nhằm giúp các nạn nhân của nạn diệt chủng.
 
Trang tin Breitbart từng dẫn lời các nhà chức trách Iraq: “Nadia là biểu tượng cho cuộc đấu tranh của nữ giới chống lại những thế lực đen tối muốn làm nhục phụ nữ. Nadia đã nói về cảnh ngộ của những phụ nữ Yazidi bị IS bắt cóc và cô ấy đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu thoát cho hơn 3.400 phụ nữ và bé gái Yazidi trong tay IS".
nadia-murad-4.jpg
Cô Nadia Murad từng được gặp Giáo hoàng Francis

 

Nói về Nadia, cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon cho biết: "Nadia đã sống sót sau những tội ác thảm khốc. Tôi đã khóc khi nghe câu chuyện đau thương của cô ấy. Thế nhưng, Nadia đã mạnh mẽ đứng lên để vạch trần tội ác của IS".
 
Còn bác sĩ Denis Mukwege đã dành phần lớn cuộc đời mình để giúp đỡ hang nghìn nạn nhân bị bạo lực tình dục tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Ông đứng ra thành lập Bệnh viện Panzi ở Bukavu để nuôi dưỡng niềm hy vọng cho phụ nữ Congo. Bệnh viện của ông trông giống như một ốc đảo giữa thành phố hỗn loạn Bukavu với những tòa nhà trắng, lối đi đầy hoa.
 
Đây cũng là giảng đường thu hút các bác sĩ từ khắp châu Phi đến học tập. Ông từng nhận Giải thưởng Sakharov của Liên minh châu Âu cùng nhiều giải thưởng khác do những nỗ lực của ông trong vận động chống lại bạo lực và thúc đẩy sức khỏe phụ nữ.
 
denis-mukwege.jpg
Bác sĩ Denis Mukwege bên các bệnh nhân của mình

 

Ông Mukwege đã đi khắp thế giới để nói về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ ở đất nước mình, từ trò chuyện với các ngôi sao điện ảnh như Angelina Jolie và Ben Affleck đến thuyết trình tại LHQ. Lần nào cũng vậy, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực lên Chính phủ Congo để đưa các nghi phạm ra trước công lý và giúp các phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo lực. Ông chỉ trích chính phủ Congo và nhiều nước vì không nỗ lực đủ để chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục nhằm vào phụ nữ như chiến lược và vũ khí chiến tranh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn