Nỗi ám ảnh bạo hành lao động trẻ em ở Pakistan

11:13 | 25/07/2018;
Ở Pakistan hiện có 3,8 triệu lao động trẻ em giúp việc gia đình, làm việc trong các đồn điền, xưởng gạch, nhà máy sản xuất da giày, nhà hàng… Các em dễ trở thành nạn nhân của nạn bạo hành và xâm hại tình dục.
Ký ức kinh hoàng
Em Tayyaba (10 tuổi) hiện đang sống trong căn nhà tình thương của SOS Childrens Village (Làng Trẻ em SOS) với cuộc sống mới. Tuy nhiên, em vẫn còn cảm thấy rất sợ hãi khi buộc phải kể về quá khứ khủng khiếp của mình. Em lớn lên trong ngôi làng nhỏ, nghèo khó bên ngoài thành phố Faisalabad nằm cách thủ đô Islamabad (Paksitan) khoảng 4 giờ đi ô tô.
 
Azam, cha của Tayyaba là người làm công và không may bị mất một ngón tay do tai nạn lao động phải đi phẫu thuật. Cần tiền nên gia đình cho Tayyaba đi làm giúp việc nhà cho gia đình thẩm phán Raja Khurran Ali. Điều không ngờ là ông Raja Khurran Ali và người vợ Maheen Zafar đã nhiều lần tấn công bạo lực với Tayyaba.
 
Ở Pakistan, phần lớn những vụ án hình sự đều do các nạn nhân hay gia đình (hơn là chính quyền) đề nghị truy tố. Điều đó có nghĩa là rất nhiều vụ việc không được xử lý. Riêng vụ án của Tayyaba, chính quyền buộc phải xét xử do làn sóng chống đối lan rộng của người dân khi bức ảnh gương mặt bị thâm tím của Tayyaba xuất hiện lần đầu tiên trên trang mạng xã hội Twitter năm 2016 đã gây làn sóng phẫn nộ ở Pakistan.
 
Vụ án của Tayyaba thu hút mạnh sự chú ý của giới truyền thông Pakistan. Nhờ sự giúp đỡ của luật sư mà cha của Tayyaba giành được công lý cho con gái.
 
a7.jpg
Lời kêu cứu bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại

 

Nhà hoạt động nhân quyền trẻ em Qudsia Mehmood cho rằng, cần có nỗ lực lấp đầy những “lỗ hổng” pháp lý cho phép thuê dụng trẻ em giúp việc nhà. Tuy nhiên, luật mới bảo vệ trẻ em chỉ được áp dụng tại Islamabad. Mehmood nhận định, cho dù có luật chặt chẽ thì việc thi hành cũng là thách thức lớn lao bởi các gia đình nghèo luôn sẵn sàng cho con nhỏ đi làm thuê còn giới nhà giàu sẵn tiền thuê cho nên sự việc cứ tiếp tục tồn tại.
 
Nạn xâm hại tình dục trẻ em tràn lan
Nạn lạm dụng tình dục lao động trẻ em ở miền Bắc Pakistan là một bí mật đang dần được hé mở.
 
Awad là trẻ mồ côi. Em đã phải sống trên đường phố và làng trẻ dành cho trẻ em không gia đình. Awad nói rằng, không chỉ bản thân, em biết nhiều thanh thiếu niên khác bị lạm dụng trong các nhà máy và xưởng ở Kasur, một thành phố cực kỳ bảo thủ ở Punjab. Awad cho biết, em bị ông chủ lạm dụng tình dục khi mới 12 tuổi.
 
Giờ đây, khi đã tìm được công việc khác trong một nhà máy ở Kasur, ký ức về những lần bị lạm dụng tình dục vẫn ám ảnh cậu bé. “Sự việc diễn ra trong hơn 1 năm. Ông chủ thường gọi tên cháu và nói rằng, cháu là món quà của ông ấy. Cháu không thể từ chối vì ông ta là người trả tiền. Tất cả những gì cháu nhớ về thời gian đó là cảm giác xấu hổ và sợ hãi”, Awad nói.
 
Còn em Ahmed (11 tuổi) phải làm việc để kiếm tiền giúp đỡ gia đình của mình nhưng bất hạnh thay, em đã bị ông chủ lạm dụng tình dục tại nơi làm việc. Ahmed cho biết, vì sợ mất việc làm nên em không dám lên tiếng và phải sống trong sợ hãi mỗi ngày đi làm. Khi được hỏi vì sao không nói cho cha mẹ biết chuyện, Ahmed cho biết: “Em sợ mọi người cười nhạo, sợ không thể mang tiền về giúp đỡ bố mẹ”.
 
a5.jpg
Trẻ em bị bóc lột sức lao động

 

Cuối cùng, Ahmed cũng quyết định nói toàn bộ sự thật với cha mẹ. Tuy nhiên, bố mẹ em không báo cáo sự việc với cơ quan chức năng vì xấu hổ và sợ cảnh sát không hành động. Thông qua một người bạn, bố mẹ Ahmed đã tìm được công việc khác trong nhà máy sản xuất giày cho cậu bé.
 
Ông Jawwad Bukhari, Giám đốc điều hành Quỹ Alpha, một tổ chức giúp trẻ em đường phố quay trở lại trường học, cho biết, hiện có khoảng 3,8 triệu trẻ em làm việc tại Pakistan, phần lớn làm trong các nông trại, các nhà máy sản xuất da giày, nhà hàng... Ông Bukhari ước tính, ít nhất 90% trẻ em làm việc ở Kasur dưới 14 tuổi bị quấy rối tình dục hoặc các hình thức bóc lột khác.
 
Còn theo Sahil, một tổ chức hoạt động chống quấy rối tình dục trẻ em ở Pakistan, khoảng 9 trẻ em bị xâm hại trên toàn quốc mỗi ngày: Các em bị ép hôn, đụng chạm không mong muốn, quan hệ tình dục bằng miệng hay hiếp dâm.
 
Ông Waseem Abbas, nhân viên của Cục Bảo vệ trẻ em và phúc lợi xã hội cho rằng, những đứa trẻ bị xâm hại tình dục thường là con nhà nghèo hoặc không có gia đình, không nơi trú ẩn. Để có được nơi trú ẩn và thức ăn, những đứa trẻ không có sự lựa chọn nào khác.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn