Nỗi ám ảnh của con gái tuổi teen sau khi gia đình đi dã ngoại với nhà hàng xóm

15:33 | 29/05/2020;
Đã quá giờ khuya đi ngủ, con gái 13 tuổi bỗng thất thanh chạy sang phòng mẹ run rẩy: “Mẹ ơi con sợ quá, con càng nghĩ càng bị ám ảnh mãi không ngủ được, vì anh Đ. nhà bác Hưng vừa nhắn là yêu con và muốn được gần con…”.

Chị ôm chặt con gái vỗ về: "Có gì từ từ con kể mẹ nghe xem nào? Anh Đ. nhà bác Hưng nói thế nào với con? Mà con hay nói chuyện với anh Đ. hàng ngày hay là thế nào?". Phải một vài phút trấn tĩnh, con gái chị mới kể rè rặt. Chị vừa nghe, vừa té ngửa, không thể ngờ, chuyện tưởng như rất đơn giản tình nghĩa của 2 nhà hàng xóm cùng là đồng hương, cùng là đối tác làm ăn với chồng chị lại gây ra nỗi ám ảnh, lo lắng cho cô con gái mới lớn từ chuyện không ngờ này.

Nỗi ám ảnh của con gái tuổi teen sau khi gia đình đi dã ngoại với nhà hàng xóm  - Ảnh 1.

Chị vừa nghe, vừa té ngửa, không thể ngờ, chuyện tưởng như rất đơn giản tình nghĩa của 2 nhà hàng xóm (Ảnh minh hoạ)

Gần 2 năm nhà chị chuyển ra khu đô thị mới, nơi văn hoá hàng xóm cũ "tối lửa tắt đèn có nhau" như xóm cũ của chị giờ không còn. Khu đô thị mới văn minh, khang trang hơn, nhưng nhà nào cũng thành xa lạ, ai cũng đóng chặt cửa, kín cổng cao tường khi về đến nhà. Vì vậy, từ hôm tình cờ chồng chị đi chạy thể dục lại quen anh hàng xóm, trò chuyện và giới thiệu lại biết cùng là đồng hương tỉnh Yên Bái, nên 2 ông xã đã mời nhau vào nhà uống chén trà. Cùng làm việc trong lĩnh vực cơ khí, nên việc trở thành đối tác của nhau cũng dễ như bén duyên cùng quê gốc miền núi lại càng đáng quý, trân trọng.

Cứ hễ nhà chị đi đâu xa về, có túi rau sạch hay trái cây sạch, chị lại cho con gái cầm sang biếu nhà bác Hưng, và ngược lại, nhà bác Hưng có đồ ngon cũng sẻ chia tình làng xóm, đồng hương với nhà chị. Đặc biệt, dịp cuối tuần, để tăng thêm mối quan hệ giữa 2 nhà, nhà chị và nhà bác Hưng cùng rủ nhau đi dã ngoại ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) ngày cuối tuần. Nhà bác Hưng có 2 con, cậu con lớn học lớp 11, con nhỏ lớp 6, còn nhà chị con gái lớn lớp 7, cậu con trai nhỏ mới lớp 5.

Buổi dã ngoại đã kết thúc cách đây 3 tháng. 2 nhà cũng vui vẻ và đoàn kết khi thấy bọn trẻ cùng nhau nô đùa trong chuyến dã ngoại cuối tuần, còn hứa hẹn thêm những chuyến đi sau này nữa. Vậy mà vợ chồng chị không ngờ, chuyện lại xảy đến ngoài sự tưởng tưởng của cả 2 gia đình là người lớn.

Con gái chị run rẩy nói: "Con đã chặn số của anh Đ. rồi, để anh không thể nhắn tin hay gọi điện cho con lần nào nữa. Mẹ cứu con, đừng để anh trêu con và nói linh tinh nữa…".

Theo câu chuyện của con gái kể lại, sau chuyến đi chơi Tam Đảo của 2 nhà về, anh Đ. cũng thi thoảng nhắn tin cho con. Con cũng chỉ trả lời bình thường là đã ăn cơm, đã đi học về. Vậy mà đến hôm nay anh bỗng nhắn rất nhiều là: Anh thích em lắm. Anh đã nhiều lần đi học về, tranh thủ đứng ở cổng để nhìn em từ xe trường xuống rồi vào nhà. Thi thoảng anh xin bố mẹ sang nhà em ăn cơm cuối tuần để được nhìn thấy em… Anh còn quay video mấy lần em tập thể dục ở sân chơi khu tập thể để ngắm em cho kỹ… "Mẹ ơi, con đọc xong những dòng anh Đ. nhắn mà con sợ quá, người con run lắm mẹ. Mẹ đừng cho anh ý sang nhà mình nữa. Con cũng sợ không dám ra sân tập thể dục hay đi đổ rác đâu mẹ ơi…".

Nỗi ám ảnh của con gái tuổi teen sau khi gia đình đi dã ngoại với nhà hàng xóm  - Ảnh 2.

Chuyên gia, Thạc sỹ tâm lý Minh Phương cho rằng: Trước hết mẹ phải hoan nghênh tinh thần mạnh dạn chia sẻ của con về việc này với mẹ (Ảnh minh hoạ)

Lúc này chị mới vỡ lẽ, hoá ra thi thoảng nhà bác Hưng hàng xóm đi đâu đó về muộn lại bảo 2 con sang nhà chị ngồi chơi nhờ, thậm chí tiện thể bữa thì ăn cơm luôn. Sau đó, con bác Hưng còn ở lại nhà chị chơi, xem ti vi cả buổi, chán mới về. Không ai ngờ, từ việc đơn giản, chủ quan của người lớn lại khiến cho con gái chị một phen khiếp vía. Chắc chắn vợ chồng chị cũng sẽ có buổi nói chuyện tế nhị này với nhà bác Hưng, để 2 bên cùng nghĩ cách giáo dục, định hướng và bảo vệ con theo cách riêng của mỗi nhà. Tránh để tình huống xấu xảy ra với bọn trẻ.

Chị đem câu chuyện này trao đổi với chuyên gia, Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Minh Phương. Chị Minh Phương chia sẻ: "Chuyện sàm sỡ, trêu ghẹo người khác là hành vi đáng lên án, chúng ta cần phải lên tiếng mạnh mẽ để nó đó không có đất để tồn tại, những kẻ xâm hại không có cơ hội thực hiện hành vi xấu xa đó. Đặc biệt với các bé gái và phụ nữ".

Chuyên gia, Thạc sỹ tâm lý Minh Phương cho rằng: Trước hết mẹ phải hoan nghênh tinh thần mạnh dạn chia sẻ của con về việc này với mẹ (hãy chia sẻ với người đáng tin cậy nếu em có dấu hiệu bị sàm sỡ hoặc xâm hại). Vì khi con chia sẻ thông tin này với bố mẹ hoặc những người mà con tin cậy sẽ giúp con được an toàn hơn, cha mẹ sẽ hỗ trợ con về kỹ năng phòng tránh được nguy cơ bị sàm sỡ hoặc xâm hại. Đề phòng trường hợp nếu anh con trai bác Hưng lại có trò gì vượt quá tầm kiểm soát, hoặc lợi dụng sơ hở của người lớn mà làm chuyện đáng tiếc xảy ra với con gái chị. Mẹ hãy nói với con luôn yên tâm vì mọi người sẽ bảo vệ con, ngoài ra mẹ sẽ hướng dẫn bé có tinh thần cảnh giác cao hơn.

Bản thân bố mẹ không nóng vội gây cho con thêm sợ hãi, hãy gặp riêng cậu đó và cảnh báo về việc làm quấy nhiễu với con gái mình. Nhắc con hãy "quan sát" kỹ hơn khi đi qua hoặc phải tiếp xúc với cậu thanh niên đó. Không nhận quà hay cho kẻ đó bất kỳ một cơ hội nào để đến gần.

Nên đi cùng người lớn hoặc các bạn nếu thấy kẻ đó ở chỗ mình sẽ đi qua hoặc đến. Khi đi ra ngoài nên báo cho bố mẹ biết trước. Mẹ cũng cần nhắc con mặc trang phục phù hợp với độ tuổi, tránh gây tò mò thu hút kẻ có ý đồ xấu.

Nói với con, trong trường hợp phải đối diện với người đó đừng tỏ ra sợ hãi, hãy tỏ ra bình tĩnh và nhìn thẳng vào mắt người đó và đi qua nhanh, tìm đến bên cạnh người mà con thấy an toàn.

Luôn cho con hiểu rằng: kẻ cố tình trêu ghẹo, sàm sỡ con mới là kẻ đáng bị lên án, mới phải xấu hổ. Mọi người sẽ luôn bảo vệ và đứng về phía con, nên con không phải lo lắng sợ người khác bình phẩm mình nếu bị chẳng may ai đó biết con bị người kia tán tỉnh, tìm cách quấy rối hoặc sàm sỡ con./.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn