Đoàn khách vừa xuống xe, đám trẻ lao đến chỗ những người đàn ông da trắng tóc vàng, bắt đầu những tiếng mời mọc vang lên. Đám trẻ bám theo du khách nói những ngôn ngữ Tây, Ta lẫn lộn. Có em tóc tai bù xù bế thêm đứa em đang thiu thiu ngủ trên lưng. Có em chân tay toạc máu, áo quần rách rưới, tóc khét lẹt vị mồ hôi. Nỗi đời buồn đeo đẳng trong dáng đi của chúng, chúng chen vào đám đông mời mua đồ, mời chụp ảnh…
Khách Tây thường đi những gót giầy vững chãi cho một chuyến đi vùng cao, rồi vô tình xéo vào chân chúng. Vì đồng tiền chúng mặc kệ những gót giầy dầy xéo vào những ngón chân non…
Khách bất ngờ giơ máy lên chụp ảnh, chúng nhanh nhảu đáp lại bằng những bài đồng dao bất hủ về tiền : “Chụp ảnh phải trả tiền/ Không có tiền không được chụp ảnh”. Thấy vị khách tư lự chúng mời mọc : “Cô mua cho cháu đi”. Khách trả lời: Cô đã có rồi. Chúng nài nỉ “Nhưng cô chưa mua cho cháu”. Rồi chúng tức giận “Mua đồ mới được chụp ảnh”. Rồi chúng lại giả ngây thơ: “Cho cháu tiền cháu mua gạo…”.
Khách nhớ, khi tới Sa Pa: Không cho tiền thì không chụp ảnh, không cho tiền thì không kể chuyện hoàn cảnh, không cho tiền thì bị chửi thề bằng tiếng dân tộc. Những đứa trẻ Sa Pa khiến người ta liên tưởng đến những cỗ máy đòi tiền có cảm xúc. Đưa du khách từ cảm giác yêu mến, đến rầu lòng, thương cảm, đau xót.
Hỏi ra thì được biết, trẻ vẫn đi học, nhưng Sa Pa đang vào hè, chúng đi kiếm thêm cơm. Trong miệng những đứa trẻ Sa Pa chỉ toàn là những ngữ từ như “tiền, cho tiền, xin tiền” và “money, money, money”.
Tôi nhớ lời của một nhà nghiên cứu văn hóa Sa Pa: “Trẻ Sa Pa bị ảnh hưởng dữ dội và tiêu cực bởi du lịch”.
Nghẹn đắng lòng.